20h tối nay: 'Giai điệu tự hào tháng 8: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn'

Hòa trong không khí hai nước Việt Nam- Lào cùng kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt – Lào; chương trình "Giai điệu tự hào tháng 8- Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn" sẽ là những bài ca được vang lên từ tiếng lòng của những người tri âm dành cho nhau, những bài hát mà ranh giới địa lý hay rào cản ngôn ngữ đã hoàn toàn bị xoá nhoà bởi tinh thần dân tộc tuy hai mà một.

"Giai điệu tự hào tháng 8".

Chương trình được phát sóng lúc 20 giờ 10 phút ngày 26/8/2017, trên kênh VTV1, đài truyền hình Việt Nam.


"Trường Sơn bao la cao như quyết tâm ta diệt thù

Việt- Lào một lòng như sắt đá.

Quê hương như vẫy gọi từ hai miền vách núi

Việt Lào chung đường tiến tới ấm lửa đoàn kết càng yêu đời...".


Trong chương trình, người xem sẽ được nghe lại những ca khúc "một thời và mãi mãi". Đó là "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn" của nhạc sĩ  Hoàng Hà, do nhóm Belcanto biểu diễn.


Theo lời kể của nhạc sĩ Hoàng Hà, ông viết bài hát này vào năm 1970, khi được Đài Tiếng nói Việt Nam biệt phái sang giúp Đài phát thanh Pathet Lào xây dựng Ban biên tập văn nghệ. Trong dịp này, ông được gặp một số nhạc sĩ quân đội Lào. Hoàn thành nhiệm vụ, ngày chia tay nhau lưu luyến với những người bạn Lào khiến ông ám ảnh mãi về tình hữu nghị anh em mà hình ảnh nổi bật nhất là về người lính Việt và người lính Lào.

Tiết mục "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn".

“Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Và ngay sau khi ra mắt, ca khúc đã trở thành một "tượng đài âm nhạc" nói về tình hữu nghị Việt – Lào, khái quát chặng đường dài trong lịch sử quan hệ hai nước.


Trong "Giai điệu tự hào tháng 8", bài hát này được giám đốc âm nhạc – nhạc sĩ Thanh Phương phối khí theo phong cách synphony rock hiện đại, mang hơi hướng thính phòng cổ điển.


Đây là một trong những bài hát khó về mặt kỹ thuật, có thể nói là khó nhất trong số những bài hát về tình hữu nghị Việt – Lào và ca khúc này được nhạc sĩ Thanh Phương gửi gắm cho nhóm Belcanto – một nhóm nhạc được đánh giá là có giọng hát đầy kỹ thuật.


Trước đây, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” đã được nhiều nghệ sĩ gạo cội trình bày nhưng tất cả đều là những bản đơn ca, nên khó thể hiện được bề dày của tổng phổ - theo đánh giá của nhà báo, nhạc sĩ Thụy Kha.


Một ca khúc nữa về tình hữu nghị Việt - Lào là ca khúc "Tình Việt - Lào" của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, do Đông Hùng, Thanh Thảo X-Factor biểu diễn.


Trong chiến tranh, đất nước Lào được ví như một con voi trắng, khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là đầu voi, ai cưỡi được trên đầu voi, thì người đó làm chủ nước Lào. Đó là lý do khiến cho những trận giao tranh và chiến thắng của liên minh Việt Lào ở cánh đồng Chum trở thành biểu tượng của tinh thần kề vai sát cánh, sinh tử có nhau của những người lính hai nước…như bài hát của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, bất kỳ chiến trường nào cũng có thể là một cánh đồng Chum trong lòng những người lính tình nguyện Việt Nam bảo vệ đất nước Lào.

Tiết mục "Tình Việt- Lào".

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới chia sẻ: Ông có rất nhiều người bạn nhạc sĩ Lào và mỗi khi sang đất nước Lào, ông thấy như được về quê hương mình, cảm thấy thân quen, thân thuộc. Trở về Việt Nam, ông muốn gửi gắm tình cảm của những con người ở Đông và Tây Trường Sơn, trao gửi cho nhau những giá trị văn hóa của dân tộc.


Đại tá Lê Xuân Trọng - thành viên Hội đồng bình luận - xúc động kể về những ngày chiến đấu ở Đường 9 - Nam Lào: “Tôi là một xạ thủ B41, đánh nhau ở đường 9– Nam Lào đến mức suýt bị đốt mất xác. May mắn được đồng bào, đồng chí Lào khiêng cáng, được cho cơm gạo nước uống, gùi cho từng quả đạn cối để giữ được trọn chốt 660. Tình cảm Việt Nam và Lào được xây dựng bằng xương máu của đồng báo đồng chí của cả 2 dân tộc”.


Câu chuyện tình yêu giữa một cô gái Lào và chàng trai Việt trong ca khúc “Tình Việt -Lào” đã trở thành bản tình ca của hai dân tộc. Nhạc sĩ Thanh Phương muốn mang sự lãng mạn của nhạc pop kết hợp với âm hưởng dân gian của 2 nước để mang đến một bản phối mới cho "Giai điệu tự hào tháng 8". Những giai điệu dân gian đan xen cả tiếng quan họ lại được nhấn nhá tiếng sáo mèo tạo nên một không gian đậm tình biên giới.


Đặc biệt, giọng ca Thanh Thảo được biến hóa với những nốt luyến mềm mại, đậm phong cách Lào. Trong số những giọng ca nữ hiện nay, Thanh Thảo được nhạc sĩ Thanh Phương đánh giá rất cao, anh cho rằng cô là trong số những giọng ca trẻ hát nhạc cổ điển, opera tốt nhất hiện nay nhưng lại không quá hàn lâm nên phù hợp với nhiều thể loại. Mở đầu bài hát, Thanh Thảo sẽ có phần trình diễn vocal khá ấn tượng.


Ca khúc "Bình minh trên đất nước Lào" của nhạc sĩ Vũ Thanh, do ca sĩ  Lê Anh Dũng và Tốp ca Đoàn VHNT Quân đội quốc gia Lào biểu diễn.


Với ca khúc này,  êkip thực hiện chương trình và ca sĩ Lê Anh Dũng đã có cơ hội được đến với rất nhiều địa danh nổi tiếng ở Viêng Chăn như That Luổng,chùa Sisakhet hay cổng Patuxay, cùng với các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật quân đội quốc gia Lào mang một chút thanh bình, tươi đẹp của Viêng Chăn gửi về Hà Nội qua ca khúc “Bình minh trên đất nước Lào”.

Tiết mục "Bình minh trên đất nước Lào".

Theo nhạc sĩ Thanh Phương, đây vốn là một bài hát phong cách cổ vũ, cổ động nên trong chương trình tháng này, anh muốn mang đến một bản phối mới nhẹ nhàng, trẻ trung và mềm mại hơn theo phong cách World music, với một chút nhạc Việt kết hợp nhạc Lào, và thậm chí là beat rất phương Tây.


Trong chương trình, với vai trò là thành viên Hội đồng bình luận, nhạc sĩ Duangminxay nổi tiếng của Lào, người đã từng học tập tại Việt Nam chia sẻ rằng nốt nhạc đầu tiên ông viết ra là trên đất nước Việt Nam. Việt Nam là Tổ quốc thứ 2 của ông, luôn dành sự kính trọng đặc biệt cho Bác Hồ và đã sáng tác 7 tác phẩm viết về Bác Hồ, và phổ nhạc cho 4 bài thơ của Bác Hồ. Người vợ của ông cũng là người ông đã gặp trong quá trình học tập tại Việt Nam, và họ có mối thâm tình đặc biệt với những thầy cô giáo người Việt Nam.


Trên sân khấu của "Giai điệu tự hào tháng 8" sẽ có một cuộc hội ngộ đặc biệt của những người bạn, những người thầy trò năm nào, giờ đã là đồng nghiệp, mang trong mình mong muốn dựng một bản giao hưởng về Bác Hồ.


Bản mash up "Hoa Chăm pa- Lăm tơi" do NSND Trần Hiếu và Thanh Thảo X-Factor bỉểu diễn, cũng sẽ là một điểm nhấn của chương trình. Đây có lẽ là bản mash up đặc biệt nhất trong "Giai điệu tự hào" từ trước đến nay, bởi đó không chỉ là ghép 2 bài riêng lẻ thông thường mà đan xen từng câu hát, từng nét nhạc vào nhau để tạo nên một ca khúc hoàn chỉnh về tổng thể.


Bản mashup này là sự kết hợp có một không hai giữa NSND Trần Hiếu và ca sĩ trẻ Thanh Thảo. Theo NSND Trần Hiếu, bản gốc ca khúc “Lăm tơi” ở bên Lào thường là giọng nữ đảm nhiệm nhưng với bản phối mới, nhạc sĩ Thanh Phương mạnh dạn mang đến một thử nghiệm lạ lẫm, thứ nhất là để giọng ca gạo cội này thể hiện bằng tiếng Lào; thứ hai là tạo nên sự hòa quyện giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc của Lào.

Bản mash up "Hoa Chăm pa- Lăm tơi".

Hai ca khúc Việt – Lào hòa quyện vào nhau mang đến cho người xem những cảm nhận đầy mới mẻ, đó là góc nhìn của thế hệ đi trước kết hợp với những rung động hiện đại của một giọng cả trẻ.


Đáng chú ý trong bản phối lần này là sự sự xuất hiện của dàn bè acapella hiện đại trên giai điệu dân gian của Lào, tạo nên một sự tương phản khá ấn tượng.


Nữ đạo diễn Nguyễn An Ninh – thành viên Hội đồng bình luận cho biết: “Bài hát này thổi vào tâm hồn tôi tiết tấu của tuổi trẻ nơi chúng tôi ở chiến trường. Khi nhạc nổi lên, tôi thấy những bước chân vội hành quân trong mưa, trong gió của chúng tôi và những chiến sĩ Lào. Và khi lời ca cất lên, tôi thấy khuôn mặt các mẹ người Lào, các em gái Lào, của các em bé người Lào đuổi theo chúng tôi mang cho chúng tôi quả dưa, bắp ngô...".


Một tiết mục của âm nhạc Lào cũng sẽ xuất hiện trong chương trình, đó là ca khúc "Sải chay Lào – Việt" (Tấm lòng Lào – Việt) do nhạc sĩ  Houmphanh Rattanavong sáng tác, Tốp ca sinh viên Trường hữu nghị T78 biểu diễn.


Ví như hai con mắt, hai chân tay trong một con người.

Lào – Việt Nam là bạn thân thiết cùng cầm súng ở bên nhau.

Bạn ở bên ấy, tôi ở bên này, hai bên của dãy Trường Sơn

Cùng chống kẻ thù chung.

Tiết mục "Sải chay Lào- Việt".

Bản phối mới của nhạc sĩ Thanh Phương trong "Giai điệu tự hào" là một ca khúc “Tấm lòng Lào – Việt” mang phong cách pop raegae âm hưởng vùng Hawaii (Mỹ) trẻ trung hiện đại. Điểm nhấn của bài hát sẽ là giai điệu của bài dân ca Thái “Inh lả ơi” qua sự thể hiện của những người bạn Lào.


Và cuối cùng, "Bài ca hữu nghị Việt – Lào" của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, do ca sĩ Vũ Thắng Lợi biểu diễn.


Năm 1967, nhạc sỹ Lương Ngọc Trác đã đưa một Đội văn công sang chiến trường Lào phục vụ bộ đội công binh Lào - Việt làm đường từ Bản Ban đi Cánh Đồng Chum. Giữa chừng, máy bay địch bắn phá ác liệt. Hai quả bom rơi trúng cửa hang nhưng do hang sâu nên mọi người đều an toàn.

Tiết mục "Bài ca hữu nghị Việt- Lào".

Khi anh em văn công về Nhà khách thì khu vực đã trúng bom, đồ đạc quân trang tan nát hết. Trong tư trang của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác có một quyển vở chép nhạc, trong đó có ghi một sáng tác mới về Lào của ông mang tên “Tình hữu nghị Việt Lào”, có cả phần dịch tiếng Lào của một cán bộ thích giai điệu này. Quyển vở đã bị thủng lỗ chỗ vì mảnh bom và trong đó có cả trang ghi bài hát chan chứa tình hữu nghị này.


Vũ Thắng Lợi, một giọng hát kỹ thuật tốt, tròn trịa, giàu cảm xúc sẽ mang đến một “Bài ca hữu nghị Việt – Lào” thắm đượm nghĩa tình anh em hai nước, trọn vẹn cho một đêm "Giai điệu tự hào".


PT/ Báo Tin Tức
Tối nay phát sóng 'Giai điệu tự hào tháng 5': Thuở trường chinh
Tối nay phát sóng 'Giai điệu tự hào tháng 5': Thuở trường chinh

Với tên gọi "Thuở trường chinh", chương trình "Giai điệu tự hào tháng 5" sẽ lên sóng VTV1 lúc 21 giờ 40 tối nay, 27/5/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN