Tạo mọi thuận lợi cho phát triển du lịch

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho phát triển du lịch. Đây là nội dung Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy phát triển du lịch; quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Khai thác tốt tiềm năng du lịch, không chỉ các danh lam thắng cảnh, các địa danh, giá trị văn hóa, lịch sử mà cả tiềm năng du lịch trong cộng đồng và mỗi người dân, gắn với giữ gìn truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Khách du lịch nước ngoài tham quan cơ sở làm gốm truyền thống ở Thanh Hà, Hội An (Quảng Nam).Thanh Hà - TTXVN

Bên cạnh đó, tập trung xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho phát triển du lịch. Cụ thể, về tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục xuất nhập cảnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai Đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu; thực hiện từ ngày 1/1/2017.

Các bộ: Tài chính, Công an, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho khách du lịch; các bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi về cấp thị thực nhập cảnh, từ việc cung cấp thông tin, cải tiến quy trình, thủ tục, đón tiếp, trả kết quả, giảm tối đa thời gian cấp thị thực.

Về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; đầu tư phát triển sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực xây dựng thể chế trong ngành du lịch; áp dụng giải pháp quản lý Quỹ tiên tiến, minh bạch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Quỹ ngay trong tháng 9/2016.

Về xúc tiến quảng bá du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, nhất là các Đại sứ quán, Lãnh sự, cơ quan đại diện của Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại nước ngoài; rà soát, đánh giá hiệu quả và có giải pháp phù hợp đối với việc tham dự các hội chợ du lịch, các lễ hội du lịch trong cả nước, nhất là các hội chợ du lịch quốc tế; tập trung nguồn lực tổ chức hội chợ du lịch quốc tế trọng điểm trong năm theo các chủ đề.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các cơ quan liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch nhân sự kiện tổ chức Năm APEC 2017 tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ trong các khu, điểm du lịch, kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm các vi phạm.

Các tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan xây dựng và kiểm soát chất lượng các trạm dừng nghỉ, bến đỗ, nhà hàng, cửa hàng; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm và tại các điểm bán xăng dầu trên các tuyến đường có nhiều khách du lịch; quản lý chặt chẽ giá dịch vụ du lịch, niêm yết công khai, có biện pháp bảo đảm bán đúng giá niêm yết và kiên quyết xử lý tình trạng lừa đảo, đeo bám, ép giá, bắt chẹt du khách.

Các bộ: Công an, Quốc phòng nghiên cứu cải tiến quy trình kiểm soát về nhập, xuất cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện tại các cửa khẩu đường không, đường bộ và đường thủy; chủ động có các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách trong các tình huống khẩn cấp.

Về phát triển nguồn nhân lực du lịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; công nhận bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể và dự báo nhu cầu nhân lực các lĩnh vực trong ngành du lịch, khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo; có biện pháp bổ sung kịp thời số lượng, bảo đảm chất lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên phục vụ khách du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm thu hút nhiều khách quốc tế và hướng dẫn viên các ngoại ngữ hiếm.
PV
Tổ chức không gian đi bộ phải đảm bảo các điều kiện
Tổ chức không gian đi bộ phải đảm bảo các điều kiện

Một tin vui đến với người dân Hà Nội cũng như khách du lịch, từ ngày 1/9, thành phố sẽ thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Tuy nhiên, tổ chức không gian đi bộ tại khu vực này phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN