Tổ chức không gian đi bộ phải đảm bảo các điều kiện

Một tin vui đến với người dân Hà Nội cũng như khách du lịch, từ ngày 1/9, thành phố sẽ thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Tuy nhiên, tổ chức không gian đi bộ tại khu vực này phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...

Ảnh minh họa.

Thời điểm này trùng với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, người dân Thủ đô sẽ có thêm điểm vui chơi, thư giãn. Là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thí điểm, quận Hoàn Kiếm đang gấp rút hoàn tất những công việc cần thiết để đưa không gian đi bộ vào hoạt động.

Khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm - di tích quốc gia đặc biệt, không chỉ là trái tim của Thủ đô mà còn là trái tim của cả nước. Nơi đây chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử từ nghìn đời nay và cả một không gian cảnh quan đặc sắc. Vì vậy, việc xây dựng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận vừa có ý nghĩa khơi dậy, phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa hình thành một không gian mang tính cộng đồng phục vụ người dân Thủ đô và du khách. Sau nhiều năm hình thành ý tưởng, thành phố Hà Nội đã chính thức chấp thuận triển khai không gian đi bộ đầy tính văn hóa này.

Ông Đinh Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: Xây dựng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là điểm nhấn quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch của quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội. Hiện quận Hoàn Kiếm đang nỗ lực để xây dựng không gian đi bộ đẹp, xứng tầm với vị thế và giá trị của di sản văn hóa hồ Hoàn Kiếm.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận bao gồm các tuyến phố xung quanh hồ: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ (từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến phố Hàng Trống và một nửa đường tiếp giáp hồ Hoàn Kiếm từ Hàng Trống đến phố Hàng Khay), Hàng Khay và các tuyến phố lân cận như Hàng Bài (đoạn từ phố Hai Bà Trưng đến Tràng Tiền), Tràng Tiền (đoạn từ phố Đinh Tiên Hoàng đến Ngô Quyền), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Lai (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Hàng Dầu (từ Đinh Tiên Hoàng đến Cầu Gỗ), Lò Sũ (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).

Tại không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm tổ chức các hoạt động văn hóa, dịch vụ, du lịch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của người dân Thủ đô cũng như du khách. Đó là, triển lãm ảnh ven hồ, múa rồng quanh hồ, biểu diễn tam tấu đàn dây, nhạc cụ dân tộc, ghi ta, hát xẩm, hát văn… Đồng thời, quận cũng mời các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia khắc bút, ký họa tại khu vực cây lộc vừng 9 gốc, đền Bà Kiệu; bán mặt nạ, nặn tò he, thư pháp, bán hoa tươi…

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận hoạt động từ 19 giờ ngày thứ Sáu đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 1/9 - 31/12. Riêng dịp lễ khai trương sẽ tổ chức từ tối thứ 5 ngày 1/9 đến 24 giờ ngày Chủ nhật 4/9, kéo dài 4 đêm 3 ngày để đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân dịp lễ Quốc khánh. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận sẽ kết nối với không gian đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và 6 tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, tạo ra một không gian hoàn chỉnh. Người dân có thể dạo chơi, thưởng thức các hoạt động văn hóa tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, đến mua sắm, ăn uống trong khu phố cổ Hà Nội trong hành trình khám phá đêm Hà Nội của mình.

Gấp rút công tác chuẩn bị

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ được khai trương. Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đang được gấp rút thực hiện. Theo ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, tổ chức không gian đi bộ tại khu vực này phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tổ chức phân luồng giao thông, bố trí các bãi đỗ xe, gửi xe hợp lý, đảm bảo ổn định sinh hoạt của nhân dân và các hộ kinh doanh trong các tuyến phố đi bộ. Quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng tổ chức giao thông và giao thông tĩnh.

Hiện khu vực này tổ chức khoảng 80 điểm giao thông tĩnh với quy mô trên 1,7 ha (51 điểm cũ và 29 điểm mới) bố trí các điểm trông giữ xe cho nhân dân và du khách, điểm đỗ dừng xe vận chuyển khách du lịch. Việc cấm xe trong khu vực không gian đi bộ, bố trí biển báo giao thông sẽ được Công an thành phố và Sở Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch cụ thể, thông báo rộng rãi. Theo đó, Công an quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, triển khai lực lượng tuần tra, tự quản, tổ chức lực lượng tại các chốt trực.

Đối với hạ tầng cơ sở trong không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức duy tu hè phố, đường dạo tuyến phố đi bộ, bổ sung các ghế ngồi nghỉ, đặt thêm các bồn hoa trang trí. Hệ thống chiếu sáng xung quanh hồ và các điểm di tích cũng được tăng cường. Quận cũng đang tính đến việc huy động cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong khu vực trang trí cây cảnh, bồn hoa, giỏ hoa trước nhà, trên các ban công, cửa sổ các tầng trên; làm việc với các cơ quan xung quanh hồ tham gia chiếu sáng công trình của mình trong các buổi tối. Công tác thu gom rác thải trong các tuyến phố đi bộ cũng được tăng cường.

Cũng theo ông Dương Đức Tuấn, trong tương lai quận sẽ triển khai đồng thời hai dự án liên quan đến không gian đi bộ khu vực này gồm Dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm và Dự án nâng cấp hạ tầng các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Khi đó, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận sẽ có bước đột phá về hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Xe cộ đi lại ra sao khi quanh hồ Hoàn Kiếm thành phố đi bộ
Xe cộ đi lại ra sao khi quanh hồ Hoàn Kiếm thành phố đi bộ

Sáng 27/8, Công an thành phố Hà Nội thông báo chi tiết về việc phân luồng giao thông phục vụ "Không gian đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm" trong các ngày cuối tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN