Chiều 9/10, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết, chị đã hoàn thành Đài phun nước bông sen vàng gắn gốm tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (trên phố Mai Xuân Thưởng, đầu đường Thanh Niên, cạnh Hồ Tây) – công trình kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2014).
Đài phun nước bông sen vàng gắn gốm tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng. |
Giữa không gian xanh mướt của cây cối, đài phun nước hiện lên bừng sáng, hàng triệu tia nước và những viên gốm nhỏ lấp lánh dưới nắng thu vàng. Đài phun nước cao gần 5m, gồm 3 tầng, mỗi tầng 6 cánh sen được tạo hình mềm mại, thanh thoát từ hàng triệu viên gốm nhỏ 2cm x2cm. Cấu trúc gồm một cột trụ chính vươn lên và xòe nở nâng đỡ bông sen 18 cánh gần giống với kiến trúc của chùa Một Cột, khiến ai đến thăm công trình cũng đều cảm nhận được vẻ đẹp lãng mạn bay bổng đậm chất Hà thành.
Vào buổi tối, với kỹ thuật chiếu sáng bằng đèn đổi màu, bông sen gốm khổng lồ chuyển dần theo các màu: hồng cánh sen, hồng cam, xanh ngọc, tím biếc… ấn tượng và đẹp mắt. Người dân Thủ đô qua đây đều bất ngờ vì được chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật công cộng mới của Thủ đô vào dịp lễ kỷ niệm ý nghĩa này.
Đổ bê tông để xây đài phun nước. |
Cùng với công trình đài phun nước, xung quanh đài phun nước, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã đặt thêm 4 chiếc ghế gắn gốm hình vòng cung với hoa văn trang trí là hình đồ họa cầu Long Biên và phố cổ Hà Nội ở lưng ghế. Theo nữ họa sỹ, khi tựa lưng vào ghế, mỗi người sẽ cảm nhận được mình đang được bao bọc bởi những gì thân thương nhất của Thủ đô.
Gắn gốm cho đài phun nước. |
Là “Công dân ưu tú” của Thủ đô (năm đầu tiên), với tình yêu Hà Nội sâu sắc, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy- tác giả công trình "Con đường gốm sứ" ven sông Hồng, Cờ Tổ quốc và 6 bức tranh gốm ở Trường Sa - luôn đau đáu với những ý tưởng nối tiếp ý tưởng và mong muốn được chinh phục, làm đẹp các không gian lớn ngoài trời, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.
Ý tưởng Đài phun nước bông sen vàng gắn gốm được hình thành ngay từ giữa năm 2013 cùng với 2 công trình nghệ thuật công cộng chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô khác là: Điêu khắc gốm "Trái tim tình yêu Hà Nội" bên hồ Trúc Bạch và "Vĩnh cửu hóa hình ảnh Hà Nội cổ trên đường đê Trần Quang Khải" đối diện Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Nữ họa sỹ rất vui mừng vì cả ba ý tưởng đều được lãnh đạo UBND TP Hà Nội ủng hộ và đồng ý cho triển khai thực hiện và đều lọt vào danh sách đề cử giải Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội. Tuy nhiên, ý tưởng thứ 3 chưa được triển khai vì vướng quy hoạch cải tạo cung đường này. Còn công trình "Trái tim tình yêu Hà Nội" đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy gắn gốm cho ghế. |
Trở thành tổng đạo diễn của hai công trình nghệ thuật công cộng mới của Thủ đô, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cùng ê kíp gồm: kiến trúc sư Nguyễn Thành Lam, nhà điêu khắc Bùi Viết Đoàn và gần 60 thợ xây dựng, nghệ nhân gắn gốm của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã làm việc miệt mài, cật lực suốt 56 ngày đêm để kịp hoàn thành công trình phục vụ công chúng Thủ đô vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng.
Họa sỹ Thu Thủy cho biết, so với dự án "Con đường gốm sứ", hai dự án nghệ thuật công cộng mới này đã được triển khai rất bài bản, qua các khâu thẩm định, thẩm tra, phê duyệt của Sở Xây dựng Hà Nội. Vai trò của chủ đầu tư là Ban Quản lý chỉnh trang Đô thị Hà Nội cũng hết sức quan trọng. Họ là các chuyên viên có nghiệp vụ về kiến trúc, xây dựng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giám sát các công trình xây dựng. Chính việc chịu áp lực về tiến độ và chất lượng dưới sự giám sát khắt khe của họ, chị và e kíp thực hiện đã đạt được độ hài lòng trong việc chuyển thể từ phác thảo thành tác phẩm.
Trong quá trình triển khai thực hiện, ê kíp thực hiện cũng đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ Hội đồng Nghệ thuật của Sở VH,TT&DL Hà Nội. Ví dụ như việc điều chỉnh độ nghiêng của cánh sen, thảm cỏ xanh bao quanh đài phun nước, hoa văn sóng nước thời Lý trang trí thành bể, các tone màu vàng của cánh sen… Sau kết quả lao động nghệ thuật vất vả là Hà Nội có thêm một đài phun nước đẹp và một vườn hoa hết sức lãng mạn trên con phố mang tên vị lãnh tụ của phong trào Cần Vương chống Pháp xưa.
Nhìn một cách tổng thể, công trình Đài phun nước gắn gốm bông sen vàng hài hòa giữa không gian xanh của công viên Mai Xuân Thưởng, xứng đáng là một công trình nghệ thuật công cộng mang tính biểu tượng của vùng sen Tây Hồ, cũng như vẻ đẹp thanh khiết của tâm hồn người Hà Nội gửi gắm niềm vui niềm tự hào về Thủ đô văn hiến trong dịp lễ kỷ niệm 60 năm giải phóng đầy ý nghĩa này.
A.M