Không tổ chức nghi lễ đâm trâu trong Lễ hội Buôn Đôn

Tại Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk diễn ra vào trung tuần tháng 3 năm 2016, tỉnh sẽ không tổ chức lễ đâm trâu như những năm trước đây

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã xác nhận sự kiện này. Theo ông Nguyễn Đẫu, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, quyết định không tổ chức nghi lễ đâm trâu trong lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn sau khi đưa ra đã được chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đồng thuận cao.

Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn diễn ra 2 năm 1 lần vào trung tuần tháng 3 dương lịch). Năm nay lễ hội được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Krông Na, huyện Buôn Đôn từ ngày 12 đến 14/3; phần lễ của lễ hội tái hiện nhiều nghi lễ đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn như: lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ cúng lúa mới (lễ mừng mùa)…

Phần hội sẽ có các hoạt động như: cưỡi voi chạy tốc độ, voi đá bóng, voi vượt sông…với sự tham dự của đàn voi 18 con.

Ngoài ra, trong lễ hội còn có hoạt động biểu diễn văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống, thưởng thức ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc của các dân tộc.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với UBND huyện Buôn Đôn chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để lễ hội diễn ra, tránh hình thức, tốn kém, thực hiện lễ hội an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Yêu cầu rà soát các lễ hội, hội chọi trâu ở địa phương


Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/2 cho biết: Bộ đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh Bình Phước, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra việc tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Sau đó, các tỉnh gửi báo cáo rà soát để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp và gửi lên Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc, không cho phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu đó không phải là lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Việc này góp phần thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Đặc biệt, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29/1, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đồng thời ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương thực hiện để đảm bảo nếp sống văn minh trong mùa lễ hội 2016.

Trong đó có Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 quy định về tổ chức lễ hội; Công văn số 155/ BVHTTDL-VHCS ngày 19/1/2016 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Bộ cũng đã gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó yêu cầu không tổ chức các lễ hội có hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thương mại.

Công văn cũng đặc biệt nhấn mạnh không tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương.

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Những hội chọi trâu khác như Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Sơn (Bắc Ninh), Bảo Thắng (Lào Cai) … đều là lễ hội mới tổ chức và có tính chất thương mại ở những lễ hội mới này.

Ở Việt Nam hiện có khá nhiều lễ hội chọi trâu truyền thống. Trong đó phải kể đến lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng); hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ); hội chọi trâu Hàm Yên (Tuyên Quang)…

Trong đó, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) được nhiều người Việt Nam biết đến hơn cả. Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Hội diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Trước đó còn có hai cuộc đấu loại vào trung tuần tháng 5 và 8/6 âm lịch. Đây không chỉ là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển, Hải Phòng.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Phần hội diễn ra vào chính hội (9/8) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Theo quan niệm cổ xưa, dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà...

Phạm Cường, Thanh Giang (TTXVN)
Lễ hội đâm trâu
Lễ hội đâm trâu

Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới còn được đồng bào Cơ Tu gọi là Chahàrò Tơmêê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN