Liên kết phát triển du lịch miền Trung - Bài cuối: Để Quảng Nam trở thành điểm sáng

Trục lõi Di sản miền Trung gồm Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế được Tổng cục Du lịch đánh giá là khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam hiện tại và tương lai. Cùng với Huế, Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Chú thích ảnh
Phố cổ Hội An luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Với hai Di sản Văn hóa thế giới gồm: đô thị cổ Hội An, Khu Di tích Mỹ Sơn, cộng với đó là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lào Chàm, 125 km bờ biển và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng…, địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam 

Liên kết nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm

Bàn về tính khả thi của việc liên kết các địa phương để nâng tầm giá trị chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: Quảng Nam đang phát triển những lợi thế sẵn có là cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng hai Di sản Văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và Khu Di tích Mỹ Sơn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, tỉnh có bờ biển dài, sở hữu nhiều bãi biển đẹp như Hà My (thị xã Điện Bàn); Bình Minh, Bình Dương (huyện Thăng Bình); Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ); Bãi Rạng, đảo Tam Quang (Núi Thành).

Với những lợi thế trên, Quảng Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để liên kết với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước, nhất là với Đà Nẵng, Huế và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên để trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Hồ Tấn Cường cho biết: Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định ưu tiên phát triển hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm: nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, các sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển.

Bờ biển Quảng Nam dài và “ôm trọn” hai Di sản Văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và Mỹ Sơn cùng Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trong tam giác phát triển du lịch biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An) - Tam Hải (Núi Thành) - Lý Sơn (Quảng Ngãi) mở ra triển vọng để hình thành các sản phẩm du lịch biển như du lịch bằng thuyền và lặn biển, du ngoạn, nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn biển, du lịch thể thao biển. 

Bên cạnh sản phẩm du lịch biển đảo, Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch về phía Nam và Tây của tỉnh để giảm áp lực cho du lịch Mỹ Sơn và Hội An. Tỉnh đã có đề án phát triển sản phẩm du lịch ở phía nam và tây với trọng tâm là phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Gói kích cầu gần 100 tỷ đồng được triển khai để hỗ trợ phát triển du lịch miền núi được kỳ vọng sẽ là nền tảng để du lịch vùng sâu của Quảng Nam tìm được chỗ đứng.

Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch

Chú thích ảnh
Một góc Phố cổ Hội An đẹp lung linh về đêm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Quảng Nam hiện có 624 cơ sở lưu trú với gần 13.000 phòng. Công suất sử dụng phòng ước đạt 67%. Năm 2018, khách du lịch đến Quảng Nam đạt 6,5 triệu lượt khách, tăng gần 22% so với năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt xấp xỉ 4 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, tham quan du lịch năm 2018 ước đạt 4.700 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 11.100 tỷ đồng.

Cùng với dịch vụ du lịch đang từng bước được đầu tư đúng mức, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản phẩm du lịch cả về chiều rộng lẫn chiều sâu cũng được đầu tư. Quảng Nam đã đầu tư một số tuyến đường đến các khu, điểm du lịch từ nguồn hỗ trợ vốn hạ tầng du lịch của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn địa phương. Nhiều dự án đầu tư du lịch của doanh nghiệp trong và ngoài nước có quy mô lớn và chất lượng cao đưa vào hoạt động, góp phần tạo nên diện mạo mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Nam.

Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, với nhiều hình thức, nội dung thể hiện mới nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch địa phương đến với du khách. Cùng với đó, tỉnh tổ chức đón đoàn famtrip và presstrip đến tìm hiểu về du lịch Quảng Nam; giới thiệu du lịch Quảng Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng và phát hành nhiều ấn phẩm du lịch, xây dựng website du lịch Quảng Nam với 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: Để nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam xác định tập trung vào các nhóm vấn đề chính. Đó là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch; tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác liên kết với các trung tâm du lịch trong cả nước để đưa chất lượng sản phẩm du lịch vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả các loại hình dịch vụ.

Khai thác bền vững các giá trị văn hóa 

Chú thích ảnh
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Hữu Trung/TTXVN

Là thương hiệu du lịch lớn của tỉnh Quảng Nam, mỗi sản phẩm, mỗi điểm đến của phố cổ Hội An đều có những giá trị riêng, thế mạnh riêng. Để phát huy và khai thác tiềm năng du lịch bền vững tại Di sản Văn hóa thế giới này, chính quyền thành phố Hội An, cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch và mỗi người dân đều là một đại sứ, là cầu nối trong việc quảng bá, giới thiệu về Hội An là thành phố của Di sản với vẻ đẹp hiền hòa, mến khách, an toàn và thân thiện.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Nam xác định sẽ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch, nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, tỉnh tổ chức các đoàn famtrip, presstrip đến các thị trường du lịch lớn Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, ASEAN nhằm tạo sự giao lưu, kết nối, hợp tác phát triển du lịch. Cùng với đó, Quảng Nam đẩy mạnh liên kết vùng Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, miền Trung - Tây Nguyên, liên kết với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, đến thời điểm hiện tại, cùng với Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, du lịch Quảng Nam không còn là “viên ngọc thô”, bắt đầu khởi sắc và tỏa sáng thu hút khách du lịch. Trong những năm đến, tỉnh tiếp tục tạo mối liên kết bền vững, từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ và khai thác bền vững các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để nâng cao chuỗi giá trị của từng sản phẩm du lịch. Tất cả hướng đến mục tiêu ngành công nghiệp không khói này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Quốc Việt - Nguyễn Sơn - Hữu Trung (TTXVN)
Liên kết phát triển du lịch miền Trung: Bài 3 - Xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến mang tầm thế giới
Liên kết phát triển du lịch miền Trung: Bài 3 - Xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến mang tầm thế giới

Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực tập trung phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần của Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị biển. Đồng thời, Đà Nẵng liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực xây dựng thành điểm đến du lịch mang tầm thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN