Di tích Mả Bụt nằm trơ trọi giữa cánh đồng. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN |
Di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1993. Hiện nay, di tích này là một đài tưởng niệm nằm trên một khu đất cao giữa cánh đồng và đã xuống cấp theo thời gian.
Trước đây các thôn Dưỡng Thông, Văn Lăng, Phú Mỹ, Vũ Lăng đều thuộc xã Thượng Hiền huyện Kiến Xương. Sau đó, thôn Vũ Lăng tách ra thành xã Vũ Lăng thuộc huyện Tiền Hải ngày nay. Xã Vũ Lăng là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Thái Bình. Năm 2014, xã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.
Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Vũ Lăng từ thời điểm 10/1939 chính quyền thống trị thực dân, phong kiến thực hiện nhiều chính sách khủng bố, đàn áp các tổ chức quần chúng tại Thái Bình. Trước tình hình đó, chi bộ Vũ Lăng quyết định các cuộc đấu tranh phải tổ chức bí mật và tập trung mũi nhọn vào bọn đế quốc, đồng thời phát triển các tổ chức quần chúng… Sau đó, Chi bộ Vũ Lăng nhận được lệnh của Tỉnh ủy Thái Bình về việc lãnh đạo tổ chức và vận động quần chúng nhân dân địa phương tham gia vào cuộc mít tinh lớn tại M ả Bụt. Đây là cuộc mít tinh do Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo nhân kỷ niệm 10 năm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với sự tham gia của nhân dân 3 huyện Tiền Hải, Kiến Xương và Thái Ninh nay là huyện Thái Thụy.
Ông Lê Hữu Lượng, 77 tuổi, thôn Lê Lợi, xã Vũ Lăng, nguyên là cán bộ tuyên giáo địa phương cho biết, sở dĩ có tên gọi Mả Bụt là do nơi đây là một gò đất cao và trước đây có một tượng Phật theo sông Sứ trôi dạt vào. Theo tín ngưỡng, người dân lập chùa Đoài để thờ, hiện nay ngôi chùa không còn. Vào giai đoạn cách mạng 1930 - 1945, Tỉnh ủy chọn Mả Bụt là nơi tổ chức mít tinh.
Chiều 12/9/1940, lợi dụng hội làng Dưỡng Thông và Vũ Lăng, hàng ngàn người dân 3 huyện Kiến Xương, Tiền Hải và Thái Ninh đã tập trung tại Mả Bụt với sự bảo vệ của đội tự vệ Vũ Lăng và các vùng lân cận. Lúc đó, đồng chí Chu Thiện, quyền Bí thư Tỉnh ủy đã đứng lên diễn thuyết. Sau cuộc diễn thuyết, hàng ngàn người dân đã biểu tình thị uy, hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương vạn tuế”, “Đả đảo đế quốc khủng bố dã man”. Cuộc biểu tình tại Mả Bụt đã để lại tiếng vang lớn trong toàn tỉnh, cổ vũ phong trào cách mạng tại nhiều địa phương.
Cùng với Chùa Trung là nơi từng sản xuất vũ khí, phục vụ cách mạng, năm 1993 di tích Mả Bụt được Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1996, xã Vũ Lăng đã đầu tư 50 triệu đồng xây dựng Đài tưởng niệm di tích lịch sử Mả Bụt gồm bia tưởng niệm và lư hương. Tuy nhiên, trải qua thời gian, Khu đài tưởng niệm này hiện đã xuống cấp, nằm trơ trọi giữa cánh đồng, không rào chắn, không tường bao, thay vào đó là những viên gạch vỡ, những bậc thang đã rạn nứt. Thậm chí, trâu bò tự do vào trong khu vực di tích... ăn cỏ. Nếu không được giới thiệu trước, không ai nghĩ đây là một "địa chỉ đỏ"và đã được công nhận là một di tích cấp Quốc gia.
Ông Lê Duy Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Lăng cho biết, năm 2008 UBND huyện Tiền Hải đã xây dựng “Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử Mả Bụt” do Ban quản lý dự án cụm công nghiệp huyện làm chủ đầu tư. Theo đó, Khu di tích sẽ được đầu tư các hạng mục như đường, hạ tầng khu trung tâm, nhà bia… với dự toán gần 7 tỷ đồng. Ngày 31/12/2008, UBND huyện Tiền Hải đã phê duyệt dự toán khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tích lịch sử Mả Bụt với kinh phí trên 172 triệu đồng. Đến nay đã 8 năm trôi qua, quy hoạch khu di tích vẫn... nằm trên giấy và không biết đến khi nào công trình này mới được thực hiện. Trong khi đó, di tích này đang ngày càng xuống cấp.
Theo ông Lê Hữu Lượng - người gắn bó và tìm hiểu nhiều về lịch sử địa phương, xã Vũ Lăng có 36 cụ lão thành cách mạng, đến nay những người tham gia giai đoạn cách mạng 1930 - 1945 người tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn, người đã “khuất núi”. Mọi chứng tích lịch sử chỉ còn qua lời kể của thế hệ trước và qua di tích hiện hữu. Vì vậy, nếu không sớm có biện pháp trùng tu, tôn tạo di tích thì 5 năm, 10 năm nữa liệu thế hệ sau có còn biết đến di tích Quốc gia Mả Bụt - ông Lượng trăn trở.