Cảm giác mới lạ
Vừa trải nghiệm du lịch đường sông cùng gia đình, chị Nguyễn Thị Mỹ Trang (ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Đây là lần đầu tiên cả nhà tôi vừa tham gia một chuyến du lịch tối, thưởng thức âm nhạc và ngắm cảnh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đặc biệt, con trai tôi rất thích thú khi được tìm hiểu sâu về lịch sử và văn hóa của dòng sông này. Chúng tôi còn được nghe giới thiệu về đờn ca tài tử Nam Bộ, mang lại một cảm giác mới lạ về thành phố mà chúng tôi đang sinh sống”.
Tương tự, anh Lê Tuấn Minh (ngụ tại thành phố Thủ Đức) cho biết: “Mặc dù đã sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh hơn 10 năm, đây là lần đầu tiên tôi và gia đình được ngắm toàn cảnh sông Sài Gòn về đêm. Tour có giá từ 500.000 đến 700.000 đồng/người, gia đình tôi được thưởng thức một bữa tối, cùng với nước uống và tham quan dọc sông, ngắm các công trình nổi tiếng như tòa nhà Bitexco, Landmark 81 và cầu Ba Son.Tham gia tour du lịch ngắm sông Sài Gòn về đêm, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự nhộn nhịp, tấp nập ngay từ khu vực bến thuyền, điều này thật sự rất thú vị và làm tôi thêm yêu mến Thành phố mình đang sinh sống. Đặc biệt, tôi rất bất ngờ khi số lượng khách trên tàu du lịch rất đông.”.
Theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Thành phố hiện đang khai thác gần 70 chương trình tour, sản phẩm du lịch đường thủy, với hơn 18 doanh nghiệp du lịch vận hành các phương tiện thủy. Các tour được chia thành ba nhóm chính: Tour ngắn (khu vực bến Bạch Đằng, Cảng Sài Gòn, Nhiêu Lộc - Thị Nghè…), tour trung (du lịch Cần Giờ, Củ Chi) và tour dài (từ bến Bạch Đằng đi Đồng bằng sông Cửu Long hoặc liên tuyến đến Campuchia).
Một điểm mới mẻ là sự xuất hiện của loại hình phương tiện đường thủy buýt sông hai tầng (Saigon WaterGo), mang lại cơ hội cho người dân và du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh sông Sài Gòn.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật, đơn vị sở hữu Saigon WaterGo và buýt sông Saigon WaterBus cho biết: “Buýt sông hai tầng đã thu hút rất đông người dân và du khách. Mỗi ngày, Saigon WaterBus đón hơn 4.000 khách, là tín hiệu tích cực cho TP Hồ Chí Minh trong việc triển khai các sản phẩm du lịch mới trên sông Sài Gòn.”
Theo ông Nguyễn Hữu Ân, Phó trưởng phòng Quy hoạch, Phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay, du lịch đường sông đang góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từ sinh thái, mạo hiểm đến lịch sử và văn hóa. “Việc phát triển du lịch đường sông không chỉ làm phong phú thêm các loại hình du lịch mà còn thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng du lịch, bến tàu, khu vực xung quanh”, ông Ân cho biết.
Cũng theo ông Ân, lượng khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh bằng đường thủy hiện nay tăng từ 10 - 20% mỗi năm. Dự kiến, trong giai đoạn 2023 - 2024, TP Hồ Chí Minh sẽ thu hút khoảng 500.000 lượt khách tham quan mỗi năm và doanh thu từ du lịch đường thủy sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Hiệu quả khai thác chưa cao
Dù có tiềm năng lớn, du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh hiện nay chưa phát triển đúng với khả năng của nó. Theo ông Nguyễn Hữu Ân, một trong những nguyên nhân chính là Thành phố thiếu các bến thủy nội địa quy mô lớn để đón các tàu nhà hàng, tàu lưu trú. Hiện tại, chỉ có Cảng Sài Gòn đáp ứng được yêu cầu về quy mô. Ngoài ra, việc thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư, thủ tục hành chính rườm rà và tình trạng ô nhiễm nước sông cũng là những vấn đề cản trở sự phát triển của du lịch đường sông. Mặc dù thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương kiểm tra, giám sát tình hình ô nhiễm và lục bình, nhưng tình trạng này vẫn còn khá nghiêm trọng.
Đại diện Saigontourist cũng thừa nhận, du lịch đường sông vẫn chưa mang lại hiệu quả cao dù thành phố đang chú trọng phát triển loại hình này. Lượng khách và doanh thu từ du lịch đường sông hiện vẫn còn thấp so với các loại hình du lịch khác. Để xây dựng các sản phẩm du lịch đường sông hạng sang, cần tập trung vào việc phát triển các tour trọng điểm, đầu tư vào hạ tầng du lịch đường thủy, đảm bảo chất lượng môi trường nước và kết nối giao thông thủy - bộ. Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành cần tích cực tuyên truyền ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, giúp người dân nhận ra rằng họ sẽ hưởng lợi rất lớn từ sản phẩm du lịch này.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Vietluxtour cũng nhận định, sông Sài Gòn sở hữu nhiều cảnh quan đẹp, nhưng hiện tại chưa được khai thác hết tiềm năng. Để TP Hồ Chí Minh phát triển được sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao, cần phải đổi mới tư duy, kết hợp yếu tố văn hóa vào du lịch để làm nổi bật những giá trị đặc trưng của Sài Gòn xưa. Bà Thu cũng nhấn mạnh về vai trò của các doanh nghiệp trong việc thu hút đầu tư và khuyến khích khai thác các tour đường sông cao cấp, đặc biệt là các tour du thuyền.
Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển du lịch đường sông của thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có lợi thế đặc biệt khi các bến sông nằm ngay trung tâm như Bến Bạch Đằng và các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Do đó, mục tiêu của ngành du lịch thành phố đến năm 2025 là phát triển du lịch đường thủy trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù. Các tuyến sông sẽ được khai thác từ sông Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre… Các tuyến kênh nội đô cũng sẽ có ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy. Khi sản phẩm du lịch đường sông được đầu tư bài bản từ hạ tầng, chính sách và các điều kiện chất lượng, chắc chắn du lịch đường thủy sẽ thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Bài cuối: Hướng đi mới cho du lịch đêm