Ở ấp đèn dầu... vẫn nghe câu vọng cổ

Trong một lần công tác ở lại qua đêm tại ấp Cây Da (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập), chúng tôi bất ngờ khi giữa chốn đèn dầu vẫn được nghe 36 câu vọng cổ “Lưu thủy”, hòa trong tiếng đờn nỉ non, tiếng đàn ghita vang xa… như ai gọi ai mời. Lần theo câu vọng cổ, chúng tôi đến quán cà phê sân vườn, nơi Câu lạc bộ đờn ca tài tử “Vầng trăng cổ nhạc” đã tồn tại hơn 4 năm qua.

Ngọc Sơn (chỉ mới 5 tuổi) cùng cha biểu diễn khá thành công một trích đoạn


Câu lạc bộ này thuộc về một đại gia đình vốn quê ở Cần Thơ, gồm 20 thành viên (bố mẹ, con cái, dâu rể, cháu nội, ngoại và một số bạn bè láng giềng kề cận). Bà Huỳnh Thị Đồng (SN 1962, Chủ nhiệm Câu lạc bộ) cho biết: “Gia đình tôi lên ấp Cây Da lập nghiệp vào năm 1995. Ấp Cây Da vốn là ấp xa khu trung tâm, đất rộng người thưa nên đa phần người dân sống ở đây vẫn chưa có điện (dùng đèn dầu là chính, có hộ dùng bình ắc-quy thắp bóng tuýp, chạy máy nổ phát điện)… Tôi thấy cuộc sống ở đây về chiều tối hẩm hiu, buồn tẻ nên quyết định thành lập Câu lạc bộ đờn ca tài tử này; trước để mua vui cho gia đình và sau để trình diễn cho bà con lối xóm thưởng thức, góp phần xích lại mối hòa hảo láng giềng”.

Phương Linh (bên phải) linh hồn của Câu lạc bộ


Bà Đồng đã họp bàn cùng gia đình, quyết định thành lập Câu lạc bộ đờn ca tài tử. Nhưng ngặt nỗi làm gì có điện để rước tiếng đàn ghita, đàn tranh, đàn cò, organ… và quan trọng giọng hát người thể hiện được ngân nga, vang xa? Bà Đồng đã mua máy nổ về chạy để phát điện và xây dựng sân khấu bên một mái hiên nhà. “Lúc đầu, Câu lạc bộ toàn hát chay (hát không nhạc), vì trong Câu lạc bộ không ai biết chơi nhạc cụ. Tôi quyết định đầu tư cho con cái đi học nhạc tại Nhà hát Trần Phú Trang, Câu lạc bộ Tiếng nhạc Quang Huy (Bình Dương) và thuê cả thầy về nhà dạy đàn. Những cháu ở nhà, tôi tiếp tục luyện ca giọng cổ và tập những vở "Phạm Công, Cúc Hoa", trích đoạn "Đời cô Lựu", "Đào Tấn"… Chỉ sau 2 năm, Câu lạc bộ đã được kiện toàn và chuyên nghiệp cả về người chơi nhạc và người nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu”, bà Đồng kể lại.

Từ khi Câu lạc bộ thành lập (năm 2007) cũng là thời điểm quán cà phê “Sân Vườn” được mở. Tại đây, bà con hàng xóm (vài trăm hộ) thay phiên nhau hằng tối tới xem, uống cà phê và cổ vũ nhiệt tình, tạo nên sức lan tỏa và một không gian nghệ thuật cải lương ấm cúng giữa chốn thâm cùng, đèn dầu. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm (cùng ấp) cho biết: “Nhờ Câu lạc bộ này mà chúng tôi có điểm hẹn vui chơi, giải trí mỗi khi màn đêm buông xuống. Trước kia, ban ngày thì đầu tắt mặt tối, đêm xuống 7 – 8 giờ đã lên giường ngủ rồi, vì không có điện trời tối om om và buồn không biết làm gì. Câu lạc bộ đã mang văn hóa về ấp!”.

Điều thú ví ở Câu lạc bộ này là 6 đứa cháu nội – ngoại, từ 2 – 10 tuổi cũng đều hăng say tham gia múa hát, biểu diễn rất hay; đây là tín hiệu vui khi nghệ thuật cải lương đang có xu hướng mai một trong giới trẻ bây giờ. Bé Minh Trang chỉ mới 2 tuổi nhưng đã thuộc lòng bài “Cổ bản”, Ngọc Sơn (5 tuổi) đã thuộc rất nhiều trích đoạn các vở cải lương và có năng khiếu dẫn chương trình độc đáo. Phương Linh (26 tuổi, con gái út của bà Đồng) được xem là linh hồn của Câu lạc bộ, có giọng hát trời phú và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, từng đạt giải huy chương bạc tại Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh Bình Phước năm 2003.

Chỉ sau một năm ra đời, Câu lạc bộ đã có những đóng góp tích cực trong văn hóa thôn ấp, thường đi lưu diễn ở nhiều huyện - thị, trong các lễ hội lớn do tỉnh tổ chức (Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh, Lễ hội quả điều vàng Việt Nam – Bình Phước năm 2010…).

Bài và ảnh: Nhật Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN