Đề án cũng góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương. Qua đó tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh giảm dần, năm 2013 xảy ra 890 vụ với 1.360 đối tượng vi phạm, đến năm 2016 còn 360 vụ với 421 đối tượng vi phạm.
Hoạt động di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và sang Lào giảm dần. Tình hình trộm cắp, tàng trữ, tiêu thụ ngư lưới cụ trên biển cũng giảm dần, năm 2013 xảy ra 17 vụ với 23 đối tượng, từ đầu năm 2016 đến nay chưa phát hiện vụ nào.
Đáng chú ý, do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới quần chúng nhân dân trên địa bàn, riêng năm 2016 các Đồn Biên phòng phía Tây tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động quần chúng nhân dân giao nộp hơn 1 nghìn súng các loại, 1,7 kg thuốc nổ, 4 kg đạn bi...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án còn tồn tại nhiều khó khăn do cán bộ tham gia thực hiện đề án ở các địa phương, đơn vị đều kiêm nhiệm, nên việc tham mưu, triển khai đề án còn lúng túng. Bên cạnh đó điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương biên giới, ven biển còn nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện đề án.
Thời gian tới, các địa phương, đơn vị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa các văn bản pháp luật của Nhà nước đến được với nhân dân một cách sớm nhất, nhất là các văn bản pháp luật mới được ban hành.
Các địa phương, đơn vị duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Tư vấn pháp luật, hướng nghiệp tại các Đồn, Hải đội Biên phòng. Các đơn vị Biên phòng duy trì “Ngày pháp luật’” mỗi tháng một lần, tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng thông qua hoạt động công tác hàng ngày của cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ công chức các cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương.