Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Ai Cập, ngay từ lối vào khu vực tham quan Kim tự tháp Giza, hàng đoàn xe du lịch xếp hàng nối đuôi nhau di chuyển vào bãi đỗ xe vốn còn rất ít chỗ trống. Đáng chú ý, an ninh đã được tăng cường tại lối vào khu vực này, tất cả các phương tiện đều phải trải qua công tác kiểm tra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho các du khách tới thăm kỳ quan thế giới này.
Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các khách thăm quan, khi mỗi điểm kiểm soát đều có các nhân viên hướng dẫn tận tình, chu đáo. Việc đón, trả khách diễn ra thuận tiện và an toàn với thái độ phục vụ chuyên nghiệp của nhân viên thuộc các bộ phận chức năng sở tại.
Tại các khu vực thuộc Kim tự tháp Giza, các du khách có thể thoải mái đi dạo, tham quan và chụp ảnh tại các địa điểm nằm trong quần thể này. Thực tế cho thấy lượng khách du lịch tới đây vẫn rất đông và không có dấu hiệu nào cho thấy có những lo ngại về vấn đề an ninh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Nazim – du khách đến từ Algeria, cho biết: “Không thể phủ nhận một số quốc gia đang đối mặt với vấn đề khủng bố, song tôi cảm thấy an toàn tại Ai Cập. Tôi đã ở Ai Cập trong một tuần qua và không có vấn đề gì đáng ngại xảy ra. Trước khi đến Cairo, tôi cũng đã ghé qua thành phố Sharm el-Sheikh. Nơi đó có những bãi biển thật tuyệt vời để tận hưởng ánh nắng mặt trời”.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Rania Al-Mashat, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công khẳng định rằng vụ tấn công khủng bố nhằm vào chiếc xe buýt chở các du khách Việt Nam xảy ra mới đây sẽ không ngăn cản được những nỗ lực nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch giữa hai nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn và cũng là nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập, đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc rõ rệt với sự tăng trưởng về số lượng du khách tới thăm xứ sở Kim tự tháp từ cả các thị trường truyền thống và những thị trường mới. Ngành du lịch hiện đóng góp 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Bắc Phi này. Ngành du lịch trong nhiều năm qua đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Ai Cập và tạo nhiều công ăn việc làm gián tiếp và trực tiếp. Hiện có khoảng gần 3 triệu người đang làm việc trực tiếp trong ngành du lịch và hàng triệu người khác có việc làm và thu nhập nhờ du lịch đồng thời mang lại nguồn thu trị giá nhiều tỷ USD cho ngân sách nhà nước.
Có thể thấy hành động tấn công du khách nước ngoài nói chung và khách du lịch Việt Nam nói riêng nhằm gây bất ổn, tạo tâm lý hoang mang lo ngại, từ đó phá hoại nền kinh tế của Ai Cập là việc làm hết sức đáng lên án, gây phẫn nộ trong dư luận Ai Cập và quốc tế. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể phủ nhận những quyết tâm và nỗ lực của chính phủ và các bộ ngành nước này trong việc đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đầu tư có chiều sâu vào hạ tầng du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước này trong thời quan vừa qua.