Làm đạo diễn sân khấu đã khó, đạo diễn sân khấu trẻ còn khó hơn bởi nhiều lý do như không được tin tưởng, giao vở nên cơ hội làm nghề gần như không có.
Một cảnh trong vở “Ăn khế trả vàng”. |
Đạo diễn là người đảm trách tất cả các khâu sáng tạo, chuyển tải kịch bản thành vở diễn sân khấu. Họ có quyền chọn diễn viên, chọn họa sỹ, nhạc sỹ... Có lẽ vì thế mà rất nhiều người vẫn nghĩ rằng, làm đạo diễn sẽ có trong tay nhiều quyền lực. Điều này có thể đúng với những đạo diễn phim truyền hình, điện ảnh, hay sân khấu ca nhạc. Còn đối với những đạo diễn sân khấu truyền thống thì dường như ngược lại hoàn toàn.
Đạo diễn Tuấn Hải (Nhà hát Kịch Việt Nam) chia sẻ, ở Việt Nam, nhiều đạo diễn trẻ đã phải chịu nhiều thiệt thòi, bởi họ không có cơ hội được làm nghề. Bản thân anh cũng từng có 10 năm đến cơ quan chỉ “ngồi chơi xơi nước” mà không được giao dàn dựng một vở diễn nào cho nhà hát nơi mình công tác, chỉ có thể đi dàn dựng cho các nhà hát khác, đặc biệt là các nhà hát ở các tỉnh lân cận, làm cho các công ty...
Tâm sự của đạo diễn Tuấn Hải cũng là nỗi niềm chung của nhiều đạo diễn sân khấu trẻ khác. Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội khẳng định, làm đạo diễn mà không có đất dụng võ là một sự bất hạnh, và ông cũng thừa nhận về thực trạng khó khăn của các đạo diễn mới hiện nay. Theo ông Hùng, hiện nay các khóa đào tạo đạo diễn nhiều, nhưng khi học xong đầu ra không có, trừ một vài người làm công tác quản lý, có quyền quyết định dựng vở cho đơn vị thì mới có cơ hội làm nghề.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là số lượng vở diễn được giao cho nhà hát dàn dựng quá ít, nên các lãnh đạo không dám mạo hiểm. Giám đốc một nhà hát chia sẻ: “Một năm, nếu nhiều thì nhà hát được giao khoảng 3 vở, ít có khi chỉ được 1 vở nên phải mời những đạo diễn có tên tuổi về dàn dựng cho yên tâm. Nếu giao cho những đạo diễn trẻ, đạo diễn non kinh nghiệm chẳng may không làm nên cơm cháo gì thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nhà hát...”. Và như thế, lớp đạo diễn trẻ đã bị lấy mất cơ hội của mình.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc muốn làm cũng không được giao việc, mà ngay cả khi có cơ hội dàn dựng, các đạo diễn trẻ cũng gặp khó khăn với việc chọn diễn viên. Do sự yếu thế của sân khấu hiện nay, nhất là với sân khấu truyền thống, mà nhiều diễn viên bây giờ không còn mặn mà với các vai diễn, nhiều người sẵn sàng bỏ vai ngay cả khi đã tập mộc. Đạo diễn Tuấn Hải chua xót thừa nhận, nếu như ở điện ảnh, nhiều diễn viên tranh thủ mọi cơ hội, thậm chí phải lo lót, chạy chọt để có được một vai diễn, thì ở sân khấu, đạo diễn phải đi nài nỉ từng diễn viên nhận vai.
“Quyền lực duy nhất mà đạo diễn sân khấu có hiện nay là quyền lực về nghệ thuật. Để giữ được hồn cốt của nghệ thuật, không làm việc một cách cẩu thả, người đạo diễn sẽ phải quyết định diễn viên phải diễn theo ý đồ sáng tạo nghệ thuật của mình. Phải quyết liệt vì nếu không sẽ hỏng vở”, đạo diễn Tuấn Hải chia sẻ.
GS.NSND Đình Quang cũng cho rằng, sân khấu Việt, nhất là sân khấu miền Bắc đang trong thời kỳ khủng hoảng, nên các đạo diễn sân khấu, nhất là đạo diễn trẻ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. “Nhưng biết làm thế nào, muốn sân khấu phát triển, đi lên khỏi cái đáy này thì các đạo diễn buộc phải nỗ lực hết mình bằng tâm huyết của mình. Giống như khi ta yêu rồi cưới một cô gái về làm vợ, chẳng may cô ấy ốm yếu, chỉ có cách duy nhất là cùng chung tay chữa bệnh, chứ chẳng lẽ lại ly hôn. Các đạo diễn đã trót yêu sân khấu, trót “cưới” sân khấu thì hãy tự nhủ với mình như vậy”, GS.NSND Đình Quang ví von.
Rõ ràng, việc các đạo diễn trẻ có phát huy được tài năng của mình hay không lại phụ thuộc vào việc các đơn vị nghệ thuật có mạnh dạn giao việc cho họ hay không. Thiết nghĩ, ai cũng cần có cơ hội. Vậy thì, hãy tin tưởng hơn vào lớp trẻ!
Bài và ảnh: Phương Hà