Ghi nhận đây là một động thái rất nhanh chóng của các cơ quan quản lý ngành văn hóa, khi sự việc được cư dân mạng và báo chí phản ánh trong mấy ngày qua. Tuy nhiên, nếu tính về thời điểm mà văn bản của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang ra quyết định là đã 1,5 tháng; thì xem ra sự nắm bắt và xử lý vẫn còn hơi chậm. Điều quan trọng, lại thêm một vụ việc nữa do dư luận và báo chí phát giác và phản hồi, mới dẫn đến việc vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trở lại sự việc, ngày 7/2/2017, ông Nguyễn Đức Đảm - Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang đã ký 2 công văn số 120/SVHTTDL-TTr, có nội dung về việc lưu hành, phổ biến các bài hát chưa được phép phê duyệt nội dung tại các cơ sở kinh doanh karaoke, được gửi đến phòng VHTT các huyện, thành thị trong tỉnh; liên quan đến vấn đề chấn chỉnh hoạt động karaoke của địa phương.
Tuy nhiên, điều đáng nói, nội dung công văn có đoạn: "Đề nghị Phòng VHTT các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung… Sau ngày 10/3 đội kiểm tra liên ngành các cấp tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh karaoke chưa gỡ bỏ các bài hát chưa được phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành, phổ biến theo quy định của pháp luật".
Kèm theo công văn này là danh sách 354 bài hát “không được phép lưu hành, cấm phổ biến”, trong đó có bài "Màu hoa đỏ" của cố nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991 (phổ thơ Nguyễn Đức Mậu), là ca khúc đã từng được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng. Đây cũng là ca khúc đã vang lên trong rất nhiều chương trình âm nhạc mang tính chính trị, xã hội… với những niềm tự hào lớn lao của các thế hệ người Việt Nam.
Chính vì ý nghĩa của ca khúc "Màu hoa đỏ" mà dường như mỗi người Việt Nam đều đã cảm nhận và ghi sâu, nên khi thông tin về lệnh cấm này đưa ra, đã khiến dư luận rất bức xúc.
Được biết sau đó, trong một văn bản "làm rõ" với các cơ quan chức năng, giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang đã khẳng định: lý do cấm ca khúc "Màu hoa đỏ" của tác giả Thuận Yến, một ca khúc cách mạng nổi tiếng, là vì "đã có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ".
Thông tin từ tỉnh Tiền Giang: Đầu tuần sau, lãnh đạo tỉnh sẽ họp kiểm điểm với lãnh đạo Sở VHTTDL Tiền Giang. |
Văn bản này nêu rõ: "Nay Sở VHTTDL xin nói thêm ca khúc "Màu hoa đỏ" của tác giả Thuận Yến là một ca khúc cách mạng nổi tiếng đương nhiên được phép lưu hành, phổ biến, không nằm trong danh mục những tác phẩm âm nhạc phải được cấp phép lưu hành phổ biến của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Tuy nhiên qua thực tế kiểm tra tại các cơ sở Karaoke thì ca khúc Màu hoa đỏ đã có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như không đóng tác quyền, không xin giấy phép biểu diễn. Đề nghị Phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thành thị tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm nói trên tại các cơ sở karaoke".
Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết: Rất ngạc nhiên khi nghe thông tin về bài hát "Màu hoa đỏ" bị cấm lưu hành ở Tiền Giang và việc cấm như thế là không được. Nếu bài hát sai ở hình ảnh, thì xử lý phần hình ảnh của các đơn vị băng đĩa, còn việc cấm nội dung bài hát là không nên... Đây là cách làm tuỳ tiện, không ổn, Bộ sẽ chờ công văn từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn để có quyết định về vấn đề này.
Dù là vì lý do gì, thì việc ra văn bản tùy tiện của một giám đốc Sở VHTTDL cũng đã gây ra những tổn thất về mặt tinh thần với một thế hệ khán giả yêu nhạc đỏ Việt Nam, yêu cố nhạc sĩ Đại tá Thuận Yến, yêu "Màu hoa đỏ". Có những điều, thuộc về sự thiêng liêng, mà bất cứ một sự xúc phạm nào cũng sẽ khiến người ta nổi giận, vụ việc này cũng là như vậy.
Nghe lại ca khúc "Màu hoa đỏ":
Ca khúc "Màu hoa đỏ" lần đầu tiên được thu âm năm 1990: