Đây là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Bình Phước được công nhận và là một trong 24 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 6, năm 2017.
Đàn đá Lộc Hòa do ông Bùi Hữu Triều ở ấp 8, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh , tỉnh Bình Phước phát hiện vào năm 1996, trong khi canh tác ở vườn nhà. Ông Triều đã phát hiện 12 thanh đàn đá nằm xếp gần nhau theo kích thước từ lớn đến nhỏ. Ông đã báo cơ quan chức năng để có phương án xử lý. Sau đó ông Bùi Hữu Triều tiếp tục phát hiện 14 thanh đá nữa. Sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chức năng của xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Sông Bé (cũ) và các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu về những hiện vật mới được phát hiện.
Từ khi được phát hiện cho đến nay, đàn đá Lộc Hòa đã được nhiều cơ quan, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, thẩm âm nhằm xác định giá trị lịch sử văn hóa của loại hình nhạc cụ cổ xưa này. Đến nay, những giá trị tiêu biểu, đặc trưng của đàn đá Lộc Hòa đã được khẳng định. Với kỹ thuật chế tác tinh xảo, có niên đại trên 3.000 năm, đàn đá Lộc Hòa là minh chứng tiêu biểu cho sự hiện diện của người cổ xưa trên mảnh đất Bình Phước, chứng minh bề dày truyền thống của những cư dân đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất này.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung cho biết: Đàn đá Lộc Hòa được công nhận là bảo vật quốc gia, là minh chứng cho những nét văn hóa đặc sắc của người Việt cổ ở Bình Phước.
Ông Phạm Hữu Hiến, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước cho biết: Bảo tàng tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức trưng bày đàn đá Lộc Hòa để đông đảo nhân dân đến tham quan... Ngoài ra, trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bình Phước sẽ nhanh chóng xây dựng các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối, phát huy giá trị của bảo vật đàn đá...