Quảng Trị: Cần chính sách đồng bộ phát triển nghề dệt thổ cẩm

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị. Sau một thời gian bị mai một, những năm trở lại đây, nghề dệt thổ cẩm dần được khôi phục. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra hiện vẫn chưa mang tính hàng hoá và người làm nghề dệt thổ cẩm vẫn chưa thể sống được với nghề.

Bản Cu Tài, xã A Bung của huyện Đắkrông, vốn là địa phương có nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm. Sau một thời gian không phát triển, năm 2006, được sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan, dự án đào tạo khôi phục nghề này được triển khai cho 30 phụ nữ người dân tộc với mục tiêu phát triển kinh tế gia đình. Chị Hồ Thị Nga, một trong những người tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm từ dự án này cho biết, nhờ nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, gia đình chị đã có thêm thu nhập. Một tấm thổ cẩm có giá từ 300.000-500.000 đồng, nếu dệt kỳ công sẽ có giá trên 1 triệu đồng/tấm.

Muốn dệt được một tấm thổ cẩm phải mất từ 5-7 ngày, tùy theo hoa văn, nhưng để dệt được thành thạo một tấm thổ cẩm phải học ít nhất 1 năm, muốn dệt đẹp, phải học thêm 6 tháng nâng cao, đó là chưa kể thời gian ở nhà phải thực hành thêm. Thế nhưng sản phẩm làm ra chỉ bán lẻ vào mỗi dịp lễ Tết là chủ yếu. Còn mục tiêu phục vụ khách du lịch không đạt được. Mặc dù một số phụ nữ đã tập trung thành một tổ dệt thổ cẩm với hi vọng tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhưng đến nay, tổ dệt này vẫn chưa tìm được hợp đồng kinh tế nào. Sản phẩm chỉ gửi bán lẻ ở các điểm du lịch.

Không chỉ ở xã A Bung, nhiều xã khác ở huyện Đắkrông và huyện Hướng Hóa cũng đã khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm này đều gặp khó khăn. Vì vậy, để nghề dệt thổ cẩm phát triển cần có những chính sách đồng bộ, phù hợp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giúp người địa phương an tâm gắn bó với nghề.

Vương Lợi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN