Giữ gìn di sản văn hóa Trao đổi về ý nghĩa của trang phục dân tộc truyền thống đối với đồng bào dân tộc, chuyên gia văn hóa dân tộc Ngô Quang Hưng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay. Việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống là vô cùng cần thiết.
Khách mua quần áo thổ cẩm tại phiên chợ Pắc Miều (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Quân Trang - TTXVN |
Không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều dân tộc trên thế giới cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn trang phục của họ, bởi đây chính là bản sắc dân tộc, là linh hồn, cốt cách của các dân tộc thể hiện qua trang phục. Bên cạnh đó, những bộ trang phục cũng thể hiện trình độ canh tác sản xuất của nền nông nghiệp, thể hiện sự hòa hợp của con người với môi trường cảnh quan, với thiên nhiên và xã hội của các dân tộc… Trang phục dân tộc sẽ còn đồng hành với con người lâu dài và trở thành một tổng thể không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một đi sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc.
Đồng quan điểm này, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng cho rằng, việc bảo tồn trang phục truyền thống là vấn đề rất quan trọng hiện nay. Những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc gần như là “căn cước”, là văn hóa của một tộc người, vì thế, bản sắc văn hóa dân tộc cần phải mang dấu ấn của trang phục. Trang phục truyền thống càng trở nên quan trọng hơn khi hội nhập với thế giới. Và những bộ trang phục truyền thống giúp các dân tộc giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Bảo tồn trong xu thế phát triểnTuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc bảo tồn trang phục truyền thống gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Trần Hữu Sơn cho rằng, bảo tồn trang phục, điều quan trọng là phải làm sao để trang phục “sống” trong cộng đồng. Ông Sơn khẳng định một thực tế, trong điều kiện thời tiết thay đổi, văn hóa thay đổi, chúng ta không thể yêu cầu hay bắt buộc đồng bào suốt ngày mặc trang phục dân tộc được. Nhưng chúng ta vẫn phải có những chính sách khuyến khích. Ví dụ ở Lào Cai, đã có những quy định, quy ước, khuyến khích công chức, viên chức là người dân tộc, mỗi người phải có một bộ trang phục dân tộc truyền thống.
Bộ trang phục này sẽ được mặc khi khai mạc Hội đồng nhân dân, khai mạc Đại hội Đảng, mặc trong những ngày lễ, Tết… Đặc biệt, học trò các trường nội trú khi khai giảng cũng phải mặc trang phục truyền thống... Đây là cách để trang phục truyền thống “sống” được trong cộng đồng. TS Trần Hữu Sơn cho rằng, Nhà nước cần có vai trò định hướng cho đồng bào, đồng thời có những chính sách hỗ trợ, đầu tư kinh phí để bảo tồn một số nghề liên quan như thêu, dệt… vừa để làm sản phẩm du lịch, vừa để cộng đồng được sử dụng các sản phẩm của dân tộc mình.
Chuyên gia văn hóa dân tộc Ngô Quang Hưng nhấn mạnh: Bảo tồn rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, không thể thực hiện một cách máy móc, không thể ép buộc, mệnh lệnh, và đặc biệt là không thể bảo tồn theo kiểu tùy tiện, theo xu thế đám đông, mà bảo tồn phải trên cơ sở giữ được cốt cách, nhưng cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Trang phục dân tộc của ngày hôm nay, đã trải qua hàng ngàn năm biến đổi để phù hợp dần theo trình độ phát triển. Ngày nay, trang phục truyền thống vẫn tiếp tục chuyển hóa, vẫn tiếp tục thay đổi, cải tiến để phù hợp với điều kiện cuộc sống. Linh hồn, bản sắc, thông điệp của trang phục vẫn phải bảo tồn được. Nếu chúng ta làm được như vậy, là chúng ta bảo tồn trong xu thế phát triển.
Ông Ngô Quang Hưng cho rằng, muốn bảo tồn trang phục tốt nhất, cần bảo tồn thông qua truyền thông đại chúng, qua sinh hoạt cộng đồng, qua các cuộc gặp mặt đồng tộc, đồng hương, trong dòng họ… Đặc biệt, là vai trò của gia đình trong bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có bảo tồn trang phục. Các thế hệ trong gia đình truyền cho nhau, gìn giữ các giá trị về ăn, ở mặc của gia đình, dòng họ của mình, của dân tộc mình, địa phương mình…
Trong bảo tồn trang phục, người dân có vai trò chủ thể, nhưng Nhà nước cần có những chính sách tác động, để tạo ra một môi trường lành mạnh trong việc sản xuất, gia công, lưu thông hàng hóa gắn với việc sản xuất trang phục dân tộc, để quá trình này không bị xu thế ngoại lai lấn át làm biến dạng, méo mó; cần tạo điều kiện và có những chính sách tôn vinh các nghệ nhân có công gìn giữ, bảo tồn những nghề như nghề dệt truyền thống… “Đặc biệt, cần phải tri thức hóa, trí tuệ hóa những kiến thức về bảo tồn trang phục dân tộc, tri thức đó phải đưa vào giảng dạy ở các trường học, để các em học sinh nhận biết được cái đẹp, tôn vinh vẻ đẹp của trang phục dân tộc.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc triển lãm, các hình thức giao lưu, hội chợ… để tôn vinh trang phục truyền thống là cần thiết. Nếu thường xuyên tạo được những hoạt động này, sẽ tạo được hành lang để trang phục dân tộc được bảo tồn, phát huy và đóng góp thiết thực vào đời sống”, ông Ngô Quang Hưng khẳng định.