Tại buổi họp báo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức về hoạt động của ngành trong 9 tháng năm 2011, vào ngày 7/10, tại Hà Nội, việc bổ nhiệm Lý Nhã Kỳ làm Đại sứ Du lịch Việt Nam trở thành chủ đề "nóng" nhất. Trước một sự việc đã rồi, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế đề nghị: “Hãy để cô Lý Nhã Kỳ làm việc. Nếu sau này, cô Lý Nhã Kỳ không đảm đương được nhiệm vụ hoặc có những hành động không xứng đáng, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. Chúng tôi là đơn vị bổ nhiệm danh hiệu đó thì cũng có thể tước danh hiệu đó”.
Suy nghĩ giản đơn
Về quy trình chọn Đại sứ Du lịch, ông Nguyễn Văn Tình cho biết: “Việc lựa chọn này tiến hành từ cách đây 3 tháng, xuất phát từ việc bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới đang ở giai đoạn nước rút, cần có một gương mặt nổi tiếng làm đại diện. Do yêu cầu cấp thiết, phải nhanh chóng xây dựng tiêu chí phục vụ cho nhiệm vụ này, nên không kịp lấy ý kiến rộng rãi để xét chọn ai".
Liên quan đến danh sách những đề cử được chọn, ông Tình từ chối cung cấp tên người cụ thể và chỉ nêu chung chung có đề xuất 6-7 người nổi tiếng và Lý Nhã Kỳ đáp ứng yêu cầu trong quảng bá, do giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, tiếng Đức. "Trong danh sách đề xuất, có người nổi tiếng nhưng không nói được tiếng Anh, có người nói tiếng Anh rất tốt nhưng bận rộn nên không thể tham gia hoạt động này được. Chúng tôi có mời một ca sĩ nhưng vì bận việc khác nên không tham gia được. Những người làm nhiệm vụ này phải có tâm, có thời gian, có điều kiện, giao tiếp được bằng tiếng Anh. Thậm chí, chúng tôi đã xây dựng ba phương án: Đại sứ du lịch, Đại sứ văn hóa, Đại sứ cho bầu chọn vịnh Hạ Long. Chúng tôi có tham khảo ý kiến Bộ Ngoại giao và được ủng hộ phương án này", ông Tình cho biết.
Tuy nhiên, sự vội vàng và thiếu chuyên nghiệp trong việc lựa chọn Đại sứ Du lịch lần đầu tiên này thể hiện trong việc ông Nguyễn Văn Tình thừa nhận: “Lúc đầu chúng tôi nghĩ đơn giản cần một gương mặt làm đại diện thì chọn người nào đó xứng đáng, rồi báo cáo lãnh đạo Bộ ra quyết định bổ nhiệm. Tuy nhiên, khi báo cáo, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã yêu cầu phải xin ý kiến của các đơn vị hữu quan, Bộ Ngoại giao và yêu cầu cần có quy chế bổ nhiệm. Lúc đó, chúng tôi mới làm quy chế. Do đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, nên chúng tôi có tham khảo ý kiến nước ngoài, trong đó có Đại diện Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam. Từ đó mới hình thành quy chế. Nếu chiếu theo các tiêu chí trong quy chế thì cô Lý Nhã Kỳ cũng chưa đáp ứng hết được nhưng so với các gương mặt khác thì Lý Nhã Ký đáp ứng tốt hơn”.
Quy chế không ghi có bằng đại học
Trước thông tin dư luận về lý lịch và bằng cấp của Lý Nhã Kỳ còn nhiều điểm mâu thuẫn, ông Tình cũng khẳng định: “Về lý lịch, chúng tôi căn cứ vào bản lý lịch tự khai của Lý Nhã Kỳ có dấu xác nhận của UBND phường sở tại. Trong đó có xác nhận ông Trần Ngọc Lý, bố của Lý Nhã Kỳ là liệt sĩ, mẹ quê Thái Bình. Không có xác nhận là lai Việt - Nga. Hồ sơ khai về bố có xác nhận của chính quyền: Từng là bộ đội chiến đấu ở rừng Sác, là thương binh. Năm 2005 mất do vết thương cũ nên được công nhận là liệt sĩ. Bằng Tổ quốc ghi công ký công nhận là liệt sĩ vào năm 2006".
Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 7/10 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giải đáp nhiều vấn đề "nóng". Cụ thể: lVề trường hợp của nhạc sỹ Phạm Tuyên, phiên họp Hội đồng cấp Bộ đã diễn ra với 11/12 thành viên (1 người vắng mặt do đi công tác nước ngoài, hiện chưa về) đã đánh giá, thảo luận công khai, dân chủ và bỏ phiếu kín đánh giá. Kết quả là có 100% thành viên của Hội đồng đã đồng ý trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho cụm tác phẩm của nhạc sỹ. Cụm tác phẩm được xét tặng gồm 5 ca khúc "Những ngôi sao ca đêm", "Từ Làng Sen", "Đêm trên Cha Lo", "Tiến lên đoàn viên", "Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng". lLiên quan đến phát ấn lễ hội đền Trần, ông Tô Văn Động, Chánh văn phòng Bộ VH,TT&DL khẳng định: Bộ dứt khoát không đồng ý phát ấn đêm 14, rạng ngày 15 tháng giêng âm lịch. Ngày đó chỉ khai ấn, còn có phát ấn hay không thì đang giao cho TP Nam Định và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiến hành hội thảo, lấy ý kiến và quy trình này cần thận trọng hơn. |
Còn về bằng cấp, ông Tình khẳng định cô Lý Nhã Kỳ có bằng đại học và bản sao đang lưu tại Trung tâm xúc tiến của Cục Hợp tác quốc tế. Nhưng trong quy chế không ghi có bằng tốt nghiệp đại học nên không nhất thiết phải đem công bố tại cuộc họp báo. Ông Tình cũng cho rằng: Tuy vừa mới được bổ nhiệm vào vị trí Đại sứ Du lịch và chịu nhiều sức ép từ phía dư luận, nhưng Lý Nhã Kỳ đã tham gia vận động việc bầu chọn cho vịnh Hạ Long tại một số trường học; sắp tới cô sẽ tham gia vận động bầu chọn tại Hồng Công, Philíppin và một số trường đại học trong cả nước.
Trước việc Lý Nhã Kỳ bị phản ứng khi được bổ nhiệm là Đại sứ Du lịch, ông Nguyễn Văn Tình cũng thừa nhận, đây là lần đầu tiên thực hiện việc bổ nhiệm chức danh Đại sứ Du lịch phục vụ cấp bách là vận động cho vịnh Hạ Long. Lần sau nếu bổ nhiệm, sẽ thành lập Hội đồng tuyển chọn, công bố rộng rãi và làm công minh việc này.
Xuân Cường