Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Thực trạng hơn một nửa nguồn nhân lực chưa qua đào tạo đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ du lịch và khả năng cạnh tranh nguồn lao động với các nước xung quanh khi Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA - TP) trong ASEAN chính thức được thông qua tại Indonesia đầu tháng 8 vừa qua.

Thiếu chuyên môn

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, với tốc độ tăng trưởng 6,2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, đến hết năm 2015, nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên, lễ tân, buồng, bàn…) trong ngành du lịch là hơn 620.000 người. Với tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, con số này sẽ lên đến 870.000 lao động trực tiếp. Số lao động gián tiếp khoảng 1,5 triệu người.

Như vậy, mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động, nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra trường khoảng 15.000 người... Nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch không những thiếu về mặt số lượng, mà còn yếu về chuyên môn. Theo thống kê, lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 9,7%, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm 51%, dưới sơ cấp là 39,3%... Trong đó chỉ có 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch.

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Chất lượng đào tạo nghề về du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề về nhà hàng khách sạn mới đây, theo phản ánh của doanh nghiệp, hầu hết lao động tuyển về đều phải đào tạo lại. Một trong những điểm yếu là kỹ năng mềm về giao tiếp, làm việc nhóm... và nhất là ngoại ngữ. Hoạt động du lịch với nhiều vị trí cần ngoại ngữ nhưng các em học sinh, sinh viên đều yếu khoản giao tiếp ngoại ngữ. Trong khi đó, nhu cầu tuyển lao động lĩnh vực này tại thị trường lao động Hà Nội những năm gần đây tăng tối thiểu 10%”.

Cả nước có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng (trong đó có 8 trường cao đẳng nghề), 117 trường trung cấp (trong đó có 12 trường trung cấp nghề), 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm có tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch. Do đặc thù của ngành nên dù quá trình đào tạo yêu cầu gắn lý thuyết với thực hành nhưng các cơ sở đào tạo, nhất là khối cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thường dạy thiên về lý thuyết, thiếu thực hành so với các trường nghề. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo của nhiều trường không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.

Việc thiếu nguồn nhân lực cũng phân theo vùng miền. Do các cơ sở đào tạo du lịch tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nên các khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nhân lực khá hạn chế. Ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL đánh giá: Chất lượng nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL yếu nhất so với các vùng khác. Hầu hết các doanh nghiệp, người dân làm dịch vụ du lịch tự phát, tự đúc rút kinh nghiệm. Một số doanh nghiệp cử nhân viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng đã “một đi không trở lại” do các nơi khác thu hút nhân tài.

Theo Nghiên cứu khảo sát nguồn nhân lực du lịch tại khu vực 3 tỉnh ĐBSCL (Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang) năm 2015 của Dự án EU, lĩnh vực lưu trú và lữ hành đang thiếu hụt nguồn lao động có đủ năng lực. Ông Hoàng Nhân Chính, chuyên gia kỹ thuật của dự án, chỉ có khoảng 15-20% số nhân viên thực sự đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn của ngành du lịch, 50-60% đáp ứng được một phần và còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Từ những bất cập trên, Dự án EU đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong việc tổ chức các khóa đào tạo giáo viên, đào tạo viên nghề du lịch theo Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS), nâng cao năng lực trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển lực lượng lao động của ngành du lịch. Đối với vùng ĐBSCL, những năm qua, Dự án EU đã phối hợp với các địa phương đào tạo hơn 200 cán bộ tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, trên 500 lượt nhân viên tại các doanh nghiệp, 450 lượt học viên thuộc cộng đồng dân cư các địa phương và 35 lượt giảng viên, đào tạo viên của các trường cao đẳng nghề du lịch. Điều này đã giúp du lịch tại một số tỉnh được hỗ trợ trực tiếp từ dự án EU như An Giang, Cần Thơ đã có sự khởi sắc trong nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cạnh tranh nguồn nhân lực khi hội nhập ASEAN

Tại Hội nghị quốc tế về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) tại Indonesia mới đây, các nước trong khối ASEAN đã đạt được sự thống nhất triển khai đầy đủ các nội dung về chuẩn hóa 32 chức danh nghề, 52 văn bằng chứng chỉ. Đây là bước tiến hướng tới chuẩn nghề chung về du lịch trong ASEAN và đăng ký công nhận các lĩnh vực nghề du lịch trong ASEAN. Việc này đồng nghĩa với việc lao động du lịch trong khối ASEAN có thể di chuyển trong khối, đồng thời đặt ra thách thức với lao động trong lĩnh vực du lịch Việt Nam.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), có 6 ngành nghề trong lĩnh vực du lịch được công nhận khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) gồm: Buồng, lễ tân, nhà hàng, chế biến món ăn, đại lý lữ hành và điều hành tour. Việc đạt được thỏa thuận MRA-TP vào đầu tháng 8/2016 cho phép mở rộng các ngành nghề khác thuộc lĩnh vực du lịch trong thời gian tới.

Việc triển khai Thỏa thuận MRA-TP tác động tới tất cả các đối tượng liên quan trong ngành du lịch, từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đến các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch và đặc biệt là người lao động trực tiếp hay gián tiếp trong ngành du lịch.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Tác động của MRA - TP có tác động 2 chiều: Vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc các đơn vị từ doanh nghiệp lẫn cơ sở đào tạo nghề chuẩn bị đón nhận chủ động hay bị động. Theo đó, du lịch Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khối ASEAN nói chung sẽ có thêm nhiều cơ hội tuyển lao động có tay nghề cao. Việc tăng số lượng nhân viên được đào tạo và có trình độ trong tất cả các lĩnh vực của ngành du lịch và khách sạn sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều này sẽ có một tác động tích cực đến hình ảnh và uy tín của du lịch Việt Nam. Dịch vụ tốt hơn cũng dẫn tới khả năng cạnh tranh tốt hơn, lượng khách du lịch cũng sẽ nhiều hơn và theo đó tăng đóng góp vào GDP và doanh thu.

Việc tuyển nhân sự chất lượng cao cũng sẽ khiến doanh nghiệp du lịch Việt đứng trước nguy cơ “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước vào tay doanh nghiệp nước ngoài. “Người lao động bên cạnh cơ hội có mức lương tốt hơn cũng phải cạnh tranh vị trí việc làm khốc liệt hơn từ lực lượng lao động trên thị trường nội khối. Điều này cũng buộc lao động Việt Nam cũng phải tự hoàn thiện mình”, ông Hà Văn Siêu chia sẻ.

Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập AEC, Tổng cục Du lịch và dự án EU đã xây dựng 10 bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS), trong đó 2 bộ tiêu chuẩn nghề về quản lý khách sạn và vận hành cơ sở lưu trú đã được Bộ VHTTDL công nhận đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia. “Thực tế thì các trường thuộc Bộ VHTTDL cũng đã áp dụng chương trình VTOS vào giảng dạy trên nhu cầu thực tế và doanh nghiệp. Các bộ tiêu chuẩn nghề theo VTOS dựa trên chuẩn chung của châu Âu nên có nhiều mức tiêu chuẩn còn cao hơn khung trình độ ASEAN. Do đó với các trường đã triển khai theo chương trình VTOS hoàn toàn có thể sẵn sàng cho hội nhập. Các bộ tiêu chuẩn còn lại đang được Bộ VHTTDL làm cơ sở trình công nhận là chuẩn nghề quốc gia”, ông Hà Văn Siêu cho biết.

“Các khoa du lịch ở các trường đại học, các trường trung cấp, cao đẳng du lịch đều phải chấn chỉnh chất lượng đào tạo, đào tạo du lịch. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; công nhận bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN”. Tại Hội nghị toàn quốc du lịch mới đây tại Hội An (Quảng Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo


Bài và ảnh: Xuân Cường
Nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập AEC
Nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập AEC

Nhằm nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngày 30/3, Tổng cục Du lịch đã tổ chức phổ biến “Chiến lược Du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2025”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN