Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ công lao mở mang bờ cõi của công chúa Huyền Trân. Lễ hội thu hút sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách.
Các hoạt động tại lễ hội đền Huyền Trân.
|
Diễn ra trong 2 ngày 4 - 5/2, tại lễ hội đền Huyền Trân có Đại lễ cầu nguyện "Quốc thái dân an", múa hội hoa đăng, ca múa nhạc Phật giáo; nghi lễ dâng hương tại điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông...
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có các triển lãm, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Huế, các trò chơi dân gian như: cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền, hò giã gạo, nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, vẽ tranh thiếu nhi, thi cắm hoa...
Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hằng năm lễ hội được tổ chức nhằm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong mở mang bờ cõi.
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tại Huế - nơi diễn ra Lễ hội đền Huyền Trân là quần thể kiến trúc có ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân Công chúa được xây dựng tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế. Ngoài ra, tọa lạc trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108 mét là tháp chuông Hòa Bình với một quả chuông được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét.
Giữa bốn bề mây núi giao hòa, tháp chuông Hòa Bình là địa điểm thu hút du khách thập phương. Từ tháp chuông phóng tầm mắt nhìn xuống, du khách sẽ có bức tranh toàn cảnh thiên nhiên như vẽ của thành phố Huế với sông Hương và núi Ngự.
Ngày xuân, đến Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, du khách được chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh và cùng gióng hồi chuông ngân xa để cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc...