'Giai điệu tự hào tháng 10: Chín bậc tình yêu'

“Chín bậc tình yêu” – một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ An Thuyên – được chọn làm chủ đề cho câu chuyện âm nhạc của Giai điệu tự hào tháng 10 mà ở đó, có một hình ảnh xuyên suốt sẽ được khắc hoạ bằng những giai điệu đẹp đẽ, ngập tràn yêu thương. Đó là sự chia sẻ, ngưỡng mộ và cả lòng biết ơn của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đối với một nửa thế giới – những người đã để lại biết bao dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử Việt Nam. "Chín bậc tình yêu" là hình ảnh ẩn dụ cho vòng đời của người phụ nữ với mọi niềm vui, nỗi buồn và cả những dấu mốc đáng nhớ trong đời.

Chương trình phát sóng vào 20h10 tối nay, 28/10/2017, trên kênh VTV1. Bảy tiết mục trong chương trình sẽ mang tới cho người xem những cung bậc tình yêu, cuộc sống thật sự không thể nào không lưu luyến.


"Thoi tơ"


Nhà thơ Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi mới 3 tháng tuổi, có lẽ vì vậy mà ông luôn khao khát tình mẫu tử. Và hình ảnh những người mẹ, người vợ, người chị, người em và người yêu luôn hiện diện trong thơ ông một cách đầy nâng niu, trân trọng.

"Thoi tơ" qua giọng ca của NSƯT Mai Hoa.

Thơ Nguyễn Bính, dù ngắn, dù dài thì cũng là một câu chuyện mà ở đó hình ảnh người phụ nữ là linh hồn của câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc, người phụ nữ đau đớn, người phụ nữ gặp phải hoàn cảnh chia ly hay những thăng trầm trong cuộc đời.

Bài thơ “Thoi tơ” là một sáng tác của nhà thơ Nguyễn Bính năm 1940 trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang”, sau được nhạc sĩ Đức Quỳnh phổ nhạc. Cái hồn dân gian của thơ Nguyễn Bính được lồng vào một chất nhạc nhẹ nhàng như hơi thở, bởi vậy mà ở Hà Nội thời bấy giờ, rất nhiều người thuộc ca khúc này.


Nhưng “Thoi tơ” không chỉ có vậy, nhạc sĩ Đức Quỳnh còn thêm vào đó ngôn ngữ âm nhạc phương Tây với âm hưởng của nhạc jazz rất đỗi dịu dàng. Ông cũng dùng nhịp 3/4 quay tròn như mô phỏng động tác tay quay tơ. 


Trong Giai điệu tự hào tháng 10, “Thoi tơ” được thể hiện một cách xuất sắc qua giọng hát của nghệ sĩ ưu tú Mai Hoa. Phần trình diễn của chị nhận được vô số lời khen của PGS.TS.Nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái – thành viên khó tính nhất của Hội đồng bình luận.


"Lời ru trên nương"


Bài hát "Lời ru trên nương" có một số phận khá đặc biệt khi đó là sự gặp gỡ đồng điệu của hai tác giả lớn mà sau này là 2 yếu nhân đứng đầu ngành văn hoá của đất nước: nhạc sĩ Trần Hoàn và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - 2 vị Bộ trưởng Văn hoá kế nhiệm nhau.

"Lời ru trên nương" do ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện.

Nhưng trên tất cả, "Lời ru trên nương" đã mang đến nhiều thi ảnh đã trở thành biểu tượng để nói về sự vĩ đại và tình yêu của người mẹ. Dù đối mặt với sự khốc liệt trong chiến tranh nhưng ở người phụ nữ đó vẫn có sự lãng mạn đầy thi vị. PGS.TS.Nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng đây là một trong những chân dung người mẹ đẹp nhất trong thơ và âm nhạc và đây không chỉ là một người mẹ Pako mà là “người mẹ của 54 dân tộc Việt Nam”. 


Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan – thành viên Hội đồng bình luận: “nhạc sĩ Trần Hoàn cực kỳ tài năng khi biểu hiện ngôn ngữ của phụ nữ cho phụ nữ, biểu hiện ngôn ngữ phụ nữ cho cả một dân tộc qua tiếng “à ơi”, dù rằng phụ nữ dân tộc thiểu số không dùng từ này”.


“Lời ru trên nương” còn thú vị bởi nó mang trong mình cái hồn âm nhạc của các dân tộc ngụ quanh dãy Trường Sơn. Trong Giai điệu tự hào tháng 10, “Lời ru trên nương” được giám đốc âm nhạc Thanh Phương phối theo phong cách nhạc thính phòng nhưng vẫn giữ được âm hưởng của hát ru với sự hòa âm rất hiện đại. 


Ca sĩ Phạm Thu Hà – người thể hiện ca khúc chia sẻ: “Đây là một ca khúc mà ngay khi cất lên đã thấy hơi thở đương đại nhưng không mất đi màu sắc dân gian với sự đảo nhịp phách và tiết tấu đặc biệt.” Chị cho rằng đây là một bản phối chưa từng có với ca khúc kinh điển này.

Nhà báo Minh Đức đặc biệt dành lời khen cho Phạm Thu Hà về kỹ thuật thanh nhạc của chị cũng đưa bài hát lên một tầm cao mới.


"Những cô gái quan họ"


Trong thi ca và nhạc họa, dường như người phụ nữ Việt, một cách tự nhiên đã hoà vào hình hài đất nước, bởi ở bất cứ miền quê nào trên dải đất Việt Nam, cũng có những người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Nhóm 5 dòng kẻ thể hiện ca khúc "Những cô gái quan họ".

Ra đời vào năm 1966 khi đất nước đang sục sôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “Những cô gái quan họ” đã phác nên một vẻ đẹp vô cùng thuần Việt, tinh tế và lãng mạn giữa những ca khúc chủ yếu là hành khúc thời bấy giờ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sử dụng triệt để đảo và nghịch phách trong suốt bài hát để tạo nên sự lung linh, đung đưa để qua sự mòng mành của giai điệu để thể hiện sự cứng rắn, tấm lòng kiên định của những người phụ nữ ba đảm đang. Ca khúc này là dấu mốc quan trọng đưa Phó Đức Phương từ một thầy giáo dạy toán trở thành người nhạc sĩ với những tác phẩm để đời.


Trong Giai điệu tự hào tháng 10, bản phối của nhạc sĩ Thanh Phương sẽ đưa vào đầu bài hát chút âm hưởng của chèo rồi chuyển sang quan họ - một thử nghiệm mà theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan là “chưa từng thấy”.


"Chín bậc tình yêu"


Nguyên gốc của ca khúc là từ một bài văn mang tên “Chiếc cầu thang” của nhà thơ Triệu Doanh – niềm cảm hứng để nhà thơ Trần Văn An sáng tác bài thơ “Chín bậc cầu thang”.


Bài thơ ẩn chứa trong mìnhcả một bề dày văn hoá và những tập tục của người Tày, Thái được thể hiện qua hình ảnh 9 bậc cầu thang của nhà sàn. Bao nhiêu sự kiện quan trọng của đời người đều qua những bậc cầu thang ấy.

Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh với "Chín bậc tình yêu".

Với mong muốn chọn hình ảnh 9 bậc cầu thang giống như vòng đời của người phụ nữ với mọi niềm vui, nỗi buồn và những dấu mốc đáng nhớ trong đời, Giai điệu tự hào tháng 10 chọn ca khúc “Chín bậc tình yêu” làm ca khúc chủ đề của chương trình.


Nhạc sĩ An Thuyên đã phối kết hợp chất liệu âm nhạc dân ca miền núi đặc biệt là âm hưởng của dân gian của dân tộc Tày, Thái cộng thêm những sáng tạo của riêng mình để tạo nên một âm nhạc rất An Thuyên. 


Trong Giai điệu tự hào tháng 10, giám đốc âm nhạc Thanh Phương tạo nên một bản phối mới đầy hiện đại, văn minh và giao ca khúc cho nam ca sĩ Đinh Mạnh Ninh. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan – thành viên Hội đồng nghệ thuật – cho rằng: bản phối đã đem đến một âm hưởng khác, một ý nghĩa âm nhạc khác và mang cho người nghe một cảm xúcvề sự hối thúc, về một tình yêu quyết liệt khác với sự dung dị vốn có, vì thế bản phối mang hơi thở của thời đại mới”.


Tuy nhiên, đạo diễn âm nhạc Bông Mai – con gái nhạc sĩ An Thuyên vẫn “thèm” hơi thở e ấp của núi rừng.


"Chị tôi"


Ca khúc “Chị tôi” – được biết đến nhiều qua bộ phim “Người Hà Nội” với nhân vật trung tâm là một người phụ nữ gắn với sự chuyển mình của xã hội. Khác với những người phụ nữ trong các ca khúc khác, “Chị tôi” khắc họa một hình ảnh người phụ nữ vừa truân chuyên lại vừa đa đoan.

Ca sĩ Phương Anh với "Chị tôi".

Khởi nguồn từ những câu thơ mà nhà thơ Đoàn Thị Tảo gửi tặng chị gái mình, nhạc sĩ Trọng Đài đã thổi vào đó những giai điệu quyến rũ và tạo nên một ca khúc nhạc phim có sức sống của riêng mình.


"Mùa chim én bay"


Âm nhạc giai đoạn thập niên 80 có ý nghĩa quan trọng với sự trở lại của tình ca sau chiến tranh cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Bài hát “Mùa chim én bay” là một bài hát, một câu chuyện về thời hậu chiến nhưng không có bóng dáng của chiến tranh, mà là niềm vui sum họp sau hòa bình cùng một câu chuyện tình rất đẹp và lãng mạn.

Ca sĩ Mỹ Dung với "Mùa chim én bay".

Nhiều năm trước ca khúc này từng được hát thường xuyên trong các đám cưới như một lời chúc hạnh phúc cho cô dâu chú rể.


Trong Giai điệu tự hào tháng 10, “Mùa chim én bay” được phối khí lại mới mẻ và hiện đại với một đảo phách thú vị qua câu hát “Chao xuống dưới đời anh”.


Mashup "Gót hồng – Một thoáng quê hương"


Hoàn thiện bức tranh đẹp về người phụ nữ Việt Nam, Giai điệu tự hào tháng 10 khép lại bằng bản mashup hai ca khúc có chung một hoàn cảnh ra đời: “Gót hồng” và “Một thoáng quê hương”.


“Gót hồng” được viết cho cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong năm 1998 còn “Một thoáng quê hương” được sáng tác riêng cho cuộc thi Hoa hậu áo dài năm 1990. Hai bài hát được viết cho cuộc thi hoa hậu nhưng đã thoát ra khỏi cuộc thi và trở nên nổi tiếng.

Mashup "Gót hồng – Một thoáng quê hương".

Đến với Giai điệu tự hào tháng 10, Lê Hoàng Phong có một bản mix sáng tạo giữa “Gót hồng” và “Một thoáng quê hương”, không chỉ đơn thuần đặt hai ca khúc tương đối giống nhau cạnh nhau mà trong một bản phối cực kỳ hiện đại. Chất giọng của Lê Hoàng Phong cũng mang đến một màu sắc mới chưa từng có cho hai ca khúc này.


PT/ Báo Tin Tức
20h tối nay: 'Giai điệu tự hào tháng 8: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn'
20h tối nay: 'Giai điệu tự hào tháng 8: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn'

Hòa trong không khí hai nước Việt Nam- Lào cùng kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt – Lào; chương trình "Giai điệu tự hào tháng 8- Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn" sẽ là những bài ca được vang lên từ tiếng lòng của những người tri âm dành cho nhau, những bài hát mà ranh giới địa lý hay rào cản ngôn ngữ đã hoàn toàn bị xoá nhoà bởi tinh thần dân tộc tuy hai mà một.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN