Đạo diễn Lê Quý Dương mang ‘Mơ Rồng' tới Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019

Tác phẩm sân khấu thử nghiệm “Mơ rồng” sẽ được tác giả Kịch bản - Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương và ê kíp thực hiện mang đi tham dự LH Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019, do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ 4-13/10/2019.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, trên phương diện nội dung, “Mơ Rồng” kể lại giấc mơ của một nghệ sỹ tạo hình các nhân vật rối trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài, mệt quá đã ngủ thiếp đi giữa những nhân vật rối đang dần hoàn thiện của mình.

Chú thích ảnh

Đó là câu chuyện của Tễu và Rồng Bay trên hành trình vòng quanh trái đất với những đồng cảm, chia sẻ và tìm cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của nhân loại hôm nay: Biến đổi khí hậu; Bắt cóc trẻ em; Rác thải công nghệ; Bệnh tật đói nghèo; Xung đột quyền lực; Tranh chấp đại dương.

Trên hành trình đầy thử thách, Tễu và Rồng Bay đã gặp và cứu sống được Rồng Đất đến từ châu Á bị chôn vùi và đang hấp hối sau trận động đất kinh hoàng, rồi cả ba cùng chống trả lạibầy quạ dữ để bảo toàn tính mạng cho nhau. Họ trở thành những người bạn đồng hành trên chặng đường từ châu lục này đến châu lục khác.

Họ gặp gia đình Rồng Vàng ở châu Âu và giúp vợ chồng Rồng Vàng cứu thoát được đứa con bé bỏng mới sinh và đàn cá hiền lành vui nhộn khỏi nanh vuốt của Diều Hâu và Chó Sói. Họ tới châu Phi và cùng với Rồng Lửa trên lục địa này cảm hóa được sư tử hung dữ và giúp đỡ những con người đang phải sống trong bệnh tật và đói nghèo được hồi sinh.

Họ tới châu Mỹ và phát hiện được âm mưu kích động xung đột và chiến tranh giữa Cá Sấu và Khủng Long Rồng Gió. Sau trận chiến kinh hoàng, họ đã cứu chữa những vết thương cho Khủng Long và Cá Sấu, đồng thời cảm hóa được Rồng Gió trở về với điều thiện.

Chú thích ảnh

Họ tới Châu Đại Dương và cùng với Rồng Nước của châu lục này chiến đấu với đàn cá mập táo tợn để bảo vệ tính mạng và vùng biển của Cá Ngựa và Rồng Hoa. Vở diễn kết thúc với Lễ hội Hòa Bình nơi Tễu và Rồng Bay mời bè bạn từ khắp bốn biển, năm châu về quanh Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Hà Nội - Thành phố Hòa Bình.  

Về phương diện hình thức thể hiện, “Mơ Rồng” là một cuộc thử nghiệm sân khấu thú vị, nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng diễn tả, của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, một di sản sân khấu quý báu đã hình thành và được gìn giữ suốt hơn mười thế kỷ tại Việt Nam.

Bể nước nơi xuất hiện các tích trò rối nước cổ và buồng trò nơi giấu các diễn viên điều khiển các nhân vật rối, cũng như nhà Thủy Đình và toàn bộ không gian của nhà hát đã được chủ động khai thác đa dạng, năng động và mới lạ.

Vở diễn cũng đồng thời là một cuộc thử nghiệm đầy mạo hiểm kết hợp giữa kỹ thuật biểu diễn của diễn viên rối nước, những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống, trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại, khi hóa thân thành thể xác, lúc nhập tâm thành linh hồn của các nhân vật rối tưởng vô tri vô giác nhưng thực chất có một đời sống nội tâm và hình thể vô cùng phong phú.

“Mơ Rồng” đồng thời cũng là cuộc thử nghiệm kết hợp táo bạo dòng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sỹ nổi tiếng người Australia, Darin Verhagen, với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam, dùng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu, tạo dựng không gian và khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que.

Với một nội dung và hình thức thể hiện đều rất hoành tráng và có đầu tư như vậy, vở diễn “Mơ Rồng” lại được sự tiếp sức của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long. Bằng tài năng và sự tâm huyết của mình,  các nghệ sỹ diễn viên Nhà hát đã vào cuộc nghiêm túc, cùng Tổng đạo diễn và ê kíp tạo nên nên vở diễn “Mơ Rồng” bằng trọn vẹn tình yêu và tấm lòng nâng niu, trân trọng nghệ thuật múa rối nước truyền thống quý báu của cha ông lưu truyền lại.

