Đến Đồng Mô xem lễ đâm trâu

Đúng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), những đồng bào dân tộc Brâu của làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) chính thức "gia nhập" Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Hà Nội). Tự hào, sung sướng là những cảm xúc có thể dễ đọc thấy trên gương mặt của họ. Về làng mới, không thể quên tập tục của người Brâu: Tổ chức Lễ hội đâm trâu, hay còn gọi là Lễ mừng làng mới.

Ông Phan Thanh Bàng, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH, TT & DL tỉnh Kon Tum, cho biết: Lễ mừng làng mới của người Brâu được tổ chức để cầu mong cho dân làng làm ăn phát đạt, mùa sau được nhiều thóc lúa hơn mùa trước, không có dịch bệnh, chiến tranh, dân tộc Brâu phát triển đông đúc hơn. Đây là nét đặc sắc trong tín ngưỡng văn hóa cư trú của người Brâu, được bảo tồn tới ngày nay. Trong buổi lễ lần này, đồng bào Brâu đã tái hiện nguyên vẹn một lễ hội đâm trâu với tất cả phần lễ và phần hội. BTC đã quyết định làm đúng luật tục, không giảm bất cứ một chi tiết nào.

15 giờ ngày 18/4, Lễ hội đâm trâu bắt đầu với lễ dựng cây nêu (tương tự như lễ động thổ) cúng thần và cắt tiết gà. Đây là nghi thức thiêng liêng và quan trọng trong lễ mừng nhà mới. Con trâu dùng làm vật tế thần được đưa đến và cột vào thân cây nêu. Từ lúc bị cột, con vật này đã trở thành con vật thiêng. Buổi tối, bà con đốt lửa, đánh cồng chiêng và nhảy múa suốt đêm để “khóc trâu”, thương con trâu phải hy sinh thân mình, chịu đựng đau đớn về thể xác để làm vật tế cho thần linh...

Người Brâu tổ chức lễ đâm trâu mừng nhà mới tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Người Brâu là một trong 5 tộc người có dân số ít nhất nước ta hiện nay, chỉ còn khoảng trên 300 người, hầu hết đều cư trú tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Cho đến nay, đồng bào Brâu hầu như không bị ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài mà vẫn giữ được tập tục nguyên bản của dân tộc mình. Những tập tục này được các nhà nghiên cứu văn hóa rất tôn trọng.

Sáng 19/4, lễ đâm trâu chính thức được tổ chức. Khoảng 9 giờ sáng, sau khi làm lễ cúng trong nhà, sắm sửa các lễ vật, đánh cồng chiêng báo với các thần nhà, thần bếp, thần cửa... về lễ đâm trâu mừng nhà mới, già làng Thao Lăng, người có uy tín nhất trong làng người Brâu đã dẫn đầu đoàn lễ xuống khu vực tổ chức lễ đâm trâu. Theo sau ông là bà Nàng Pan, bê một chiếc mâm gỗ, bên trên đựng những sản vật của gia đình mang đến đóng góp. Tiếp đó đến người khiêng khung treo chiêng tha, bộ chiêng quý của người Brâu. Và cuối cùng là dàn cồng chiêng và một tốp nữ nhảy múa vòng quanh cây nêu trước khi thực hiện nghi lễ đâm trâu thiêng liêng.

Lễ cúng vào làng mới phải đủ một con trâu, một con heo và một con gà. Những người dân làng Brâu vừa thắp nến, vẩy nước, rắc gạo cầu khấn thần linh phù hộ người Brâu sức khỏe, không phải chịu dịch bệnh, chiến tranh, cầu cho mùa sau tốt hơn mùa trước... Già làng Thao Lăng cầm con dao, vừa khấn thần linh vừa chém tượng trưng vào mình con trâu thiêng. Sau tất cả các nghi thức thiêng liêng này, lễ đâm trâu được tiến hành. Con trâu được đuổi chạy quanh cây nêu, các thanh niên trong làng thay nhau cầm dao và chém vào chân cho đến khi con trâu không chạy được nữa, gục xuống, mọi người cùng nhau đến, lấy đầu trâu treo lên cây nêu để cúng thần linh, còn thân trâu được dân làng chia nhau xẻ thịt.

Ông Thao Lan, người am hiểu về tập tục văn hóa của người Brâu cho biết: Lễ đâm trâu có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Brâu. Trong những dịp cúng vào làng mới, nhà mới, người Brâu thường làm lễ giết trâu để cúng tế thần linh. Cầu xin thần linh cho dân làng sức khỏe, không bị bệnh tật, làm rẫy lúa mạ mọc xanh tốt, mùa sau tốt hơn mùa trước... Những lời khấn thần linh tùy từng hoàn cảnh mà ứng tác chứ không theo một văn bản nào. Sau lễ đâm trâu, người dân trong làng cùng nhau nhảy múa, ca hát ăn uống trong 3 ngày. Đến ngày thứ 4 là ngày “kiêng làng”, trong ngày này nội bất xuất, ngoại bất nhập, các thành viên trong làng không được ra ngoài và ngược lại, người ngoài cũng không được vào làng. Sang ngày thứ 5, mọi sinh hoạt trong làng mới trở lại bình thường.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN