Xu hướng ăn Tết thời nay - Bài 1: Thay đổi trong chuẩn bị Tết

Thời buổi hội nhập, nhiều nếp sinh hoạt thay đổi theo năm tháng, trong đó có cả việc chuẩn bị và các hoạt động vui chơi trong dịp Tết.

 

Bài 1: Thay đổi trong chuẩn bị Tết


Trước kia, nói đến Tết là nói đến sự háo hức của trẻ nhỏ và tất bật của người lớn lo chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, mua mới đồ dùng sinh hoạt, cũng như lên kế hoạch đi chơi dịp Tết. Trong tâm trí nhiều người già, mâm cỗ ngày Tết phải chuẩn bị cả tháng trước đó. Nhưng giờ đây, ra chợ cái gì cũng sẵn nên tâm lý tích trữ dịp Tết gần như không còn.

 

Đơn giản việc làm cỗ


Trong tâm thức nhiều người Việt Nam, mâm cỗ ngày Tết luôn mang ý nghĩa về sự no đủ, vì “đói thì ăn cơm cha mà muốn no thì phải ăn ba ngày Tết”. Mỗi miền quê và mỗi gia đình có quan niệm khác nhau về làm mâm cỗ Tết và mâm ngũ quả cho ngày Tết.


 

Một thiếu nữ đang chuẩn bị mâm cỗ truyền thống. Ảnh: Trường Giang

Lớp trẻ như chúng tôi vẫn nhớ về những ngày cận Tết của những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước với sự tất bật của bà và mẹ chuẩn bị mâm cỗ cúng sáng và chiều 30 Tết; rồi ngày nào trong Tết cũng làm cơm và cỗ. Mâm cỗ mặn thường gồm có bánh chưng, xôi, gà luộc, nấu đông, canh măng hầm, các loại giò chả, dưa hành, các món xào. Ngày đó vui nhất là nhà nhà chuẩn bị làm bánh chưng. Tầm 27-28 tháng chạp, người lớn vo gạo nếp cái hoa vàng, rồi đồ đỗ, trẻ con rửa lá dong, rồi lau khô... Bà nội giải thích, làm bánh chưng tầm 27-28 Tết nấu lên cúng là vừa, để lâu bánh bị “lại” gạo. Thường mỗi nhà làm 10-20 bánh hoặc mấy nhà cùng làm để luộc chung. Xếp bánh vào thùng phuy, nấu rả rích cả đêm.


Ngày đó, để làm mâm cỗ thật là bận rộn, có khi hết cả ngày. “Nhưng nay bận rộn, giờ những người trẻ như mình vào siêu thị mua có đủ cả hoặc giản lược bớt đi. Đơn cử như làm canh chỉ cần nấu măng với sườn. Ngay cả măng tươi trắng trong siêu thị cũng sẵn, chỉ cần về luộc lại là xong”, Thu Trang, nhân viên kế toán doanh nghiệp Hàn Quốc chia sẻ. Kể cả món dưa hành, nộm, bánh chưng, gà... tất cả đều có ngoài chợ và siêu thị. Về chỉ cần sơ chế qua là được.


Việc chuẩn bị Tết thay đổi theo thời gian và từng thế hệ. Giới trẻ ngày nay còn mua xúc xích, dăm bông bày cỗ cho phong phú. Thậm chí, những ngày Tết, nhiều gia đình không làm cỗ bàn cầu kỳ mà chuyển sang ăn lẩu vừa có nhiều rau, vừa dễ ăn trong mùa đông này.


Kinh tế thị trường, cái gì cũng có thể làm sẵn và giúp nhiều người nội trợ có thời gian cho việc du ngoạn ngày Tết chứ không còn tất bật như trước. Tuy nhiên điều này cũng có những mặt trái của nó. “Đó là tính gắn kết và chia sẻ nhau trong công việc không còn như trước. Vì vậy, bên cạnh nhiều cái đúng là cần mua sẵn nhưng gói bánh chưng thì gia đình tôi vẫn làm, vừa là dịp để cả nhà quây quần, vừa để yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm”, bác Quang, nhà phố Ngọc Hà (Hà Nội), chia sẻ.


Kể cả mâm ngũ quả cũng thay đổi. Nhiều gia đình trẻ bây giờ bày mâm ngũ quả theo kiểu nói miền Nam: vừa đủ xài (dừa, đu đủ, xoài). Trên mâm ngũ quả không chỉ có các loại quả của ta mà còn có cả các loại quả nhập ngoại với đủ loại màu sắc phong phú. Một số đại gia mới nổi còn nhờ cả thầy phong thủy tư vấn cho mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành. Nghĩa là phải tìm quả màu trắng tượng trưng cho kim, quả màu xanh tượng trưng cho mộc, quả màu đen tượng trưng cho thủy, quả màu đỏ tượng trưng cho hỏa, quả màu vàng tượng trưng cho thổ.


Theo tiến sĩ Hoàng Cầm, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam): Bản chất dịp Tết là tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cầu sức khỏe, hạnh phúc. Còn sự giản tiện trong mâm cỗ là sự thích ứng của từng thế hệ với nhu cầu cuộc sống luôn thay đổi.

 

Thay đổi các loại hình giải trí dịp Tết


Hoạt động vui chơi dịp Tết ngày nay cũng nhiều thay đổi. Điều dễ nhận thấy trong thời gian gần đây là nhiều lễ hội được khôi phục lại. Theo thống kê, cả nước có hơn 8.000 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội dân gian được khôi phục gần đây. Bên cạnh phần lễ phục dựng, phần hội xuất hiện một số trò chơi có thưởng, bói toán ảnh hưởng không nhỏ đến tính tôn nghiêm của lễ hội truyền thống. Theo tiến sĩ Hoàng Cầm: “Lễ hội là sự cần thiết trong đời sống văn hóa tinh thần. Lễ hội là dịp củng cố đoàn kết cộng đồng và thông qua lễ hội tạo thành mạng lưới liên kết. Giờ có điều kiện về kinh tế, nên nhiều nơi tổ chức lễ hội. Lễ hội gắn với tâm linh, thờ cúng, phục vụ tâm lý những người tham gia vào đó. Xã hội càng hiện đại thì nhu cầu ổn định, tâm lý, tâm linh càng lớn. Chuyện phục hồi lễ hội là đương nhiên”.


Tết với nhiều dân tộc gắn với khởi đầu năm mới theo lịch tiết của nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều hoạt động vui chơi giải trí đã biến đổi. “Ngày trước ở nhiều địa phương vùng cao có trò chơi ném còn; nhưng hiện nay đã rất ít thấy. Thậm chí trẻ con mong đến Tết có Internet, không quan tâm đến các trò chơi truyền thống. Giờ chủ yếu là biểu diễn văn nghệ hát múa với nhau tại một nhà. Còn người già vẫn ‘khắp’ chúc sức khỏe (‘Khắp’ là hình thức trình diễn thơ ca của dân tộc Thái). Tuy nhiên, hiện lớp trẻ gần như không biết ‘khắp’ và thích hát theo nhạc hiện đại”, tiến sĩ Hoàng Cầm cho biết.


Người dân sẽ chọn những hoạt động phù hợp với họ để thay đổi, biến đổi. “Trong thuật ngữ khoa học chúng tôi gọi là tiếp biến văn hóa, tiếp thu cái phù hợp với họ. Họ cải biên đi để phù hợp với bối cảnh văn hóa xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình hội nhập thì quá trình tiếp biến văn hóa càng mạnh, biến đổi văn hóa càng nhanh”, tiến sĩ Hoàng Cầm cho biết.

 

Xuân Minh

 

Bài cuối: Đi để trải nghiệm, khám phá

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN