Để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ như lời căn dặn của Bác

Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, diện mạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) đã thay đổi nhanh chóng. Không gian, cảnh quan đẹp cùng nhiều hoạt động phong phú đã mang lại sức sống mới cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Chú thích ảnh
Khu vực ngã 5 Đền Giếng mới được đầu tư cải tạo khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Thu hút nguồn lực lớn từ xã hội hóa

Khu vực ngã năm Đền Giếng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng vừa được cải tạo, với số tiền gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Kinh phí do Công ty Cổ phần Asia Slipform công đức, đầu tư xây dựng đã tạo diện mạo mới cho Khu Di tích.

Công trình có thiết kế hiện đại, hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc khác trong Khu Di tích. Điểm nhấn của khu vực là hệ thống tranh tường trải dài lấy cảm hứng từ những danh thắng của đất nước tạo nên một Việt Nam thu nhỏ. Nơi nghỉ chân, khu vệ sinh cho du khách cũng được thiết kế hiện đại. Các ki-ốt bán hàng được đầu tư xây mới, với gần 50 gian hàng được thiết kế mang đậm màu sắc dân gian, bày bán các mặt hàng đặc sản của đất Tổ sẽ là điểm níu chân du khách thập phương.

Theo Ban Quản lý Khu Di tích lịch Đền Hùng, cùng với điểm nhấn tại ngã năm Đền Giếng, từ nguồn vốn xã hội hóa, nhiều công trình đã được xây dựng, góp phần làm cho diện mạo khu di tích ngày càng uy linh, sạch đẹp như: Công trình tu bổ, tôn tạo chùa Thiên Quang và khu vực Đền Hạ do thành phố Hà Nội và Tập đoàn Him Lam công đức; công trình Cổng vào Khu trung tâm Lễ hội Đền Hùng từ nguồn ủng hộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam; cải tạo hệ thống đường, bậc lên xuống các đền tại núi Nghĩa Lĩnh bằng việc thay thế toàn bộ đá xây, đá lát, đá bó vỉa từ đá Hải Lựu bằng đá granite Bình Định màu ghi do các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp.

Ngoài ra, từ nguồn vốn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhiều công trình, kiến trúc cổ kịp thời được tu bổ, tôn tạo và xây dựng mở rộng gồm: Toàn bộ công trình kiến trúc cổ trên núi Hùng như Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Trung, Đền Hạ, chùa Thiên Quang, gác chuông, bảo tháp, cột đá thề, Đền Giếng được tu bổ đồng bộ, khang trang bằng vật liệu bền vững nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ kính. Các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối được khôi phục bổ sung...

Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu Di tích lịch Đền Hùng cho biết, các dự án, công trình được đầu tư tôn tạo từ nguồn vốn xã hội hóa đã phát huy hiệu quả, tạo lập không gian tưởng niệm, tôn vinh các Vua Hùng và bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương. Qua đó, góp phần hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Có thể nói, các công trình tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích đã từng bước góp phần “để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan” như lời Bác căn dặn.

Đông đảo người dân tham gia tổ chức Lễ hội

Ông Nguyễn Văn Vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: Là trung tâm của lễ hội, thành phố Việt Trì được giao nhiệm vụ tham gia tổ chức nhiều hoạt động lớn như lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô và Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì. Việc tổ chức các hoạt động này tốn nhiều kinh phí và nhân lực. Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa cùng với sự huy động tham gia của cộng đồng, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã giúp giảm thiểu áp lực cho Ban Tổ chức, tiết kiệm kinh phí cho thành phố. Qua đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời nâng cao trách nhiệm, ý thức của mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, góp phần xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc…

Ông Trịnh Hùng Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cho biết, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 đã thu hút nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ. Đặc biệt, khác với mọi năm, Hội Sách đất Tổ năm nay sẽ được thực hiện với hình thức xã hội hóa 100%. Hội Sách do Công ty Cổ phần Sách Alpha đồng hành, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ tổ chức tại khu vực ngã năm Đền Giếng - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Công ty hỗ trợ toàn bộ kinh phí tổ chức hội sách. Các đơn vị tham gia gian hàng tại Hội Sách đất Tổ năm 2019 là đối tác của Công ty Cổ phần Sách Alpha, các nhà xuất bản, công ty sách, phát hành trong cả nước.

Chú thích ảnh
Trưng bày, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: CTV

Hội chợ Hùng Vương năm 2019 thu hút đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia trên tinh thần tự trang trải 100% chi phí vận chuyển hàng hóa, trang trí khánh tiết, ăn ở, đi lại. Các doanh nghiệp được hỗ trợ 50% tiền thuê gian hàng, tối đa không quá 3 gian/đơn vị từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019. Hội chợ năm nay thu hút trên 200 gian hàng thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia trưng bày, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản phẩm hàng hóa tiêu biểu.

Hội trại Văn hóa năm 2019 có nhiều nét mới và được mở rộng quy mô. Ngoài trại của 13 huyện, thành, thị, tỉnh Phú Thọ còn huy động sự tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước. Toàn bộ kinh phí tổ chức hội trại đều do các địa phương, doanh nghiệp kêu gọi thực hiện…

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia của ba  địa phương là: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La theo Đề án Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lễ hội sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 12 - 14/4 (tức từ ngày 8 - 10/3 âm lịch). Tuy nhiên, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, diễn xướng, triển lãm... sẽ được tổ chức từ ngày từ ngày 5/4 (tức ngày 1/3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ là tổ chức phần lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; các hoạt động phần hội vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm và thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Các hoạt động chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, nguồn tự chủ của các đơn vị tham gia thực hiện. Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức để rút kinh nghiệm cho việc tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2020 với quy mô cấp quốc gia do Trung ương tổ chức.

Lâm Đào An (TTXVN)
Phân luồng giao thông phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019
Phân luồng giao thông phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019

Ngành Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông nhằm mục tiêu an toàn, thông suốt trong những ngày diễn ra Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 từ ngày 12/4/2019 đến 14/4/2019 (tức ngày 8 đến 10/3 âm lịch).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN