Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng và phát triển lĩnh vực văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đầu tư cho các hoạt động văn học nghệ thuật truyền thống, tiến bộ, góp phần xây dựng những giá trị tốt đẹp, nhân văn, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân, phục vụ tốt công cuộc đổi mới của đất nước. Đội ngũ văn, nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh đã kế thừa xứng đáng thành tựu mà các thế hệ nghệ sỹ đã vun đắp, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn học nghệ thuật của Thành phố.
Theo ông Trần Thế Thuận, nghệ thuật sân khấu trong bức tranh chung của sự phát triển văn học nghệ thuật đã thể hiện sự đa dạng, phong phú và sức sống mạnh mẽ kể cả trong điều kiện thử thách, khó khăn nhất; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, sức sống mãnh liệt của văn hóa, nghệ thuật, tinh thần nghệ sỹ - chiến sỹ của lực lượng văn, nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh được thể hiện mạnh mẽ qua những giai điệu, lời ca tại các khu cách ly, nơi mọi người đang chiến đấu với dịch bệnh. “Âm nhạc đã thực sự chạm đến những trái tim, mang lại những liều vaccine tinh thần, tiếp thêm động lực giúp người bệnh trở nên mạnh mẽ, đồng thời động viên tinh thần đội ngũ y, bác sỹ lực lượng tuyến đầu”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng trao quà tri ân đến các văn, nghệ sỹ cao niên đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực sân khấu và các nghệ sỹ gặp khó khăn trong cuộc sống.
Hàng năm, cứ mỗi dịp 12/8 Âm lịch, ngành sân khấu cả nước lại tưng bừng đón mừng ngày giỗ Tổ truyền thống. Từ năm 2011, ngày này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam.
Trong ngày 6/9 (tức ngày 11/8 Âm lịch), nhiều thế hệ văn, nghệ sỹ, công nhân viên phục vụ trong ngành sân khấu đã tề tựu dự lễ giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu tại Nhà Truyền thống Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1). Theo thông lệ, Hội Sân khấu và Ban Ái hữu Nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ giỗ Tổ vào ngày 11/8 Âm lịch (trước ngày chính lễ) như mở đầu cho chuỗi hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật và giới văn, nghệ sỹ Thành phố.
Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Hồng Dung, Trưởng ban Ái hữu Nghệ sỹ, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lễ giỗ tổ sân khấu năm nay được tổ chức trong không khí phấn khởi sau hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, khi ngành sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cũng dần phục hồi sau những mất mát.
Theo Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Hồng Dung, lễ giỗ Tổ năm nay có thêm phần nghi thức như một sự khởi đầu trở lại cho các hoạt động sân khấu sôi động ngay sau giỗ Tổ. Đồng thời, các văn, nghệ sỹ cũng gửi gắm nhiều kỳ vọng cho đất nước nói chung và ngành sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có thể chuyển mình, tiếp tục phát triển.
Ngoài ra, trong hai ngày 6 và 7/9, các nhà hát công lập và nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ,... cùng các nghệ sỹ sân khấu cũng lần lượt tổ chức lễ giỗ Tổ trang trọng với các nghi thức thắp hương nhớ ơn Tổ nghiệp, tưởng nhớ những nghệ sỹ tiên phong của ngành sân khấu, gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những buồn, vui trong nghề...