Hội thi có sự tham gia của trên 100 nghệ nhân đến từ 13 huyện, thành, thị trong tỉnh. Ngay sau tiếng trống khai hội, các nghệ nhân đã bắt tay vào phần thi với tinh thần quyết tâm cao trong sự hò reo cổ vũ của đông đảo du khách dự lễ hội.
Đến cuối giờ chiều cùng ngày, Ban tổ chức đã trao giải Nhất ở nội dung gói, nấu bánh chưng cho đội Cẩm Khê và đội của huyện Yên Lập đoạt giải Nhất ở nội dung bánh giầy. Hai đội này sẽ được chọn để làm các vật phẩm dâng cúng Vua Hùng trong ngày 10/3 âm lịch năm sau.
Hoạt động này nhằm tái hiện cuộc thi làm các lễ vật dâng cúng tổ tiên có từ thời Hùng Vương dựng nước, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử và sự sáng tạo trong lao động, thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên, cha mẹ và tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái "lá lành đùm lá rách" của cộng đồng dân tộc; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của di sản văn hóa thời Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
Hội thi không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân thể hiện khả năng, giao lưu học hỏi kinh nghiệm mà còn góp phần gìn giữ bản sắc và tuyên truyền các giá trị văn hóa tiêu biểu của các vùng quê nông nghiệp, nông thôn đến đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Bánh chưng, bánh giầy cũng là sản phẩm đặc trưng, có ý nghĩa của du lịch Phú Thọ để du khách làm quà tặng người thân, gia đình khi hành hương về cội nguồn.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, Hội thi là hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức thường niên phục vụ người dân và du khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương; góp phần tôn vinh những sản phẩm chế biến từ hạt gạo, thể hiện lòng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng và cũng là dịp để các đoàn nghệ nhân và đồng bào các dân tộc trong tỉnh giao lưu, gắn kết cộng đồng…