Người dân nô nức trẩy hội, du Xuân

Một mùa Xuân mới đang về, nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa dịp đầu Xuân đã diễn ra tại các địa phương trong ngày 3/2, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và niềm tin vào một khởi đầu mới tốt đẹp.

Rộn ràng Hội Xuân đền Đuổm

Chú thích ảnh
Lễ hội Đền Đuổm được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Ảnh: Trần Trang/TTXVN

Mỗi độ Tết đến Xuân về, du khách thập phương lại náo nức đến với huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên trẩy hội đền Đuổm. Đây là một trong những lễ hội lớn và giàu bản sắc văn hóa của tỉnh Thái Nguyên diễn ra ngày Mùng 6 tháng Giêng hằng năm.

Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Ngôi đền linh thiêng này được xây dựng từ năm 1180 vào thời Lý Cao Tông, là nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc Đại Việt.

Với tấm lòng trung nghĩa và những chiến công hiển hách, ông được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Đuổm. Lễ hội đền Đuổm được tổ chức để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh và cầu mong Đức Thánh Đuổm ban cho một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, hạnh phúc. Năm 2017, Lễ hội đền Đuổm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phần lễ là nghi thức linh thiêng truyền thống tại lễ hội. Nhiều sản vật địa phương được các đoàn cung tiến lên đền thờ để tiến hành lễ tế. Sau lễ dâng hương, nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa dân gian như, kéo co, đẩy gậy, hát then, đàn tính… được tổ chức, mang đến không khí sôi nổi, rộn ràng trong ngày đầu Xuân.

Bà Cù Thị Nụ, 75 tuổi đến từ xã Bình Sơn, thành phố Sông Công vui vẻ cho biết: “Năm nay là lần thứ hai tôi đến với Lễ hội đền Đuổm để cầu bình an, sức khỏe trong năm mới. Không khí năm nay rất sôi động, tôi đặc biệt ấn tượng với phần lễ rất trang nghiêm tại đền. Đây là truyền thống quý báu của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ tới vị thánh Đuổm của quê hương”.

Không chỉ người dân trong tỉnh, nhiều du khách từ xa tìm đến để được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của lễ hội.

Ông Dương Văn Thương, 70 tuổi, du khách đến từ huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Tôi nghe nói về Hội Xuân đền Đuổm từ lâu nhưng năm nay mới có dịp tham dự. Không khí lễ hội rất ấm áp, ai cũng vui vẻ, tôi rất thích các gian hàng bày bán sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Năm sau, tôi sẽ đưa cả gia đình đến với lễ hội này”.

Hội Xuân đền Đuổm không chỉ là sự kiện văn hóa quan trọng mà còn góp phần quảng bá du lịch địa phương. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn chú trọng tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, an toàn, đáp ứng nhu cầu tâm linh cũng như vui chơi của nhân dân. Năm nay, huyện huy động lực lượng an ninh để đảm bảo trật tự, đồng thời tăng cường vệ sinh môi trường, quản lý các gian hàng… với mong muốn lễ hội sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa”.

Để tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan, năm nay, Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đền Đuổm phối hợp các đơn vị chức năng xây dựng mô hình tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mông, Tày, Kinh… để du khách hiểu hơn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Từ cuối năm 2024, Di tích lịch sử Quốc gia đền Đuổm được tỉnh Thái Nguyên đầu tư tu bổ một số hạng mục như: Đường dạo, bậc cấp, đường lên khuôn viên di tích; lan can và khuôn viên hồ Bán Nguyệt… Qua đó tạo cảnh quan khang trang, thuận lợi cho sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, góp phần lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc.

Hội Xuân Bái Đính - Ất Tỵ 2025

Chú thích ảnh
Đông đảo nhân dân thực hiện nghi thức rước kiệu lên chùa Bái Đính cổ. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc Hội Xuân Bái Đính - Ất Tỵ 2025 chủ đề “Ngàn năm Bái Đính vọng về” thu hút đông đảo tăng, ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương trẩy hội, chiêm bái, lễ Phật, cầu nguyện cho năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm các nghi thức như dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, dâng lục cúng; tưởng nhớ công đức của Quốc sư Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Phần hội gồm các nghi thức như, rước kiệu bài vị Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn, Bà Chúa Thượng Ngàn và chương trình nghệ thuật chào mừng.

Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó Trụ trì chùa Bái Đính cho biết, chùa Bái Đính có lịch sử ngàn năm là một trong những danh lam nổi tiếng của vùng đất Cố đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời vào dịp đầu Xuân hằng năm để cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, đây cũng là nơi vua Quang Trung chọn thực hiện để làm nghi lễ tế cờ động viên tướng sĩ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Mặc dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng chùa Bái Đính vẫn được các tăng, ni, phật tử và nhân dân địa phương giữ gìn, trân trọng cho đến ngày nay và mãi về sau.

Trước xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước, để phát huy giá trị đạo đức văn hóa Phật giáo nhằm xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho nhân loại, tỏ lòng tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân có công tạo dựng đất nước, chùa Bái Đính được tôn tạo và mở rộng làm biểu trưng của giá trị văn hóa đạo đức tập trung tinh hoa trí tuệ sáng tạo của người lao động, làm nên trung tâm tâm linh tín ngưỡng hoàng pháp độ sinh.

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã gióng trống, thỉnh chuông khai hội. Hội Xuân Bái Đính - Ất Tỵ 2025 diễn ra từ nay đến hết tháng 3 âm lịch.

Sôi nổi Giải đua thuyền độc mộc chào năm mới 2025

Chú thích ảnh
Các vận động viên tranh tài tại Giải đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Kô. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Trên dòng sông Pô Kô đoạn qua xã Sa Bình, UBND huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) tổ chức Giải đua thuyền độc mộc lần thứ 6 nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Trịnh Đình Lâm cho biết, hằng năm, huyện đều tổ chức Giải đua thuyền độc mộc vào dịp đầu Xuân. Đây là cơ hội để các vận động viên giao lưu, học hỏi, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện môn đua thuyền độc mộc truyền thống của địa phương. Đây còn là cơ hội để người dân tộc thiểu số giữ gìn nét đẹp trong văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Giải thu hút sự tham gia tranh tài của 8 đội đến từ các xã vùng bán ngập lòng hồ của huyện Sa Thầy và xã Kroong (thành phố Kon Tum). Giải năm nay ghi nhận số lượng tham gia đông nhất với 72 vận động viên, chủ yếu là những cá nhân, tập thể có kinh nghiệm và có thành tích cao ở các giải do huyện, tỉnh tổ chức.

Các vận động viên tham gia tranh tài ở 2 cự ly gồm: 200m cá nhân và 400m đồng đội. Ngay sau tiếng còi khai cuộc, các đội đua liên tục có sự cạnh tranh quyết liệt; trong đó, đội vận động viên xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) và xã Kroong (thành phố Kon Tum) có sự bứt phá về kinh nghiệm và đẳng cấp.

Vận động viên A Lưới (dân tộc Gia Rai, xã Sa Bình) chia sẻ, để chèo lái con thuyền về đích với thời gian ngắn nhất thì vận động viên cần có sự khéo léo, sức dẻo dai. Qua Giải lần này, đồng bào dân tộc thiểu số đã mang đến ấn tượng cho bạn bè gần xa về chiếc thuyền độc mộc, gắn bó lâu đời với những người sinh sống ven sông. Việc này mở ra cơ hội về phát triển du lịch và giúp thế hệ trẻ càng thêm yêu nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Kết thúc giải, Ban Tổ chức trao 6 giải cho cự ly 200m cá nhân, 6 giải cho cự ly 400m đồng đội và 7 giải toàn đoàn.

Thu Hằng - Hải Yến - Khoa Chương (TTXVN)
Nông dân Điện Biên xuống đồng chăm sóc lúa Xuân
Nông dân Điện Biên xuống đồng chăm sóc lúa Xuân

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, nông dân huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) xuống đồng chăm sóc lúa vụ Đông - Xuân với diện tích gieo trồng hơn 4.100 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN