Hòa mình vào Lễ hội Háu Đoong của người Giáy ở Lai Châu

Lễ hội Háu Đoong của người Giáy được tổ chức vào 2 ngày 22 và 23/7. Năm nay, lễ hội được tổ chức ở 2 địa điểm tại phường Quyết Thắng và xã San Thàng, thành phố Lai Châu, nơi sinh sống tập trung của người Giáy ở Lai Châu.

Chú thích ảnh
Nghi thức cúng rừng tại lễ hội Háu Đoong của đồng bào dân tộc Giáy ở Lai Châu. 

“Háu Đoong” theo tiếng Giáy là vào rừng cúng thần rừng. Dân tộc nào sống trên vùng đất nào thì thờ cúng thần linh trên vùng đất đó, cầu mong cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, vật nuôi sinh sôi nảy nở, không bị bệnh dịch; người dân khỏe mạnh, mọi nhà kinh tế ngày càng phát triển, gia đình ấm no hạnh phúc.

Lễ cúng rừng diễn ra dưới một gốc cây to cổ thụ lâu năm ở gần mó nước trong rừng tại bản Nậm Lỏong 1, phường Quyết Thắng. Đây là khu rừng chung của các bản, mọi người có trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ đầu nguồn nước, không ai được tự tiện chặt phá rừng. Lễ vật cúng rừng là 1 con lợn và 5 con gà được bày trí chung quanh gốc cây cổ thụ. Giọng cúng thầy mo vang lên, hòa vào không gian của khu rừng mời các thần linh chứng giám; xin thần linh bảo hộ cho dân bản với những điều tốt đẹp. Sau lễ cúng, bữa cơm cộng đồng được tổ chức và thống nhất thời gian cấm bản, mọi người không đi lao động sản xuất từ 2 - 3 ngày.

Chú thích ảnh
Thi giã bánh giầy tại lễ hội Háu Đoong của đồng bào dân tộc Giáy ở Lai Châu. 
Chú thích ảnh
Thi làm bánh giầy tại lễ hội Háu Đoong của đồng bào dân tộc Giáy ở Lai Châu. 

Người Giáy có nhiều lễ hội trong năm như: Tú Ti, Láng Na, Háu Đoong… Lễ cúng thần rừng được tổ chức 2 lần/năm vào ngày mùng 3/3 và ngày 6/6 âm lịch để bày tỏ lòng biết ơn đối với thần rừng.

Đi chơi hội, người Giáy mặc trang phục truyền trống, hòa mình vào không gian của các trò chơi như: đi cà kheo, tó má lẹ, tó tòm, bịt mắt bắt vị; tham gia hội thi cắt bánh phở, giã bánh giầy… Em Vàng Thị Bằng Lăng (sinh năm 2008, ở phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) chia sẻ: “Chúng em được ông bà, cha mẹ truyền lại cho những văn hóa như nghi lễ, trang phục… đặc trưng của dân tộc mình. Chúng em sẽ cố gắng không phụ lòng của những người đi trước, tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội Háu Đoong không chỉ có ý nghĩa về giá trị tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gần gũi, hòa đồng, tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là cuộc sống".

Những năm qua, tỉnh Lai Châu tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát triển, phát huy văn hóa của các đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Giáy nói riêng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn liền với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến 2030.

Chú thích ảnh
Thi cắt bánh phở tại lễ hội Háu Đoong của đồng bào dân tộc Giáy ở Lai Châu. 
Chú thích ảnh
Trẻ em tham gia trò chơi dân gian bịt mắt bắt vịt tại lễ hội Háu Đoong. 

Ông Trần Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố lai Châu cho biết: Qua lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn. Đồng thời, lễ hội là dịp để địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách về con người và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Giáy vùng Tây Bắc.

Chú thích ảnh
Tái hiện hát se duyên của đồng bào dân tộc Giáy tại lễ hội Háu Đoong. 

Người Giáy còn gọi là Pú Giáy hoặc Hún Giáy sinh sống rải rác tại 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu với khoảng 14.000 người. Người Giáy canh tác trên các mảnh ruộng tương đối bằng phẳng để trồng lúa, trồng ngô và làm các loại bánh truyền thống. Tại thành phố Lai Châu, dân tộc Giáy sinh sống chủ yếu tại phường Quyết Thắng và xã San Thàng.

Tin, ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)
Rộn ràng Lễ hội xuống đồng của ngư dân sông nước Bạch Đằng
Rộn ràng Lễ hội xuống đồng của ngư dân sông nước Bạch Đằng

Ngày 23/7, Lễ hội xuống đồng năm 2023 đã diễn ra tại đình Cốc và sông Cửa Đình, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc, xuất phát từ tục làm lễ “Hạ điền” và lễ “Thượng điền” của ngư dân vùng sông nước Bạch Đằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN