Nhắc đến những nghệ sĩ nổi bật của thời kỳ này, không thể không nhắc đến nhà thơ Nguyễn Đình Thi – người chiến sĩ đi qua cả hai cuộc kháng chiến với những bài thơ đã đi cùng một giai đoạn lịch sử của đất nước. Bài thơ "Lá đỏ" của nhà thơ Nguyễn Đình Thi ra đời ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thời điểm quân ta chuẩn bị Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, bởi thế mà những câu thơ diễn tả quang cảnh cuộc hành quân thần tốc, mang bầu không khí sử thi, một dự cảm rõ ràng về ngày chiến thắng.
"Lá đỏ" qua phần trình bày của Ngũ Cung. |
Vì thế, giám đốc âm nhạc Thanh Phương và ban nhạc Ngũ Cung muốn chuyển tải không khí sục sôi đó trong "Giai điệu tự hào" tháng 4 qua một bản phối phong cách rock alternative hào sảng, như tiếng đoàn quân rầm rầm ra chiến trường. Sau khi theo dõi phần biểu diễn của ban nhạc Ngũ Cung, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho rằng ở thời đại này, khi chúng ta nhìn lại quá khứ trong sự reo vui mừng chiến thắng thì những âm thanh rock với những nhạc cụ điện tử mạnh mẽ lại trở nên rất phù hợp.
Cùng viết về đề tài Trường Sơn nhưng nếu như "Lá đỏ" là trải nghiệm hào hùng của một con người đã đi qua hai cuộc chiến thì "Bài ca Trường Sơn" (thơ Gia Dũng, nhạc Trần Chung) lại là cái nhìn đầy tinh khôi mà không kém phần lãng mạn của của chàng thanh niên lần đầu vào bộ đội: "Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/ Ngắt một đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi".
"Bài ca Trường Sơn" qua giọng ca của ca sĩ Vũ Thắng Lợi. |
Ca khúc "Bài ca Trường Sơn" vốn nổi tiếng qua giọng hát thính phòng của NSND Trung Kiên với nhịp hành khúc. Tuy nhiên, trong "Giai điệu tự hào" tháng này, nhạc sĩ Thanh Phương muốn tái hiện lại khung cảnh những chiến sĩ ngồi ôm đàn hát giữa rừng Trường Sơn qua một bản phối mang phong cách acoustic acardeon bởi anh cảm nhận rằng ở thời đó, những người chiến sĩ trong tay chỉ có đàn ghi ta và acordeon. Giọng hát rất sáng mà lãng tử của Vũ Thắng Lợi hòa cùng tiếng đàn mộc tạo nên những xúc cảm đầy dung dị.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một mảng đề tài khác cũng chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong thi ca. Đó là những tình cảm của hậu phương dành cho tiền tuyến hay là nỗi lòng người chiến sĩ hướng về hậu phương. Vì thế có rất nhiều bài thơ được viết bởi chính những nhà thơ là người lính xông pha nơi tiền tuyến, khi nghĩ về hậu phương nói thay lời hậu phương, và có cả những vần thơ, như lời tâm tình từ hậu phương lớn gửi ra tiền tuyến để cổ động tinh thần chiến sĩ.
"Làng quan họ" qua phần trình bày của nhóm Con gái. |
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, sau khi sáng tác xong bài thơ "Làng quan họ", đã trực tiếp gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình cho nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhờ phổ nhạc. Dù nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ra ở Nghệ An – chứ không phải miền đất quan họ, thậm chí, ít người biết rằng phải đến năm 1996 nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo mới lần đầu tiên đến Kinh Bắc; nhưng dựa trên chất liệu dân ca của ca khúc "Bèo dạt mây trôi" và thừa hưởng thêm những xử lý âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã tạo nên một ca khúc hòa quyện nhuần nhuyễn với bài thơ gốc của nhà thơ Nguyễn Phan Hách để làm nên một tác phẩm quan họ kinh điển, chuẩn mực từ lời ca đến nhạc điệu.
"Làng quan họ quê tôi" sẽ được nhóm Con gái thể hiện trong "Giai điệu tự hào" tháng 4 với phong cách world music mới mẻ. Nhạc sĩ Thanh Phương chia sẻ rằng anh thấy “phí nếu bó hẹp nó chỉ trong không gian quan họ” nên muốn đưa chất world music để tạo nên một không gian âm nhạc rộng hơn, hướng tới nhiều đối tượng thính giả hơn, nhưng không làm mất đi chất quan họ của bài hát.
"Giai điệu tự hào tháng 4" đánh dấu sự trở lại của diva Thanh Lam với một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ – phổ thơ Lê Anh Xuân: "Dáng đứng Việt Nam". Đệm nhạc cho nữ ca sĩ là ban nhạc rock Ngũ Cung.
"Dáng đứng Việt Nam" qua phần trình bày của diva Thanh Lam gây nhiều tranh cãi. |
Hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ/bài hát được dựa trên một nguyên mẫu có thật – đồng chí Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1937, quê ở thôn Liên Hưng, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, một huyện vùng núi của Thanh Hóa. Năm 1967, anh cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu. Lúc ấy anh là Đại úy, chính trị viên Tiểu đoàn 16, Phân khu 2, Long An. Trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 1/1968, anh Sáu cùng hơn 400 đồng đội đã hy sinh, hầu hết là còn rất trẻ.
Ca sĩ Thanh Lam chia sẻ rằng khi thể hiện bản hùng ca này, cảm xúc tự hào được là một người con Việt Nam dâng trào trong lòng chị. Tuy nhiên, cách thể hiện rất “phiêu” của chị đặt ra một vài dấu hỏi trong Hội đồng bình luận. Tuy nhiên một số Khán giả thì cho rằng Thanh Lam đã tạo nên một cảm giác mới mẻ, thời đại cho ca khúc sử thi này.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cả nước lại tiếp tục bước vào giai đoạn cam go mới của cuộc kháng chiến. Không chỉ có Trường Sơn bụi nhoà trời lửa, không chỉ có miền Nam kiêu dũng hy sinh, hậu phương lớn miền Bắc giai đoạn 1968-1972 cũng trở thành tâm điểm hứng chịu biết bao bom đạn của địch hòng cắt đứt tuyến đường chi viện cho miền Nam.
"Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" qua giọng ca Trọng Tấn.
|
Tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh) lúc bấy giờ là chiến lũy thép của một mặt cửa ngõ Hà Nội về phía Bắc. Thị xã Đa Mai là địa bàn hoạt động của Trung đoàn Pháo phòng không 216, đã chiến đấu dũng cảm với máy bay địch để bảo vệ cầu Bắc Giang và đoạn đường sắt, quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn. Những trận địa pháo giăng đầy cửa ngõ, chiến đấu suốt ngày đêm. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã chứng kiến ngay trong những thời khắc chiến đấu gian khổ, ác liệt ấy, phía sau trận địa là các chị, các mẹ ở Hội Mẹ chiến sĩ xã Đa Mai đã hy sinh tất cả để giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 216, bám địa bàn, trận địa, chiến đấu kiên cường, dũng cảm tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ bầu trời Hà Bắc và ông đã sáng tác ca khúc "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa".
Về mặt giai điệu, bài hát mang một chút âm hưởng của hát ả đào, hát văn, lại có chút quan họ hòa quyện vào nhau. Nhà báo Thụy Kha kể lại rằng khi nghệ sĩ Quý Dương hát ca khúc này trong chiến trường thì những người lính hát say mê như cảm nhận được hơi ấm của hậu phương gửi ra tiền tuyến.
Bản phối với tiếng ghi ta đặc trưng của nhạc sĩ Thanh Phương trong "Giai điệu tự hào" tháng 4 vừa có sự đương đại, tươi mới mà vẫn giữ được tinh thần của âm nhạc dân tộc. Anh cho biết, ca khúc này, bản thân nó rất dân tộc, có chút chèo, một chút cải lương,... khó tách bạch thể loại nhưng nghe là biết “rất Việt Nam”. Với giọng ca Trọng Tấn, sở trường ở những ca khúc như thế này, anh muốn pha thêm một chút world music kết hợp modern jazz để tạo nên sự mới mẻ, giúp khán giả trẻ dễ dàng đồng cảm hơn với bài hát.
Bài hát "Gửi em chiếc nón bài thơ" (Thơ Sơn Tùng; nhạc Lê Việt Hòa, thể hiện Đăng Thuật) được đặt trong chương trình, ở phần kết nhờ hoàn cảnh ra đời khá kỳ lạ, nó như là một dự cảm về chiến thắng năm 1975 dù đã được sáng tác trước đó 20 năm – khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước mới chỉ vừa bắt đầu. Cảm xúc đến với nhà thơ Sơn Tùng khi ông đang ở Mạc Tư Khoa (thành phố Mátxcơva, Nga) bỗng nhiên gặp một cô gái Nga đội chiếc nón lá Việt Nam. Cảm xúc về quê hương, mong mỏi ngày đất nước liền một dải đã giúp ông sáng tác ra bài thơ này. Vào mùa xuân đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, nhạc sĩ Lê Việt Hòa mới phổ nhạc bài thơ này, “biên tập” từ 43 câu của bài thơ gốc thành 12 câu súc tích, khởi sự cho thời đại mới của nền âm nhạc Việt Nam.
"Gửi em chiếc nón bài thơ". |
Giai điệu tự hào tháng 4/2017 đón chào một gương mặt mới ở vị trí MC: biên tập viên Hoàng Trang. Dù đây là lần đầu Trang chính thức “cầm mic” làm MC cho chương trình nhưng từ nhiều số trước, chị là một trong những thành viên chính của nhóm biên tập.