Chú thích ảnh

NSƯT Lê Thu Huyền chia sẻ: “Đã làm việc tại nhà hát 20 năm. Mơ Rồng là vở diễn đầu tiên mình tham gia với cảm xúc rất đặc biệt đó là phải lồng ghép ngôn ngữ hình thể với biểu diễn rối trong một nền âm nhạc hiện đại để nói về thông điệp Việt Nam là đất nước của hòa bình, ưa chuộng hòa bình. Với việc đảm nhiệm vai diễn mang hình tượng con rồng đất rất nặng (hơn 10kg) với dày đặc các cảnh cả trên cạn và dưới nước mình cũng gặp rất nhiều khó khăn: đó là sức nặng của đạo cụ, lần đầu tiên biểu diễn dưới nước mà không có bảo hộ. Tuy nhiên Thu Huyền rất hài lòng với vai diễn vì đã được thỏa sức sáng tạo thể hiện ngôn ngữ hình thể, hòa hợp các động tác biểu diễn rối với âm thanh, ánh sáng và tiếng động để hoàn thành vai diễn với những cảm xúc thăng hoa nhất”.

Còn NSƯT Quốc Khanh cho biết: “Cách dàn dựng mới mẻ của Mơ Rồng, đặc biệt là phương pháp làm việc rất mới của Đạo diễn Lê Quý Dương đã tạo nguồn cảm hứng rất lớn cho chúng tôi hóa thân vào vai diễn. Trước mỗi buổi tập, đạo diễn đều cho diễn viên luyện các bài tập: cách điều khiển khớp cổ tay, chân, lấy hơi… nhằm để đưa vào các động tác hình thể được mềm mại, uyển chuyển… Với mỗi vở diễn loại hình sân khấu thử nghiệm, đạo diễn tìm hướng đi riêng, Mơ Rồng có hướng đi riêng đặc biệt, đó là mọi người hoàn toàn được tự do sáng tạo để thể hiện tốt nhất vai diễn của mình”.

Ông Tobias Biancone - Nhà thơ, Tổng Giám đốc Viện Sân khấu Quốc tế, Chủ tịch Mạng lưới ITI/UNESCO về Giáo dục Đại học về Nghệ thuật sân khấu: “Thật ngạc nhiên thán phục khi tôi biết đến tác phẩm mới nhất do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng, mang tựa đề "Mơ Rồng". Với việc sử dụng múa rối nước truyền thống của Việt Nam, loại hình nghệ thuật đã có từ hơn mười thế kỷ, chương trình mang lại ý nghĩa và sức mạnh cho cội nguồn văn hóa và kết hợp với một câu chuyện hấp dẫn, trong đó các nhân vật chính là chú Tễu và Rồng Bay tham gia trong một chuyến du ngoạn khắp hành tinh. Trong hành trình phiêu lưu, đầy hồi hộp và bất ngờ này, hai người đã gặp những con rồng khác như: Rồng Đất (Rồng đất châu Á), Rồng Vàng (Rồng vàng châu Âu), Rồng Lửa (Rồng lửa châu Phi), Rồng Gió (Rồng Mỹ), Rồng Nước và Rồng Hoa (Rồng hoa), cả hai loài rồng này đều đến từ Châu Đại Dương. Tễu và Rồng Bay giúp họ bằng những hành động anh hùng. Khi theo dõi câu chuyện này, do những nghệ sĩ múa rối điêu luyện thể hiện trên mặt nước, công chúng có thể trải nghiệm việc chúng sinh chia sẻ sức mạnh của mối quan hệ thân cận, giúp tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà mọi người thượng trải qua và gặp phải, về động vật và thực vật trên Trái đất: về nghèo đói, xung đột, xung đột giữa các quốc gia, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và hệ quả của nó: về biến đổi khí hậu, sự đau khổ của trẻ em và con người trên phương diện và toàn cầu”.
P.V
Việt Nam giành 17 Huy chương Vàng tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm
Việt Nam giành 17 Huy chương Vàng tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III - năm 2016 chính thức khép lại với Lễ bế mạc và trao giải chiều 19/11, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN