Phát huy di sản văn hóa Hán - Nôm

Khoa thi Hội cuối cùng của nhà nước phong kiến đã chấm dứt thời kỳ khoa cử Việt Nam gắn liền với chữ Hán, chữ Nôm. Và cho dù chữ Quốc ngữ cũng là một thành tựu văn hóa, chúng ta không thể không nhắc tới di sản văn hóa viết bằng chữ Hán Nôm- nơi lưu giữ kho trí tuệ đồ sộ của dân tộc. Nhưng số lượng văn bản này hiện chỉ một số ít người đọc được nên rất khó phát huy giá trị.

Cây cầu văn hóa Hán Nôm

Những bộ sử quí, những áng văn hay, những bài thuốc cứu mạng… đó là rất nhiều nội dung của di sản văn hóa Hán Nôm mà cha ông ta để lại sau cả ngàn năm. Rõ ràng, chữ Hán, chữ Nôm chính là phương tiện ghi chép lại toàn bộ tri thức văn hóa, lịch sử, khoa học, tôn giáo, tư tưởng… trong suốt một thời kỳ dài của dân tộc. Nó cũng chính là cây cầu nối văn hóa Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại. Có điều, trong nhiều năm qua nó chưa được quan tâm đúng mức.

Xin chữ mà không hiểu


Đã nhiều năm nay Văn Miếu- Quốc Tử Giám đầu năm lúc nào cũng đông nghịt người đến xin chữ. “Vẫn còn người có tâm lý muốn xin chữ như xin lộc đầu năm. Nhưng vấn đề là phần lớn họ cũng chẳng hiểu mấy về chữ Hán Nôm nên hỏi xin gì cũng chỉ quanh mấy chữ Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn thế là hết. Ngoài ra, ai xin thêm cũng chỉ là xin tên mình”, một nhà thư pháp hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm cho biết.

Ông đồ viết chữ cho khách chơi xuân Ảnh : Lê Phú


Nhưng cũng chính vì chỉ biết xin quanh quẩn vài chữ như vậy nên chữ nho với họ là một điều gì đó rất “kính nhi viễn chi”, chỉ biết là quý mà chẳng hiểu quý ở chỗ nào, quý như thế thì mình biết làm gì với nó. Thậm chí nếu không dặn dò và đánh dấu trước, có người thể nào về nhà cũng treo ngược. Thành thử trước cảnh xin chữ như vậy, những người tâm huyết với Hán - Nôm nửa buồn nửa vui.

“Số người quan tâm đến di sản Hán - Nôm không nhiều nhưng cũng không phải là ít. Tuy nhiên, việc họ hiểu được di sản Hán - Nôm như thế nào thì lại là chuyện khác”, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết. “Ví dụ khi chúng ta mở hội đầu năm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rất nhiều người đến xin chữ nhưng người ta chỉ biết chiêm ngưỡng chữ vì nó đẹp chứ không hiểu được chữ đó viết như thế nào, ý nghĩa ra sao”. Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước trước đây cũng sử dụng chữ Hán như nước ta, sau đó chuyển sang hệ chữ khác của chính mình. Ngành giáo dục của họ có quy định khi tốt nghiệp phổ thông, tốt nghiệp đại học thì học sinh, sinh viên phải biết bao nhiêu chữ Hán. Việt Nam mình thì không. Chính điều này đã tạo ra khoảng cách về mặt văn tự giữa cha ông mình với thế hệ hôm nay và tạo ra khoảng cách giữa văn hóa truyền thống, quá khứ và văn hóa đương đại”, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh nói thêm

Dạy Hán Nôm khó trăm bề

Vẫn theo PGS.TS Mạnh, chúng ta phải từng bước làm cho người Việt Nam hôm nay hiểu được di sản Hán - Nôm, mà muốn thế thì nên dạy chữ Hán và chữ Nôm trong trường học”.

Nhưng muốn dạy và học Hán- Nôm từ phổ thông lại là một bài toán phức tạp. Phức tạp ngay từ việc xây dựng yêu cầu cho đến đội ngũ thực hiện. Cần yêu cầu bộ chuẩn bao nhiêu chữ? Môn học này có thời lượng bao nhiêu tiết? Giảng viên ở đâu? Những câu hỏi này chắc sẽ gây nhiều khó khăn cho người thực hiện.

Có một thực trạng là số lượng người học Hán- Nôm giờ không nhiều, đã thế nếu muốn làm đúng nghề họ chỉ có cách về các viện nghiên cứu hoặc một vài vị trí khác của ngành văn hóa. Mức lương cũng không cao vì phụ thuộc hoàn toàn vào số đề tài, kinh phí nghiên cứu bổ từ trên xuống. Mới đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng do kinh phí eo hẹp mà chưa thể in ngay bộ kỷ yếu khoa học của năm 2010, trong khi theo lẽ thường cứ sau một năm là một bộ kỷ yếu năm trước ra đời.

Chính vì thế, việc nhân rộng những “nhân tố” Hán Nôm đủ cho các trường phổ thông là chuyện rất khó. Thậm chí, thực tế còn cho thấy, đủ người dạy Hán Nôm cho bậc đại học đã là gian nan.

Hơn nữa, việc sinh viên hoàn toàn không tiếp xúc với mảng di sản này từ nhỏ, việc học khó khăn sẽ khiến các em học đối phó. Khi đó, tình yêu di sản khó lòng mà được nhân lên.

“Ở bậc đại học, các ngành khoa học xã hội và nhân văn ngại đưa Hán - Nôm vào chương trình học, có ngành đưa vào học thì không có giáo trình chuẩn. Số người trẻ say mê học Hán Nôm hiện nay ít, vì việc sử dụng tri thức Hán Nôm đang là một vấn đề đáng quan ngại. Tình hình nghiên cứu, số lượng người tham gia học tập còn hạn chế nên việc nghiên cứu, khai thác chưa được đẩy mạnh, chưa đáp ứng được nhu cầu của đời sống văn hóa hôm nay”, PGS.TS Mạnh nói.

Cũng chính vì vậy, theo PGS.TS Mạnh, chúng ta cần đẩy nhanh xã hội hóa việc giữ gìn di sản Hán - Nôm bằng cách dạy Hán Nôm trong trường học. Thứ hai là dịch nghĩa và công bố các tác phẩm Hán Nôm để mọi người có thể tiếp tục tự học, tự đọc sau những chương trình trên lớp. Cuối cùng, rất cần số hóa văn bản Hán Nôm, đưa lên các trang web để có thể quảng bá tri thức này nhanh nhất.

Cầm Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN