Huế - điểm đến hấp dẫn
Ba địa phương là Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng đang sở hữu 8 Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Thừa Thiên - Huế sở hữu 5 trong số 8 di sản được công nhận gồm: Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản vật thể, Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản phi vật thể, Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - Di sản tư liệu.
Thừa Thiên - Huế đang triển khai nhiều giải pháp để phát huy thế mạnh của địa phương. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, trùng tu di tích, qua đó góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút du khách đến Huế, tăng nguồn thu từ du lịch và dịch vụ.
Sau chiến tranh, khu vực Tử Cấm thành Huế gần như bị xóa sổ. Toàn bộ quần thể Di tích cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ gồm: thành quách, cung điện, đền miếu, lầu gác, lăng mộ, cầu cống, đình tạ... hầu hết đều bị hư hỏng ở mức độ khác nhau. Nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp bất kỳ lúc nào. Ngày 25/11/1981, ngài Amadou Mahtar M’Bow, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO đã ra lời kêu gọi cứu vãn Huế nhằm phát động trên phạm vi quốc tế một cuộc vận động bảo tồn và khôi phục các giá trị của Di sản Văn hóa Huế.
Từ đó đến nay, khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, trong đó tiêu biểu là: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính). Các lăng Gia Long, Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi đình, Hiển Đức Môn (lăng Minh Mạng); Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, Bửu thành (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải định); chùa Thiên Mụ, Cung An Định, 10 cổng Kinh Thành và Quan Tượng Đài, sông Ngự Hà... lần lượt được trùng tu, chống xuống cấp và phát huy giá trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Thừa Thiên - Huế một vùng đất nằm có truyền thống lịch sử, văn hóa độc đáo, đa dạng và phong phú. Với các di sản được UNESCO công nhận (bao gồm cả Di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu), di sản Huế đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang tổ chức và khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản". Gần đây, du khách đến với di sản Huế liên tục tăng cao. Điều này cho thấy Khu Di sản Huế ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách và tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" trở thành thương hiệu, điểm đến lý tưởng. Trong năm 2018, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đón hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu từ vé tham quan đạt 381,7 tỷ đồng. Hiện nay, Thừa Thiên - Huế có thêm chương trình mở cửa Đại Nội về đêm, trở thành điểm nhấn mới cho du lịch Huế...
Khai thác lợi thế đặc biệt trên, Thừa Thiên - Huế trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch tới tham quan. Đặc biệt, kỳ Festival Huế năm 2018 có 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều lại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Anh, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Pháp, Bỉ, Trung Quốc… với hàng ngàn diễn viên tham gia, tiếp tục tạo ấn tượng về một thành phố Festival giàu bản sắc văn hóa và một Việt Nam hòa bình, thân thiện, tươi đẹp đến bạn bè quốc tế.
Trong hợp tác quảng bá du lịch Thừa Thiên - Huế tới thị trường châu Á, ngày 7/3/2019, tại Huế, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Fayfay.com của Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá: Huế là điểm đến nổi tiếng đối với du khách quốc tế. Năm 2018, Thừa Thiên - Huế đã đón 4,33 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2017, doanh thu khoảng 192,4 triệu USD (4.473 tỷ đồng) từ du lịch. Fayfay.com mong muốn, với nguồn lực tổng hợp và khả năng kết nối của mình, Thừa Thiên - Huế cùng các địa phương liên kết ở miền Trung sẽ được giới thiệu quảng bá mạnh mẽ đến người dân ở Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á.
Theo ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế: Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với Công ty Cổ phần Du lịch Apex Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu thị trường Nhật Bản nghiên cứu xây dựng tour "Du lịch học tập tại Cố đô Huế" dành cho đối tượng là học sinh Trung học Phổ thông ở Nhật Bản đến Việt Nam, nhất là thành phố Huế với mục đích tham quan học tập, giao lưu với các bạn cùng trang lứa. Nếu được triển khai, tour du lịch học tập dành cho đối tượng là học sinh Trung học Phổ thông ở Nhật Bản đến Thừa Thiên - Huế hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá cho du lịch tỉnh này thời gian tới.
Với hơn 120 km bờ biển cùng nhiều bãi tắm đẹp, du lịch biển đang được chú trọng khai thác, phát triển ở Thừa Thiên - Huế. Cảng Chân Mây hàng năm đón khoảng 60 chuyến tàu biển, mang theo hàng trăm ngàn khách du lịch đến Huế. Chân Mây đang trở thành một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là đầu mối thu hút du khách đến Huế bằng đường hàng hải.
Xây dựng thương hiệu "Huế - Kinh đô ẩm thực"
Thừa Thiên - Huế đang hợp tác với Công ty Cổ phần Đại Nam - Thái Y Viện xây dựng Đề án "Huế - Kinh đô ẩm thực". Đề án nhằm nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới, đồng thời khẳng định vị thế, sự đa dạng của văn hóa ẩm thực Huế nói riêng và văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế…
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Thừa Thiên - Huế được xác định là trung tâm văn hóa du lịch của Việt Nam. Với bề dày lịch sử của vùng đất Cố đô, mỗi khi nhắc đến Huế, du khách không chỉ biết đến đền đài, lăng tẩm cổ kính mà còn ấn tượng với ẩm thực Huế vô cùng phong phú, tinh tế và đa dạng. Ẩm thực Huế là sự giao thoa, pha trộn, kết tinh và lan tỏa của các miền văn hóa…
Nhiều người ví, nếu Hà Nội có 36 phố phường thì Huế cũng có đến 36 món chè để thưởng thức. Từ những loại chè cung đình sang trọng cho đến món chè bình dân đều có vị ngọt thanh và chế biến cầu kỳ, tinh tế qua bàn tay của những o, mẹ đảm đang. Món chè đặc trưng của Huế là chè bắp, nấu từ giống bắp non còn căng sữa trồng trên cồn Hến. Chè khoai tía lại “được lòng” những vị khách ưa sắc tím dịu dàng quyện với màu trắng muốt của nước cốt dừa béo ngậy. Chè hạt sen bọc nhãn lồng lại tượng trưng cho sự cầu kỳ thanh lịch của người Huế. Hạt sen tươi đem hấp chín, bọc trong quả nhãn lồng trắng thơm nức rồi nấu với đường phèn cho đến khi sôi nhẹ. Khi chín, nhãn lồng và đường phèn như tan chảy vào nhau tạo nên một chén chè đầy mê hoặc.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bên cạnh ẩm thực cung đình, dân gian, ẩm thực chay gắn với du lịch tâm linh ở Thừa Thiên - Huế đang phát triển mạnh. Đây là loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Người Huế có thói quen sau khi đi chùa là thưởng thức các món ẩm thực chay. Hầu hết phụ nữ Huế đều biết nấu món chay và những món chay giả mặn. Mâm cỗ chay thanh đạm cũng là cách để người Huế bày tỏ sự chân tình, quý mến với bạn bè đến chơi nhà. Trong mâm cỗ Tết, nhiều gia đình cũng có món chay dâng lên tổ tiên.
Huế vốn được mệnh danh là thành phố Phật giáo của Việt Nam, với hơn 400 ngôi chùa và 230 niệm phật đường. Huế hiện là thành phố có nhiều chùa chiền bậc nhất nước ta. Ghé thăm bất cứ ngôi chùa nào ở Huế trong ngày Rằm, mùng 1, du khách sẽ được nhà chùa mời cỗ chay. Các hàng quán cũng đồng loạt đổi sang bán món chay phục vụ người dân và du khách thập phương bởi họ không sát sinh trong ngày này. Ngày thường, du khách cũng dễ dàng tìm được các món ăn chay tại nhiều hàng quán ở Huế. Một khu chợ quê hay sạp hàng nhỏ cũng có ít nhất 30 - 50 món chay phục vụ các thực khách. Tại bờ nam sông Hương như Phạm Ngũ Lão, Đội Cung, Bà Triệu, Nguyễn Công Trứ, du khách dễ dàng thấy nhiều hàng ăn chay với những cái tên thanh nhã như: Bồ Đề, Tịnh Tâm, An Lạc, Tịnh Bình... Món chay ở Huế không những thanh đạm, ngon, rẻ, tốt cho sức khỏe mà còn có hình thức hấp dẫn. Bởi thế, ẩm thực chay tại các phố ở Cố đô Huế bây giờ cũng là trải nghiệm được yêu thích của nhiều du khách.
Hiện du lịch tâm linh đang bắt đầu phát triển mạnh ở các quốc gia có thế mạnh về loại hình này, nhất là một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Myanmar và Malaysia. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Huế là một trong số ít địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Đây là loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an sinh xã hội. Lâu nay, các điểm đến tâm linh ở Huế được hình thành do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, của đời sống xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo. Đó là yếu tố cơ bản để định hình nên giá trị tâm linh của Huế và đồng thời gợi mở cho các đơn vị làm du lịch cần chú tâm khai thác để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Doanh thu từ du lịch của Thừa Thiên - Huế hiện tăng bình quân 15%/năm; du lịch dịch vụ đóng góp hơn 56% GRDP của tỉnh. Năm 2018, Thừa Thiên - Huế đón đạt 4,25 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt gần 2,2 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt khoảng 4.400 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2017. Riêng Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đón hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan khu di sản Huế, doanh thu từ vé tham quan đạt 381,7 tỷ đồng.
Ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế phấn đấu trong năm 2019 sẽ đón khoảng 4,5 - 4,7 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2018; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40-45%; khách lưu trú ước đạt 2,2-2,3 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch dự kiến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 4.700 - 4.900 tỷ đồng.
Liên kết phát triển du lịch miền Trung: Bài 3 -Xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến mang tầm thế giới