Du lịch Việt Nam: Cần một “nhạc trưởng”-Bài 4: Nhân lực du lịch - Yếu tố để cải thiện chất lượng dịch vụ

Chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc phần lớn vào yếu tố con người. Do đó, khi xác định chuyển hướng phát triển từ “lượng” sang “chất” thì yếu tố con người cần được quan tâm.

 

Vừa thiếu về lượng vừa yếu về chất


Việt Nam đã cán mốc đón 6 triệu lượt khách quốc tế và đón 30 triệu lượt khách nội địa vào cuối năm 2011. Dự báo đến năm 2015, sẽ đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, nguồn lực để đáp ứng việc tăng trưởng này dự báo chưa đáp ứng được 75% nhu cầu cần thiết của thị trường.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 lao động trực tiếp và gần 1 triệu lao động gián tiếp cho du lịch. Năm 2015, ngành du lịch cần tới 620.000 lao động trực tiếp và khoảng 1,5 triệu lao động gián tiếp. Với nhu cầu như vậy, mỗi năm, hệ thống giáo dục và đào tạo chuyên ngành du lịch phải đáp ứng khoảng 30.000 người tốt nghiệp ở các trình độ khác nhau, trong khi đó, con số đào tạo nghề liên quan đến lĩnh vực này chỉ đạt khoảng 18.000 người.


 

Hướng dẫn cách làm món ăn Việt.

Con số thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, chỉ có khoảng 50% lao động trong ngành du lịch hiện nay có chuyên môn. Khảo sát của SNV về lao động du lịch tại các trung tâm du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Hà Nội, Huế cho thấy đội ngũ làm dịch vụ du lịch không đạt chuẩn tiếng Anh cần thiết cho nghề nghiệp. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Viet Kitchen cho biết: “Tất cả đội ngũ nhân viên tốt nghiệp mà nhà hàng đang sử dụng đều phải đào tạo lại. Thực tế là các trường đang dạy sinh viên còn thiên về lý thuyết, thiếu thực hành. Gần như nhân viên làm lĩnh vực nhà hàng khi ra trường đều thiếu những kỹ năng giao tiếp, giới thiệu ẩm thực, kỹ năng bưng bê phục vụ mang tính chuyên nghiệp...”.


Ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, nguồn nhân lực cao tại khách sạn 3 - 4 sao tạm ổn, nhưng phân khúc bình dân, nguồn nhân lực khá lôm nhôm, nhất là tại các tỉnh.


Cũng chính bởi nguồn cung ứng quá thiếu và trình độ hạn chế, tại nhiều cở sở kinh doanh vào mùa vụ phải tuyển người không có trình độ, lao động thời vụ; thậm chí các điểm du lịch mới nổi tuyển cả lao động nông nghiệp sang làm kinh doanh du lịch dẫn đến chất lượng dịch vụ kém và kéo theo tình trạng kinh doanh chặt chém, chộp giật.


Cần sự quyết tâm cả ngành


Trong định hướng phát triển du lịch trong 10 năm tới, Việt Nam nhấn mạnh yếu tố chuyển từ “lượng” sang “chất”. “Đây là ý tưởng xuyên suốt trong thời gian tới, điều này đồng nghĩa với việc hướng tới thị trường có khả năng chi trả cao hơn, kéo khách ở lại lâu hơn. Muốn vậy phải có sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả cao và một yếu tố quan trọng, là chất lượng dịch vụ; mà vấn đề đó lại liên quan đến con người. Nhưng chúng ta có bảo đảm được đến năm 2020, ngành du lịch có đủ đội ngũ nhân lực thực hiện các kỹ năng chuyên nghiệp này không, đó là câu hỏi lớn”, ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch bày tỏ.


Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thiếu nhân lực chất lượng cao dẫn đến tình trạng doanh nghiệp này kéo người doanh nghiệp kia, không có trách nhiệm đào tạo để gây dựng đội ngũ nhân lực từ gốc. Việc cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng thể hiện rõ tại các khu du lịch miền Trung như Phan Thiết - Mũi Né, Nha Trang, Tuy Hòa... Do đó, việc chung tay đào tạo là trách nhiệm của cả ngành; trong đó cần có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.


Anh Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Tầm nhìn cho biết: “Sinh viên các trường chuyên ngành du lịch là nguồn nhân lực dồi dào cho công ty sau này. Chính vì vậy, chúng tôi phối hợp với sinh viên chuyên ngành du lịch tại một số trường lập diễn đàn trên mạng để trao đổi những thắc mắc, xử lý tình huống... và sẵn sàng hỗ trợ đào tạo đi tour thực tế. Định kỳ theo quý, chúng tôi có tổ chức giao lưu trực tiếp với các sinh viên để trả lời cũng như trao đổi kinh nghiệm. Trên thực tế, sự liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo sẽ rất có lợi và giúp sinh viên có nhiều kiến thức thực tế”.


Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, hiện nay EU tài trợ 11 triệu euro cho Dự án phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường giai đoạn 2011 - 2015, trong đó nhân rộng hệ thống Vtos (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) đã được xây dựng giai đoạn 2004 - 2010 để áp dụng tại tổ chức dân sự, cộng đồng dân cư. Đây được coi là dự án giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các điểm du lịch của Việt Nam theo hướng chuẩn hóa. “Trong xu thế hội nhập, chúng ta kiểm soát chất lượng theo hướng kiểm soát tiêu chuẩn. Việc định hình khung tiêu chuẩn về đào tạo là cấp thiết để từ đó các doanh nghiệp du lịch căn theo đó mà thực hiện”, ông Hà Văn Siêu nhận xét.


Việc áp dụng tiêu chuẩn đào tạo, các doanh nghiệp du lịch có thể tự nâng cao khả năng tự đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng, việc phối hợp với các trường chuyên ngành là điều cấp thiết.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Bài 5: Xúc tiến du lịch - Liệu cơm gắp mắm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN