Đạo diễn Lê Quý Dương với tóc "chôm chôm", áo vest phong trần cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương bàn bạc về chương trình “Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc”, chứ không riêng về Nhà nước Đại Cồ Việt”, sẽ diễn ra ngày 24/4, tại Ninh Bình, do anh viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn. |
Anh ấy không có áo đuôi tôm. Anh ấy không có đũa chỉ huy. Anh ấy không điều khiển một dàn nhạc như lên đồng. Nhưng anh ấy vẫn là một nhạc trưởng. “Dàn nhạc” của anh ấy đôi khi lên tới cả ngàn người. Sân khấu của anh ấy trải suốt từ nam ra bắc. Bục đứng của anh ấy là trời cao, biển rộng, bao la bát ngát...
Anh ấy mặc vest thoải mái với áo phông trắng sọc xanh sọc đỏ bên trong. Anh ấy vuốt keo mái tóc dựng không khác gì vỏ một quả chôm chôm quyến rũ. Anh ấy trưng ra khuôn mặt quá trẻ so với tuổi ngũ thập của mình.
Đừng đánh giá anh ấy làm gì, vì đó là những điều anh ấy làm được. Ai chả có mong muốn, ai chả có tham lam. Quan trọng là cái tham lam ấy ta có làm nổi không, đạt nổi không. Mà với những người như anh ấy, là được!
Lê Quý Dương, người trong giới ngoài giới đều biết đến anh, với tư cách là đạo diễn của rất nhiều những chương trình nghệ thuật quy mô, với tư cách là "thày phủ thủy" đã mang Festival về Việt Nam.
Bán nhà để … ra thế giới học hỏi
Vì sao, ở thời điểm cách đây 25 năm, anh lại quyết định tự bỏ tiền sang Australia du học? Lúc ấy anh đã nghĩ gì, có kế hoạch gì, nhìn thấy tiềm năng gì và mong đến một tương lai gì cho mình và cho nền nghệ thuật nước nhà?
Nếu lúc đó không quyết định đi du học tự túc thì bây giờ chắc chắn tôi đã trở thành một người khác. Nhưng khác thế nào thì tôi không biết, it ai biết được vận mệnh tương lai của mình, chỉ dấn thân bước vào tương lai thôi.
Quả thật đó là một quyết định quan trọng của cuộc đời tôi. Tốt nghiệp Đại học sân khâu điện ảnh với tấm bằng thủ khoa, được nhạn ngay vào biên chế của Cục Nghệ thuật Sân khấu (nay là Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), cho ra đời nhiều tác phẩm, được các cô chú đồng nghiệp đánh giá như một tác giả sân khấu tiềm năng trẻ với kịch bản dàn dựng và tham dự Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc ở tuổi 22. Trong tay có nhiều như vậy nhưng tôi quyết định bỏ tất cả để ra đi, nói đi nói lại, quả thật đó vẫn là một quyết định lớn của cuộc đời.
Có lẽ động lực lớn lao nhất chính là tuổi trẻ. Tuổi trẻ mách bảo tôi mình còn thiếu quá nhiều thứ và đâu đó trên hành tinh này có những điều rất mới lạ. Ngày ấy, tôi say mê đọc ba tập “Thiền Luận”, gồm Quyển Hạ, Quyển Trung, Quyển Thượng. Thấy tâm đắc lắm câu: “Ngàn vạn nẻo đường bắt đầu từ đôi chân. Quyết định ra đi để tìm cho mình một con đường”. Thế là cắm đầu cắm cổ tìm hỏi khắp nơi để đi. Tiêu chuẩn để được đi đào tạo của Bộ Văn hóa khi đó mình cũng đáp ứng đủ, nhưng chỉ tiêu hết mất rồi, nên là tự đi thôi.
Lúc ấy, mọi người có hiểu và đồng tình với quyết định của anh không?
Nhà chỉ có mình tôi là con trai. Bố cản lên cản xuống nhưng mẹ thì ủng hộ; ủng hộ vì thương và chiều con, chứ chẳng biết đi rồi có thành người thành nghiệp không. Bố thì cản vì những tiền đồ trong nước cho mình hiển hiện ra đó.
Mẹ bảo: “Đi đi con. Cố gắng đi về phía trước. Những lúc nào thất bại và tuyệt vọng thì cứ yên tâm sau lưng vẫn còn có mẹ”. Thế là đi. Tiếng Anh nói bằng tay là chính. Bạn bè không có. Hành trang vẻn vẹn một tờ giấy nhập học vào trường Anh ngữ ở nước người ta.
Ở Australia, rồi sau đó là Mỹ và Anh, anh đã học được những gì, mở mang được những gì trong tâm tưởng, trong tư duy nghệ thuật của mình?
Cái học được lớn nhất từ bạn đồng học và đồng nghiệp là thái độ với nghệ thuật. Say mê thì hãy làm, luôn sáng tạo mới và tuyệt đối không bao giờ tự bằng lòng với mình.
Học nhiều hơn nữa là kỹ năng. Nghề đạo diễn khó vô cùng, khó bởi khác với nhạc sỹ, họa sỹ hay nhà văn chỉ làm việc đơn lẻ một mình, đạo diễn phải làm việc với tất cả mọi người và mọi kiểu người, phải làm sao để kích thích niềm cảm hứng sáng tạo cho mọi người. Khó hơn nữa là phải học sao cho giỏi để mọi người tin mình mà đồng hành trên con đường sáng tạo với mình.
Người đàn ông "xong công việc này lại bắt tay vào công việc khác và luôn cảm thấy mình cần phải làm tốt hơn. Ngày sống nào cũng như ngày cuối cùng của cuộc đời, cố sống cố làm cho tốt hơn"... |
Nhưng có lẽ điều tôi học lớn nhất là trách nhiệm và bổn phận đối với công việc của mình. Trách nhiệm và bổn phận không phải vì tiếng tăm thương hiệu, mà vì đông đảo khán giả và những người tin tưởng trao chương trình cho mình làm. Mình có thể cá tính, khó tính, thậm chí nóng tính, nhưng tất cả cũng chỉ vì một điều lớn hơn tất cả là chương trình phải để lại dấu ấn và cảm xúc, phải đem tới một giá trị trong đời sống tinh thần và nhận thức của con người.
Xây dựng một tinh thần nghệ thuật “ Lê Quý Dương”
Một hành trình của những cảm nhận, tích góp về nghệ thuật Việt; những nỗ lực để thu gom kiến thức từ các trung tâm nghệ thuật của thế giới, đã góp phần tạo nên một tinh thần nghệ thuật Lê Quý Dương như thế nào? Anh có thể định nghĩa về “tinh thần nghệ thuật” đó của mình và anh đã lan tỏa tinh thần nghệ thuật ấy ra sao trong những chương trình mình thực hiện?
Tôi luôn là người chặt chẽ và khó tính với các tác phẩm của mình. Tôi không thích làm nghệ thuật một cách hời hợt và dễ dãi. Tôi tự đánh giá lại những tác phẩm của bản thân mình rất nhanh và đòi hỏi phải đổi mới. Tất nhiên nghệ sỹ chân chính nào và ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ nghĩ và làm như vậy.
Nếu có một tinh thần nghệ thuật của tôi thì đó là tinh phần đột phá và sáng tạo. Cuộc sống thật tuyệt vời và nếu chúng ta dừng tìm tòi suy nghĩ và tìm cách đổi thay cải tạo nó thì chúng ta bị tụt hậu. Khi bắt tay vào một tác phẩm mới, câu hỏi đầu tiên trong suy nghĩ của tôi là mình sẽ làm cái gì mới. Dù là vấn đề cũ, thậm chí nhàm chán thì cũng vẫn phải tìm một hình thức mới, một ngôn ngữ nghệ thuật và cách thể hiện mới.
Một tinh thần nghệ thuật mới, một con đường riêng chắc không dễ được đón nhận? Anh có vấp ngã không khi mới về Việt Nam? Và anh đã có những điều chỉnh gì cho mình, nỗ lực ra sao với mọi người, để có thể thuyết phục về con đường đi của mình, để được chấp nhận và ghi nhận như ngày hôm nay?
Cái mới thường không bao giờ thuộc về số đông. Càng mới càng cô đơn và thầm lặng. Nhưng cái mới không bao giờ chết nếu người nghệ sỹ đủ đam mê và không lùi bước trước rất nhiều lực cản quanh mình. Đôi khi cái mới mình làm hôm qua bị phê phán tơi bời, hôm nay lại trở thành cái mọi người làm hàng ngày và người ta cũng chẳng nhớ và nhắc đến tên mình. Hỏi buồn không? Rất buồn! Hỏi vui không? Rất vui! Buồn vì cuộc sống nghệ thuật và sự ghi nhận còn rất nhiều hệ lụy. Nhưng lớn lao hơn, vui vì cái mình tìm tòi khám phá giờ đã được mọi người ứng dụng và trở thành một giá trị trong đời sống sáng tạo. Người mở đường luôn vất vả thiệt thòi. Người đi "cắt băng" khánh thành lại luôn hoan hỉ hơn.
Cái tinh thần ấy, nếu để đúc rút, thì anh có thể gọi tên nói với những từ nào?
Hành động! Tôi trân trọng những người hành động. Hành động là động lực tạo nên sự vận động của đời sống. Điều này càng đúng hơn trong nghệ thuật. Hành động sẽ là chất xúc tác cho những sáng tạo mới để tạo nên những giá trị mới. Nên dè chừng những người không bao giờ sai. Họ có hành động gì đâu mà sai. Họ chỉ ở sẵn đó thành công thì tung hô mà thất bại thì biến mất. Chính những người hành động là những người tạo nên các gíá trị đích thực cho đời sống.
Thày phù thủy của những Festival
Làm Festival có khác nhiều với những chương trình thông thường, nó đòi hỏi người viết kịch bản và đạo diễn như anh phải có những tố chất gì, làm gì để nó thật sự thể hiện đúng chất Festival?
Để viết một kịch bản và dàn dựng một lễ hội lớn đòi hỏi rất nhiều các kỹ năng và tố chất. Và rõ ràng là phải học, không phải chỉ ở trường lớp mà ở ngay chính những nơi chúng ta đến làm, chính những người xung quanh mình. Đối với tôi, quan trọng nhất là cảm xúc. Khi nhận một chương trình lớn, bắt đầu nghiên cứu về nó, mất ăn mất ngủ với nó, nếu không thấy có cảm xúc thì rất khó làm.
Cảm xúc là cội nguồn của những ý tưởng độc đáo. Nó thể hiện dấu ấn cá nhân có một không hai của người tác giả và đạo diễn. Nếu không có cảm xúc thì làm sao có thể có ý tưởng, lại chỉ sao chép, cóp nhặt của đồng nghiệp mà thôi.
Nhưng cảm xúc là một phạm trù rất cá nhân. Cùng một sự kiện nhưng cảm xúc của mọi người sẽ rất khác nhau và người tác giả đạo diễn xuất sắc chính là người có cảm xúc độc đáo nhất và truyền cảm được sự độc đáo ấy đến với nhiều người khác.
Festival đầu tiên anh làm là Festival nào? Khi đó, anh mang tới những điều gì cho chương trình và những điều đó có thể được chấp nhận ngay không, hay cũng phải qua một hành trình thuyết phục?
Lễ hội qui mô đầu tiên tôi làm Đêm Hoàng Cung - Festival Huế 2006. 12 năm đã trôi qua và Đêm Hoàng Cung đến nay- sau 6 kỳ diễn ra tại Festival Huế, đã trở thành một thương hiệu văn hóa nghệ thuật lớn cho Huế nói riêng và những người quan tâm đến Festival Huế nói chung. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về Hoàng cung Huế trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình. Vì nghiên cứu rất kỹ nên tôi thực sự có một cảm xúc với đời sống hoàng cung xưa và dàn dựng nó thành hiện thực. Phải mất một quá trình thuyết phục khá công phu, nhưng tới khi chương trình ra đời thì mọi người đã công nhận nó.
Đến nay, đã làm rất rất nhiều Festival rồi, anh đúc rút lại cho mình những gì là kinh nghiệm?
Trong hơn mười năm từ nước ngoài trở về, tôi đã viết kịch bản và dàn dựng cho hàng chục Festival lớn nhỏ dọc theo chiều dài đất nước từ mũi Sa Vỹ Móng Cái đến Năm Căn Cà Mau. Kinh nghiệm lớn nhất tôi muốn chia sẻ là chừng nào mình còn chưa cảm thấy mệt mỏi, chừng nào mình vẫn đầy đam mê với công việc của mình thì chừng đó hãy nên làm. Để cho một sự kiến lớn ra đời đòi hỏi rất nhiều công sức. Có cả niềm vui và sự mệt mỏi không đáng có. Nhưng mình phải kiên định vượt qua. Mỗi một chương trình là một kinh nghiệm mới, một bài học mới và chúng ta lớn lên trở thành người có kinh nghiệm cũng từ đó.
Có kinh nghiệm, nhưng phải chăng với mỗi Festival, anh vẫn luôn tìm tòi, sáng tạo, phát kiến, để nó không lặp lại, để nó luôn mới.
Kinh nghiệm chỉ có thể giúp chúng ta tránh đi những sai lầm không cần thiết. Chính sáng tạo mới là nhân tố quan trọng nhất để tạo nên những giá trị mới. Mọi người sẽ thấy những sự kiện mang lại cảm xúc và dấu ấn trong lòng công chúng khán giả chính là kết quả của rất nhiều tìm kiếm và dằn vặt của những người dàn dựng nó. Khán giả đôi khi chỉ thốt lên những thán từ rất đơn giản: "Vui nhỉ", "Lạ nhỉ", "Hay nhỉ" thì theo tôi vẫn chưa đủ. Thành công chính là những giây phút để họ không nói nên lời. Cảm xúc khi đó trở thành một kinh nghiệm cá nhân mà từng người chỉ muốn giữ cho riêng mình, khiến họ trải nghiệm, suy ngẫm và thậm trí đổi thay.
Làm nghệ thuật ở Việt Nam có dễ không? Dễ hay khó về cách làm, cách sáng tạo, dễ hay khó về kinh phí, dễ hay khó về cơ chế?
Dễ hay khó sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều thước đo và giá trị. Một bộ phim có thể cháy phòng vé thu hàng chục tỷ nhưng khi mang đi tham dự các liên hoan phim quốc tế thì không ai xem và ngược lại. Khó và dễ là điều luôn luôn tồn tại song song trong bất cứ một môi trường nghê thuật nào kể cả ở ta hay ở bất cứ một nước nào trên trái đất này.
Tự thân người nghệ sỹ sẽ xác định cho mình công việc và hoạt động nghệ thuật của mình... |
Tôi luôn nghĩ vấn đề là tự thân người nghệ sỹ sẽ xác định cho mình công việc và hoạt động nghệ thuật của mình, vì mỗi người làm nghệ thuật có những mục đích và tiêu trí rất khác nhau, bởi vậy cũng sẽ tạo nên những chân dung nghệ sỹ và giá trị tác phẩm của họ rất khác nhau. Có nhà thơ cả đời sống trong bần hàn nghèo đói và cô đơn nhưng nhắc đến thi ca Việt Nam không thể thiếu tên họ. Có những người đầy tiếng tăm và chức sắc danh hiệu nhưng rất ít người nhớ nổi lấy một câu thơ của họ. Cá nhân tôi chỉ làm những gì mình thích, mình thực sự cảm xúc và rung đông và tự tin mình có thể làm tốt thì làm..
Với một người làm nghệ thuật, liệu anh có hài lòng khi thể hiện tài năng ở Việt Nam, tham vọng của anh có phải là vươn ra thế giới, trong thời gian tới.
Tôi cứ làm thôi. Giá trị công việc của mình tới đâu thì công chúng trong nước và quốc tế ghi nhận tới đó. Tôi nghĩ người nghệ sỹ là người thưởng thức đầu tiên chính tác phẩm của mình. Nhịp đập của trái tim anh chạm được tới cảm xúc của thời đại thì anh được công chúng rộng rãi tán thưởng. Mục đích tác phẩm luôn thỏa mãn cảm xúc của người nghệ sỹ trước khi thỏa mãn khán giả. Còn có ai làm khác thì tôi không biết.
50 tuổi với tư cách một người làm nghệ thuật dường như vẫn rất sung sức, 50 tuổi với tư cách là một người đàn ông, vẫn rất mạnh mẽ, đầy sức sống. Điều gì đã mang tới cho anh sức sống, sự sung sức này? Phải chăng chính là sự nuôi dưỡng của nghệ thuật với tâm hồn, phải chăng là sự lạc quan, là tinh thần luôn chinh phục và chiến thắng?
Tôi luôn thấy mình trẻ và tràn đấy năng lượng. Có lẽ vì tôi sông rất đơn giản. Vui đó buồn đó giận đó thương đó. Nhưng mỗi cảm xúc đều đi đến tận cùng. Buồn thì đọng thành thơ cho riêng mình. Giận thì nổi trận lôi đình lên rồi quên ngay. Vui thì chia sẻ với hết thảy mọi người. Thương thì trọn vẹn tấm lòng của mình. Chả để bụng hại ai. Chả mưu mô tính toán gì. Cứ vậy cho khỏe. Tôi luôn tâm niệm mình cứ sống tự nhiên như tự nhiên vốn là vậy thôi. Trẻ không có nghĩa là non nớt hay thiếu hiểu biết. Với tôi trẻ là tự mình là mình.
Nếu có 1 tham vọng, anh sẽ làm gì để có một tác phẩm “để đời”?
Tôi nghĩ tác phẩm hay nhất của mình là tác phẩm chưa ra đời. Luôn luôn nghĩ như vậy. Xong công việc này lại bắt tay vào công việc khác và luôn cảm thấy mình cần phải làm tốt hơn. Ngày sống nào cũng như ngày cuối cùng của cuộc đời, cố sống cố làm cho tốt hơn thôi. Mỗi tác phẩm khi người nghệ sỹ đã hoàn thành sẽ có số phận riêng của nó. Vấn đề là nó đã được người nghệ sỹ sáng tạo nó ra như thế nào!
Xin trân trọng cảm ơn anh!
Lê Quý Dương là hậu duệ của dòng họ Lê Quý Đôn, cháu ruột của nhạc sỹ Lê Quý Hiệp, nghệ danh Việt Lang, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Lê Quý Dương đỗ Thủ khoa trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 1985 – 1990, chuyên ngành Lý luận Phê bình Sân khấu với 29 điểm ba môn văn, sử và năng khiếu, tốt nghiệp loại Giỏi, đạt điểm luận văn 10/10 với chuyên đề nghiên cứu “Khán giả sân khấu hiện đại”. Năm 1989, khi còn là sinh viên, Lê Quý Dương được giới văn học và sân khấu biết đến như một cây bút sáng tác trẻ với truyện ngắn “Cuộc đời sau những ô cửa sổ” đăng trên báo Người Hà Nội.
Năm 1990, Lê Quý Dương viết kịch bản sân khấu đầu tay “Chợ Đời”, tác phẩm chính thức được dàn dựng và tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đạt huy chương Vàng, được kết nạp và là hội viên tác giả trẻ nhất của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam khi tròn 22 tuổi.
Năm 1991, Lê Quý Dương đạt giải Nhì, không có giải Nhất, cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh do Báo Tiền Phong tổ chức với truyện ngắn “Những ngọn lửa sẽ còn cháy mãi” .
Từ năm 1991 đến năm 1993, Lê Quý Dương sáng tác nhiều kịch bản sân khấu được dàn dựng tại Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, viết nhiều truyện ngắn và bài lý luận, phê bình đăng trên các báo và tạp chí chuyên ngành. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, Lê Quý Dương được đặc cách nhận về công tác tại Phòng Nghệ thuật của Cục Nghệ thuật Sân khấu, nay là Cục Nghệ thuật Biểu diễn, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Năm 1993, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Lê Quý Dương đã táo bạo bán nhà sang du học tự túc tiếng Anh tại Sydney, Australia. |