Bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống - Bài 2

Quá trình khảo sát, tìm hiểu cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mai một trang phục truyền thống dân tộc.

Một trong những lý do được nhiều đồng bào đưa ra là mặc trang phục truyền thống dân tộc rất bất tiện trong việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày. Chị Lò Thị Hoài, dân tộc La Ha (ở bản Huẩy Púa, xã Noong Lay, Thuận Châu, Sơn La) chia sẻ, trang phục truyền thống La Ha rất đẹp, nhưng tương đối rườm rà gồm váy, áo thêu, khăn vấn trên đầu… không tiện trong những lúc làm việc đồng áng, việc nhà… chính vì vậy, thường ngày chị rất ít khi mặc, chỉ khi nào dịp lễ, Tết mới mặc đi chơi, rồi về lại cất vào tủ.

Do bất tiện trong những lúc làm việc nên nhiều người ngại mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Còn chị Phùng Ky Mẻ, dân tộc La Hủ (bản Phìn Khò, xã Bu Tửa, huyện Mường Tè, Lai Châu) thì than thở: “Mình thấy con cháu không mặc quần áo cha ông, cũng buồn lắm, khuyên bảo thì các cháu không nghe, chúng đưa ra nhiều lý do lắm. Chúng nó bảo quần áo của mình mùa đông rét thì lại không đủ ấm, nhưng mùa hè thì lại dày mặc nóng lắm, mặc làm việc hay đi lại đều khó nên không thích, không chịu mặc”. Chị Lò Thị Vân, dân tộc Thái lại thật thà: “Mặc cái áo cỏm ấy, nhiều cúc cài lâu lắm, hôm nào vội thì lại càng ngại mặc. Với lại, áo nó bó quá, mỗi khi cúi xuống làm việc nó bó người, không thoải mái đâu…”.


Cũng với lý do trang phục truyền thống mặc bất tiện trong lúc làm việc, anh A Thăn, dân tộc Brâu ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Trang phục truyền thống người Brâu là chiếc áo cộc và khố, với trang phục ấy bây giờ mặc khó làm việc, nhất là những lúc đi rừng, làm rẫy, hay bị gai đâm, cây cối quệt vào đau lắm, nên không muốn mặc”.


Không chỉ là chuyện bất tiện trong đời sống, sinh hoạt, mà để có được một bộ trang phục truyền thống hiện nay vừa mất nhiều thời gian lại rất tốn kém. Theo chị Phùng Ky Mẻ, để có một bộ trang phục truyền thống La Hủ, phải tự tay trồng bông, dệt vải rồi nhuộm chàm, sau đó thêu hoa văn lên vải rồi mới may lại, mất khoảng 3 tháng mới xong, giá thành một bộ vào khoảng 5 triệu đồng. Tương tự như vậy, để có được một chiếc váy Mông cũng phải qua nhiều công đoạn, mất 3 - 4 tháng, giá thành cũng lên đến vài triệu đồng. Trong khi đó, trên thị trường có nhiều trang phục dân tộc bán sẵn, chất liệu nhẹ, tiện dụng, dễ giặt, đặc biệt là giá thành rất rẻ, chỉ vài chục nghìn đến khoảng 100.000 đồng.


Không vượt qua được trở ngại tâm lý cũng là một trong những lý do khiến nhiều người ngại mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Em Húng Thị Thời, dân tộc Pà Thẻn (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Trước đây em cũng thường xuyên mặc trang phục truyền thống, nhưng bây giờ đi học, em chủ yếu mặc quần áo người Kinh, quần áo truyền thống chỉ mặc những ngày lễ hội, ngày Tết, hay có đám ăn hỏi thôi. Thời tâm sự: “Quê em nhiều dân tộc cùng sinh sống, mọi người đều mặc quần áo người Kinh, nếu em mặc quần áo của dân tộc mình thì khó kết bạn, nên em mặc quần áo Kinh cho đỡ… ngại”.


Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ Trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH,TT&DL) thừa nhận, trang phục truyền thống các dân tộc đang có nguy cơ mai một do những thách thức từ điều kiện kinh tế - xã hội. Hiện nay, khi phương thức canh tác, phương tiện đi lại, không gian văn hóa như làng bản, nhà ở… đã có những thay đổi. Nhận thức, tâm lý của đồng bào dân tộc cũng có sự thay đổi. Nhiều cộng đồng dân tộc không nhận thấy cái hay, cái đẹp trong trang phục của dân tộc mình. Một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số hiện nay có tâm lý mặc cảm, tự ti nên ngại mặc trang phục của dân tộc mình, chưa có ý thức về giữ gìn bản sắc trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.


Phương Lan

 

Bài cuối: Bảo tồn bằng nhiều cách

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN