Cải cách thủ tục visa để “hút” du khách

Để thu hút khách du lịch, các thị trường trọng điểm khu vực Đông Nam Á đang thực hiện áp dụng chính sách miễn thị thực (visa) hoặc đơn giản hóa thủ tục thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi đó, chính sách này của Việt Nam còn khá rườm rà.

Hiệu ứng ban đầu

Từ đầu những năm 2000, Việt Nam đã từng bước triển khai các chính sách theo hướng đơn giản hóa thị thực nhập cảnh nhằm thu hút khách du lịch quốc tế từ các thị trường trọng điểm, đặc biệt là đối với Nhật Bản (từ 2004), Hàn Quốc (từ 2004), Nga (từ 2009); Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển (từ 2005); Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy (từ 2015).

Khách quốc tế thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông Nhật Bản, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam tăng hơn 2,5 lần, từ 267.000 lượt năm 2004 lên đến 671.000 lượt năm 2015, tăng trưởng trung bình 8,7%/năm trong giai đoạn 2004-2015, đứng thứ 3 trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam.

Tương tự, sau khi Việt Nam miễn thị thực cho thị trường Hàn Quốc, số lượng khách nước này đến Việt Nam tăng 4,8 lần, tăng trưởng trung bình 15,3%/năm giai đoạn 2004-2015. Còn thị trường Nga, khi Việt Nam miễn thị thực từ đầu năm 2009, số lượng khách du lịch Nga tăng 6,9 lần, tăng trưởng trung bình 38%/năm trong giai đoạn 2009-2015, trở thành một trong 10 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam.

Gần đây nhất là từ tháng 7/2015, Việt Nam đã miễn visa cho công dân đến từ 5 nước Tây Âu, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy. Trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng lượng khách du lịch từ 5 nước này đạt gần 508.000 lượt, tăng 19% so với 427.000 lượt cùng kỳ năm 2015. “Đây là mức tăng trưởng rất cao đối với các thị trường xa như 5 nước Tây Âu nói trên”, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch cho biết).

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, miễn visa là một trong các giải pháp chủ đạo góp phần tăng trưởng du khách trong 10 năm qua. Theo phản ánh của doanh nghiệp, chi phí làm visa của Việt Nam không đáng kể, nhưng rắc rối nhất là thủ tục và thời gian. Do đó, tính ra chi phí làm visa đến Việt Nam thường cao gấp 2 lần so với mức phí quy định. Trong khi đó, để cạnh tranh điểm đến, nhiều nước trong khu vực đã đơn giản hóa thủ tục và thậm chí miễn visa cho du khách.Việt Nam hiện mới miễn visa cho công dân 22 quốc gia, trong khi Lào đã miễn visa cho 40 quốc gia, Singapore miễn visa cho 158 nước, Philippines miễn visa cho 157 nước, Thái Lan miễn visa cho 55 nước…

Triển khai cấp visa điện tử

Ông Đinh Ngọc Đức thừa nhận việc áp dụng lệ phí visa cao, thiếu linh hoạt sẽ ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển du lịch Việt Nam. Tại hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức tại Hội An vừa qua, trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp về thủ tục làm visa, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an chủ trì cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai cấp visa điện tử (e - visa) với kinh phí 200 tỷ đồng và thực hiện từ 1/1/2017. Đây sẽ là một chính sách đột phá để thu hút khách du lịch ở nước ta.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc APT travel cho biết: “Tùy điều kiện và mục tiêu thị trường, các nước có những chính sách miễn và làm visa khác nhau. Đơn giản nhất là tại Kenya, du khách chỉ việc khai trên mạng, thanh toán online và cơ quan chức năng sẽ cấp visa điện tử để đối chiếu khi nhập cảnh. Hoặc như làm visa điện tử đi Dubai (Ảrập Xêút) thì yêu cầu có doanh nghiệp lữ hành đối tác bảo lãnh… Với nhiều khách phương Tây, thời gian là rất quý cho nên, việc làm e - visa sẽ đơn giản thủ tục hành chính và quan trọng nhất là minh bạch trong con mắt của du khách.

Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch, visa điện tử có ưu điểm như: Đảm bảo ninh tốt hơn, thông tin dễ chia sẻ giữa các cơ quan liên quan trong những trường hợp cần thiết; Hệ thống quản lý minh bạch, cập nhật, cả về tài chính và thông tin, giúp giảm các tiêu cực, phiền nhiễu, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến du lịch quốc gia; Tạo thuận lợi cho du khách, cho phép du khách có thể xin cấp thị thực qua mạng internet, mở rộng phạm vi của các dịch vụ lãnh sự ngoài Đại sứ quán và Lãnh sự quán, đồng thời sử dụng nhiều ngôn ngữ.

Australia là nước đầu tiên áp dụng thị thực điện tử từ năm 1996. Hệ thống này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc kiểm soát an ninh trước tình trạng gia tăng khách du lịch đột biến trong dịp diễn ra Thế vận hội Olympic Sydney năm 2000. Sau đó, thị thực điện tử tiếp tục được ứng dụng tại nhiều nước như Ảrập Xêút, Ácmênia, Baranh, Campuchia, Sri Lanka, Mianma và Thổ Nhĩ Kỳ... Trong thực tế, thị thực điện tử đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký cho số lượng lớn khách du lịch trong thời gian ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận điểm đến.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Phát triển du lịch gắn với hoạt động thể thao
Phát triển du lịch gắn với hoạt động thể thao

Theo Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization - UNWTO) và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao vào ngày 24/9 tại thành phố Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN