Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang:
Vận động nhân dân chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật
Nhằm thực hiện tốt việc giáo dục, phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào miền núi, nhất là nhân dân trên tuyến biên giới, quản lý lao động qua biên giới Việt - Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới... lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là các huyện biên giới tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm những quy định của mỗi bên về xuất, nhập cảnh và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Chính phủ nhân dân châu Văn Sơn (Trung Quốc) tăng cường tuyên truyền, quản lý đối với các đơn vị sử dụng lao động và lao động qua biên giới làm việc thời vụ. Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường quản lý lao động làm việc tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) và Thiên Bảo (Trung Quốc).
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Hình tuyên truyền về phòng chống ma túy cho người dân ở xã Thanh Long, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. |
Đại tá Võ Hoàng Quân, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang:
Nòng cốt là các chiến sĩ biên phòng
Công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện. Năm 2013, đề án tăng cường phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016 được Bộ Quốc phòng triển khai trên toàn quốc. Thực hiện Đề án này, Kiên Giang đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện với lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên vừa có trình độ chuyên sâu về pháp luật, vừa có kỹ năng tuyên truyền tốt. Để việc tuyên truyền kiến thức pháp luật đạt hiệu quả cao, trong quá trình tuyên truyền, Ban chỉ đạo đã lựa chọn các văn bản pháp luật liên quan đến biên giới, như Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam... Bên cạnh nội dung, hình thức tuyên truyền cũng được các Đồn Biên phòng chú trọng, qua các buổi họp tổ nhân dân tự quản, trên phương tiện thông tin đại chúng, tại buổi biểu diễn văn nghệ, tổ chức cuộc thi... Qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, người dân có nhận thức tốt hơn, hiểu biết pháp luật nhiều hơn để cùng với lực lượng Biên phòng bảo vệ đường biên, an ninh chính trị biên giới biển đảo gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương. Thực tiễn cho thấy, đồng bào các dân tộc sinh sống vùng biên giới là lực lượng quan trọng tham gia xây dựng quản lý biên giới trên nhiều lĩnh vực như bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh chống lấn chiếm, vượt biên, xâm nhập; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Bà Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang:
Tiếp tục nâng cao giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc
Từ nay đến hết năm 2017, Bắc Giang tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; đa dạng hóa, xây dựng và nhân rộng các mô hình, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Quan tâm thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người lao động trong doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cùng với rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, Bắc Giang quan tâm triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về phổ biến giáo dục pháp luật như phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học. Bắc Giang phấn đấu trong giai đoạn 2017 - 2021, có từ 70 - 90% đối tượng đặc thù được phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên biệt theo quy định của pháp luật; 100% các nhà trường triển khai phổ biến giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa...
Ông Mai Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng:
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến chức sắc tôn giáo và người có uy tín
Những năm qua, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Nhiều cơ sở thờ tự không chỉ có chức năng lễ nghi, thờ cúng mà các tôn giáo còn sử dụng vào hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo. Sóc Trăng có 18 nhà thờ nuôi, dạy trẻ theo chương trình giáo dục mầm non; có 2 trường mầm non ngoài công lập thuộc nhà thờ nuôi dạy gần 1.000 trẻ. Ngoài ra, các chùa Khmer luôn ưu tiên nhiều phòng học cho học sinh mẫu giáo không có điều kiện đi học tại các trường trung tâm và hiến đất xây trường, lớp, hỗ trợ vật chất cho trẻ em nghèo, khuyết tật. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, tập huấn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề và thông qua các hội thi, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tập trung tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như chính sách dân tộc, các văn bản luật và các thông tin về biển đảo Việt Nam, chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kiến thức sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm và cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Trong 4 năm, toàn tỉnh đã triển khai gần 45.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến với trên 2,5 triệu lượt người tham dự.