Lễ đâm trâu xoay cột của người Ba Na

Lễ hội đâm trâu xoay cột tại làng Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) được tổ chức để tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh, tạ ơn những người đã hy sinh tại làng Đồng trong sự nghiệp bảo vệ buôn làng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cầu mong Giàng phù hộ cho gió thuận mưa hòa, lúa đầy bồ, sắn đầy rẫy; cầu mong cho người dân trong buôn ai ai cũng được mạnh khỏe.

Già làng Oi Tứ vui vẻ cho biết: "Bà con làng Đồng năm nay đã góp được 1 con trâu đực chưa cày, chưa theo trâu cái; 2 con bò, 2 con heo thiến nặng 1 tạ, 4 con heo khác khoảng hai chục ký, 10 con gà và cứ 2 hộ góp một chóe rượu”.

Trước khi tổ chức lễ, những người đàn ông khỏe mạnh ở làng Đồng đã cùng nhau lên rừng tìm vật liệu như tre, mây, lồ ô…về làm cây nêu cao khoảng 3,5 m mà bà con gọi là Kưng-Tăk; dùng mây bện dây A-Ngoa-Kbô để buộc vào cổ trâu. Khi lễ hội bắt đầu, người làng Đồng làm thịt một con heo cúng báo cho Giàng biết đã có trâu, rồi họ giết tiếp một con heo khác và nhấc 3 chóe rượu để cúng ông bà tổ tiên chứng nhận con trâu đó sẽ được tạ ơn Giàng… Bà con có mặt tại Nhà rông văn hóa và tổ chức trồng 4 cây nêu ngay giữa trước mặt sân rộng khoảng vài trăm mét vuông, cây nêu làm bằng tre và trên mỗi cây tre gắn một sợi dây dài được đan bằng tre theo kiểu xương cá.

Tại những điểm cuối của mỗi sợi dây, người ta gắn các hình vật được sơn màu đen, đỏ từ nhựa cây như chim, chiếc thuyền, vòng tròn... Khoảng 3 giờ chiều, con trâu được buộc dây “A- Ngoa- Kbô” vào cổ và lúc đó người ta làm thịt con bò, nhấc vài chóe rượu để cùng Giàng rừng, Giàng đất, Giàng núi… chứng kiến con trâu về hầu Giàng; làm thịt một con heo thiến để cúng mời Giàng ông bà, tổ tiên về dự lễ hội. Đêm xuống cả làng Đồng như không ngủ, già trẻ hầu như không biết mệt khi liên tục đánh cồng chiêng, múa xoan, vỗ trống đôi và đi vòng quanh con trâu và cây nêu.

Lễ đâm trâu - lễ hội lớn của người Ba Na. Ảnh: Sỹ Huynh -TTXVN


Hôm sau, các thầy cúng làm lễ bốc gạo vãi lên trời, miệng cầu khấn các Giàng về chứng kiến. Trong lúc các thầy cúng làm lễ, mọi người cũng múa hát xung quanh cây nêu và đến 9 giờ lễ đâm trâu bắt đầu. Một già làng cầm con dao dài, nhọn và rất sắc chém mạnh trên lưng trâu về phía hai đùi sau cho máu chảy ra. Các thầy cúng dùng vải, hoặc bông thấm máu trâu rồi đem chấm lên trán những người tham gia lễ hội như báo rằng những điều may mắn của bà con được Giàng ban cho; cả những cháu nhỏ vài tháng tuổi mẹ gùi sau lưng cũng được hưởng “ân huệ” này.

Con trâu được những thanh niên khỏe mạnh cột dây vào 4 chân và dùng thế đè trâu ngã quỵ xuống đất, đồng thời làng chọn người có kinh nghiệm để đâm trâu. Sau khi trâu chết, đầu trâu được cắt, gắn trên cột của cây nêu, sau đó hai thanh niên gánh đầu trâu đi 3 vòng xung quanh cột theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Các thầy cúng vẫn tiếp tục vãi gạo lên trời mời Giàng xuống nhận trâu, thay người làm rẫy, làm nương cho Giàng trời.

Lễ hội đâm trâu xoay cột không chỉ là hoạt động văn hóa ở làng Đồng mà còn thu hút đồng bào Ba Na các buôn lân cận các thôn lân cận ở Thồ Lồ, Xí Thoại, Hà Rai… đến dự. Trưởng buôn So Minh Niệm cho biết: “Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, bà con làng Đồng mới tổ chức được lễ đâm trâu để cảm ơn Giàng cho bà con được mùa, biết ơn những người đã hy sinh để bà con có cuộc sống ấm no, mừng cho bà con làng Đồng và làng Thồ Lồ được Nhà nước đầu tư xây dựng lưới điện quốc gia”.

Được biết, làng Đồng và Thồ Lồ là hai buôn cuối cùng của tỉnh Phú Yên vừa hoàn thành kéo lưới điện quốc gia. Đây là hai buôn xa nhất của tỉnh Phú Yên. Muốn đến làng Đồng, Thồ Lồ phải vượt qua nhiều sông, suối, do vậy việc đầu tư lưới điện có khó khăn. Hiện hai thôn trên chỉ có 167 hộ nhưng Nhà nước đã đầu tư hơn 10,3 tỷ đồng để bà con có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, tính ra suất đầu tư mỗi hộ gần 62 triệu đồng. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Lễ hội đâm trâu cũng là dịp để mọi người trong làng, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết thêm về phong tục, truyền thống văn hóa của dân tộc mình, đồng thời là cơ hội để thanh niên các làng giao lưu với nhau. Kpá Thị Linh 19 tuổi cho biết: “Hôm nay em thấy rất vui vì được múa, được đánh chiêng, được gặp các bạn ở buôn khác. Đây là truyền thống của đồng bào, em không thể bỏ được”.

Lễ đâm trâu không chỉ người Ba Na mà đồng bào các dân tộc thiểu số khác ở vùng núi Phú Yên cũng đều tổ chức. Đây là một trong những lễ hội lớn, đông vui nhất của cộng đồng các dân tộc.

Thế Lập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN