Bảo tồn trang phục truyền thống

Trên đất Tây Nguyên, đồng bào dân tộc Mông di cư vào đang hết sức nỗ lực để bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Cũng như nhiều phụ nữ Mông di cư vào Tây Nguyên, hàng ngàn phụ nữ Mông ở huyện Krông Bông (Đắk Lắk) vẫn giữ được trang phục truyền thống sau nhiều năm định cư. Từ em gái nhỏ đến những cụ già, ai cũng luôn hãnh diện với bộ áo váy truyền thống trong sinh hoạt, lao động, học tập, lễ hội. Mỗi khi chợ phiên, lễ hội hoặc xuân về, áo váy sặc sỡ, đủ màu sắc của từng nhóm phụ nữ Mông ở Tây Nguyên chẳng khác gì những phiên chợ và lễ hội vùng cao phía Bắc.

Phụ nữ Mông luôn hãnh diện về bộ trang phục của mình.


Ông Thào Văn Hồng, Bí thư chi bộ thôn Cư Rang (xã Cư Pui) tâm sự: “Tuy xa quê hương và tiếp xúc nhiều với người Kinh nhưng bà con người Mông ở đây vẫn giữ được những phong tục, tập quán, những nét đẹp truyền thống dân tộc Mông. Đặc biệt, trang phục của phụ nữ Mông luôn được chị em lưu giữ và sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Điều đáng mừng là các em học sinh rất vui và hãnh diện hàng ngày mặc trên mình những bộ áo váy Mông sặc sỡ đến trường”.

Một bộ áo váy Mông được thêu thủ công tốn rất nhiều thời gian, công sức. Song, người phụ nữ Mông lại xem việc may vá, thêu thùa là nhiệm vụ, là công việc thường ngày của họ. Váy áo của người Mông đỏ thêu cầu kỳ, nhiều đường nét, hoa văn, họa tiết hơn trang phục của người Mông trắng, Mông đen hay Mông xanh. Để có được những bộ váy áo đẹp, người phụ nữ phải khéo tay, tỉ mỉ. Có những bộ áo váy người Mông đỏ phải thêu đến gần 1 năm, chưa kể việc trồng đay, dệt vải nền. Một bộ trang phục gồm: váy, áo, thắt lưng, dải áo, mũ, khăn, xà cạp quấn chân, túi đeo… Nếu thêu bằng tay, bộ trang phục có giá lên đến hơn 4 triệu đồng. Chị Thào Thị Sia, ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui) cho biết: “Phụ nữ Mông ai cũng tự thêu cho mình một bộ áo váy bằng tay. Những bộ áo váy này chỉ để mặc mỗi khi có lễ hội, Tết đến hoặc khi về nhà chồng. Vì nó rất giá trị, tốn nhiều công để thêu. Mặc rất đẹp nhưng nặng, mỗi khi giặt phơi lâu khô. Ngày thường chị em thường mặc áo váy dệt máy vì nó nhẹ, lại rẻ. Những bộ váy áo dệt bằng máy thường là vải mỏng, nhập từ Trung Quốc nhưng vẫn là những màu sắc và hoa văn của người Mông”.

Để có được những bộ váy áo đẹp, người phụ nữ phải khéo tay, tỉ mỉ.


Để phục vụ nhu cầu về trang phục truyền thống và phụ kiện thêu may cho bà con, hiện nay ở chợ và các thôn đồng bào Mông đã mở rất nhiều sạp hàng bán trang phục, và phụ kiện để thêu may. Điều thuận lợi để phụ nữ Mông lưu giữ được trang phục truyền thống, ít thay đổi là họ thường di cư tập trung. Hơn nữa, đa số phụ nữ Mông rất giỏi và khéo tay, nhiều gia đình có máy khâu. Khi mùa màng xong xuôi và những lúc rảnh rỗi, ta dễ dàng bắt gặp nhiều phụ nữ Mông đeo bên mình một chiếc túi. Bên trong có vải, chỉ thêu, kim thêu, sáp ong và những phụ kiện để thêu. Từ em bé gái 10 tuổi đến những người già, ai cũng chăm chú những đường thêu với hoa văn trang trí rất đẹp. Bà Ma Thị Lan ở thôn Cư Dhắt (xã Cư Đrăm) tâm sự: “Gia đình tôi có 2 đứa con gái. Lên 8 tuổi tôi đã dạy chúng thêu may. 12 tuổi chúng đã biết tự thêu và may váy áo để mặc. Trước khi về nhà chồng, mỗi phụ nữ người Mông ít nhất cũng có cho mình từ 2 - 5 bộ áo váy truyền thống tự thêu bằng tay. Phụ nữ người Mông rất vui và luôn tự hào với những trang phục của mình vì mặc nó rất đẹp”.

Hiện nay, trang phục của phụ nữ Mông xuất hiện rất nhiều trên các tạp chí. Ở Tây Nguyên cũng vậy, sắc màu váy áo của phụ nữ Mông đang là chủ đề sáng tác của nhiều nghệ sĩ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Chiến (Chi Hội nhiếp ảnh Đắk Lắk) tâm sự: “Vùng đất Tây Nguyên giờ đây có thêm đề tài sáng tác. Mỗi sản phẩm về trang phục, được người phụ nữ Mông thêu thủ công một cách cầu kỳ, cẩn thận với nhiều hoa văn, họa tiết có thể xem là một tác phẩm nghệ thuật”.

Trang phục truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội văn hóa của đồng bào Mông di cư ở Tây Nguyên cùng với những nét đẹp văn hóa của người M’Nông, Ê Đê, Gia Rai, Xê Đăng bản địa, đang là bức tranh văn hóa đa sắc màu trên đất Tây Nguyên. Nét đẹp truyền thống này cần được bảo tồn và phát huy.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên - Nguy cơ mai một nhà sàn dài
Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên - Nguy cơ mai một nhà sàn dài

Kiến trúc nhà ở - đó chính là những đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa vật thể các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên - hiện đứng trước nguy cơ mai một.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN