Độc đáo Ngày hội Văn hóa các dân tộc 'Thành phố Hoa Đào'

Tối 11/10, UBND thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc năm 2024.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Hoàng Minh Thảo phát biểu khai mạc Ngày hội. 

Đây là Ngày hội độc đáo của đồng bào các dân tộc xứ Lạng nói chung với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương...

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Hoàng Minh Thảo cho biết, Ngày hội Văn hóa các dân tộc nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội; quảng bá, giới thiệu tới nhân dân và du khách những nét đặc sắc của văn hóa xứ Lạng qua các giá trị văn hóa phi vật thể. Các hoạt động của Ngày hội góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chú thích ảnh
Tiết mục văn nghệ độc đáo tại Ngày hội. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, thành phố Lạng Sơn được xem là nơi hội tụ, kết tinh nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao, Sán Chay, Mông cùng chung sống. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bằng ý chí độc lập tự cường, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã đoàn kết, gắn bó keo sơn, không ngừng sáng tạo bồi đắp, hun đúc những giá trị tinh hoa văn hóa tốt đẹp, góp phần hình thành nên một xứ Lạng ngày nay với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú, mang đậm nét đặc trưng gắn với nền văn hóa Mai Pha phát triển rực rỡ...

Chú thích ảnh
Tiết mục văn nghệ độc đáo tại Ngày hội. 

Xứ Lạng được xem là một trong những tiểu vùng văn hóa tiêu biểu của vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung, với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Tứ trấn thành; Khu di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc, dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược. Bên cạnh đó, xứ Lạng còn có các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, lễ hội chùa Tam Thanh - Tam Giáo và những làn điệu then, sli, tập quán, lối sống, văn hóa ẩm thực độc đáo... tạo nên bức tranh tổng thể, đa dạng, đặc sắc về văn hóa của thành phố Lạng Sơn - "thành phố Hoa Đào"...

Chú thích ảnh
Các gian hàng OCOP đặc sản trong và ngoài tỉnh giới thiệu tại Ngày hội. 

Đến với Ngày hội Văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn, trong 2 ngày 11 - 12/10, nhân dân, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, nét đẹp trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc xứ Lạng qua chuỗi các sự kiện: Liên hoan hát then đàn tính, dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc thanh thiếu nhi; khám phá ẩm thực xứ Lạng; trải nghiệm Festival phở vịt; trải nghiệm không gian văn hóa dân gian; tham quan, mua sắm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc sản trong và ngoài tỉnh.

Tin, ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên vùng đất Chín Rồng
Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên vùng đất Chín Rồng

Đồng bằng sông Cửu Long có trên 40  dân tộc cùng sinh sống. Các địa phương trong vùng luôn quan tâm, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc, trong đó có các dân tộc thiểu số, góp phần tạo sự phát triển toàn diện, bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN