Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, sau 3 tháng “đóng băng” vì dịch COVID-19, từ tháng 5 đến cuối tháng 7, du lịch khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng từ ngày 25/7 ở Đà Nẵng và lan sang một số địa phương khiến nhiều khách du lịch e ngai, hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch.
Nhiều địa phương trên cả nước đã phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, người dân. Một số địa phương chỉ đạo doanh nghiệp du lịch không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có người mắc, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh…
“Có thể nói, doanh nghiệp du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn. Lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% từ cuối tháng 7 và tháng 8/2020. Đây là hai tháng cao điểm du lịch nội địa. Các hãng hàng không, các doanh nghiệp khách sạn, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục đối mặt với thách thức lớn”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Theo phản ánh của doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp du lịch đang đứng trước khó khăn khi chính sách của các hãng hàng không là chỉ cho lùi tiền cọc vé mà không hoàn trả, do đó doanh nghiệp lữ hành đang chịu sức ép vì khoản tiền cọc vé không nhỏ, nhất là khi các doanh nghiệp vừa gánh chịu tổn thất quá lớn của đợt đầu dịch COVID-19, trong khi đó khách du lịch hoãn huỷ tour thì đòi hoàn tiền. “Hàng không cho hoãn huỷ thời gian tối đa 180 ngày nhưng tâm lý phổ biến của khách du lịch là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch” ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết.
Do đó, hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm thảo luận giữa các bên cấp cung cấp dịch vụ, hàng không, lữ hành, lưu trú…
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết: “Hàng không cũng cần có chính sách linh hoạt hơn trong các trường hợp bất khả kháng, không nên áp dụng cứng nhắc các quy định gây khó cho doanh nghiệp lữ hành. “Hiện nay doanh nghiệp không có nguồn thu nhưng chi phí cho người lao động vẫn phải đảm bảo. Nếu có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì các hoạt động du lịch sẽ có sức mạnh để khởi động lại nhanh nhất có thể, đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội khi có đủ điều kiện”.
Tại hội nghị, đại diện các hãng hàng không cho biết cam kết hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong việc lùi thời hạn khởi hành. Đại diện Vietjet Air cho biết: Đơn vị sẽ áp dụng lùi thời gian cho những vé đặt khởi hành từ 1/8/2020 đến tháng 10/2021 và có thể dài hơn tùy diễn biến của dịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Đây là lần thứ hai, ngành du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa và đã được sự hưởng ứng của người dân. Tuy nhiên, dịch bùng phát đúng vào đợt cao điểm du lịch trong khi doanh nghiệp du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch tháng 2 đến tháng 4. Do đó, các bên cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi phục vụ trong ngành du lịch chia sẻ khó khăn. Thực tế, nhiều đơn vị đang không có tiền để trả nên Tổng cục Du lịch phát động chương trình người dân hoãn đi du lịch.
Từ đóng góp của các bên, Tổng cục Du lịch sẽ có tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: Tiếp cận dễ dàng hơn với gói hỗ trợ của Chính phủ; Giảm thuế VAT, thuế doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm…