Tạo điểm nhấn, quy hoạch các không gian du lịch
Một trong những giải pháp quan trọng mà Bình Dương chú trọng thực hiện để phát triển du lịch trong thời gian tới, đó là, tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của ba không gian theo Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Bình Dương, ba không gian phát triển du lịch mà tỉnh quy hoạch là: Không gian phía Nam, gồm khu vực thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần thị xã Bến Cát. Tại đây sẽ có các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, tham quan di tích lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch thể thao…
Không gian phía Tây Bắc gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn…, tỉnh tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa. Không gian phía Đông với khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo.
Khu vực này được quy hoạch với các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch thể thao cao cấp với các điểm nhấn như: Công viên văn hóa nghỉ dưỡng Mắt Xanh, vườn bưởi Bạch Đằng, sân Golf Mê Công…
Ngoài ra, Bình Dương có một thuận lợi là thành phố Thủ Dầu Một chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km, cách thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) khoảng 40 km… Điều này rất thuận tiện cho các du khách thực hiện các chuyến du lịch ngắn ngày, cuối tuần bằng đường bộ hoặc đường thủy đến Bình Dương để nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình, đồng nghiệp, bạn bè.
Chính vì vậy, theo một số chuyên gia, tỉnh Bình Dương nên chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cuối tuần đặc thù của địa phương. Chẳng hạn, tỉnh có thể kết nối, tạo điểm nhấn từ điểm đến là vườn cây ăn trái Lái Thiêu và khu du lịch Đại Nam Văn hiến…
Hiện nay, vườn cây ăn trái Lái Thiêu ở thị xã Thuận An trải rộng 1.200 ha trên địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn gồm: Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn đang là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi đến Bình Dương. Hằng năm, Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” được tổ chức trùng với thời điểm lễ Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, mua sắm.
Nhấn mạnh về các giải pháp thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Ðặng Minh Hưng khẳng định, để phát triển du lịch, tỉnh Bình Dương đang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các tuyến, tour du lịch kết nối với các tỉnh, thành phố, các hoạt động du lịch để hình thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Liên kết trong quảng bá và phát triển các tour, tuyến du lịch
Hiện Bình Dương được đánh giá là một địa phương rất có lợi thế trong khai thác sản phẩm du lịch cuối tuần cho khách du lịch nội tỉnh và từ các địa phương lân cận, đặc biệt là từ Thành phố Hồ Chí Minh đến. Đây chính là sản phẩm du lịch chủ đạo của Bình Dương và có sức hấp dẫn lớn. Thời gian qua tỉnh Bình Dương đã thực hiện việc liên kết để phát triển tour, tuyến du lịch với một số địa phương lân cận.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để thu hút du khách, Bình Dương cần tăng cường bổ sung các dịch vụ, sản phẩm du lịch tại mỗi điểm đến. Các doanh nghiệp du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh rất mong muốn kết nối với các điểm đến ở Bình Dương để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những tour du lịch phù hợp, hấp dẫn hơn đối với du khách, trước mắt là phục vụ du khách trong nước tới tham quan, du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đông, Tây Nam Bộ.
Tỉnh cũng tiếp tục hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch đối với tuyến du lịch đường sông phục vụ nhu cầu của du khách. Trước đó, vào tháng 9/2018, tuyến du lịch đường sông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon tourist) đã được khai trương với hành trình bắt đầu từ Tân Cảng (Thành phố Hồ Chí Minh) - Bến Bạch Đằng (thành phố Thủ Dầu Một) - Khu du lịch sinh thái cá Koi Hải Thanh (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại Bình Dương, du khách dừng chân tham quan chợ Thủ Dầu Một, chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, chùa Hội Khánh, nhà cổ của ông Trần Văn Hổ…Song song đó, tỉnh đang phối hợp với hai tỉnh Bình Phước, Tây Ninh xây dựng kế hoạch phát triển tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) đến Campuchia, Lào, Thái Lan và ngược lại.
Bên cạnh đó, để quảng bá, giới thiệu tới du khách về các điểm đến, các sản phẩm du lịch của Bình Dương, các đơn vị chức năng của tỉnh tăng cường tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu từng phân đoạn thị trường phù hợp với từng dòng sản phẩm du lịch, từ đó tổ chức xúc tiến, quảng bá được đúng đối tượng du khách.
Tỉnh cũng liên kết website với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông, Tây Nam Bộ để tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu về du lịch Bình Dương. Theo ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương, trung tâm mở rộng liên kết quảng bá với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; cập nhật những thông tin, hình ảnh hoạt động du lịch nổi bật của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, qua đó kịp thời cung cấp các thông tin du lịch mới trên địa bàn tỉnh cho du khách.
Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương cũng sẽ thiết kế, thực hiện các sản phẩm quà lưu niệm ấn tượng dành cho du khách như gối hơi chữ C hình nửa trái măng cụt đã cắt vỏ, sản phẩm hoa dầu nhồi bông, ba lô du lịch in hình logo du lịch Bình Dương…Trung tâm tích cực tham gia các chương trình, hoạt động du lịch như lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng”, lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”, Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Festival biển Nha Trang.
Đồng thời đẩy mạnh việc liên kết giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh, qua đó giới thiệu những sản phẩm dịch vụ, kết nối tour, tuyến với những đơn vị kinh doanh du lịch tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng tour, tuyến phục vụ du khách đến Bình Dương và ngược lại.