Đặc sắc các lễ hội dân gian

Tháng Giêng là tháng của tiếng trống vào hội rộn rã mọi miền. Những ngày tháng Giêng này, tại nhiều địa phương trên cả nước đã diễn ra nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Phú Thọ: Trò Trám - Lễ hội phồn thực độc đáo

Đêm 11 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, hàng nghìn người dân xã Tứ Xã và các vùng lân cận đã đội mưa, tham dự Lễ hội Trò Trám (còn gọi là Lễ hội “Linh tinh tình phộc”) – lễ hội độc đáo có một không hai của người dân xóm Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Lễ hội gồm ba phần chính. Vào đêm 11 tháng Giêng, các trò đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua Xuân - bán Xuân và dạy học được trình diễn tại sân miếu Trò. Người dân Tứ Xã còn tham gia diễn trò “Tứ dân chi nghiệp” miêu tả một cách dân dã nhất những ngành nghề trong xã hội xưa như sĩ, nông, công, thương…

Tâm điểm của Lễ hội Trò Trám là “lễ mật” diễn ra lúc sang canh đêm 11, rạng ngày 12 tháng Giêng - thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu. Sau lễ tế (bắt đầu vào lúc 23 giờ) do các cụ cao niên trong làng thực hiện đến đúng 0 giờ (ngày 12 tháng Giêng), cụ Thủ từ miếu Trò thắp hương và rước “nõ nường” – hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ và sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ đã được chọn từ trước. Sau đó, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô “Linh tinh tình phộc”, hai nhân vật chính: Nam cởi trần, đóng khố cầm nõ, nữ mặc váy, đeo yếm đào cầm nường, làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao. Ba lần đâm trúng – mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần – được mùa; một lần là làm ăn kém… Trong đêm tối chủ tế nghe tiếng “cạch” đủ ba tiếng đèn lại sáng. Phút ấy gọi là phút “thiêng”, “dập” chiêng trống để mừng và kính báo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật” đã thành công. Xưa kia, sau 3 câu khẩu lệnh “Linh tinh tình phộc”, cụ Thủ từ sẽ hô to “Tháo khoán”. Mọi người hò reo, các đôi trai gái trong làng được tự do vui chơi ngoài rừng trám. Cô nào mang thai trong dịp đó là lễ “hèm” của làng đã thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường. Những đứa trẻ được sinh ra trong đêm “linh tinh tình phộc” làng vui mừng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ đem lại sự phồn thực cho cả làng. Ngày nay, tục “tháo khoán” không còn, chỉ còn hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực cơ quan sinh sản và hoạt động tính giao vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm và nguyện ước về sự phát triển phồn vinh của cư dân nông nghiệp.

Sáng 12 tháng Giêng là lễ “Rước lúa thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra và rước đến đền Xa Lộc thờ vị Tướng Phùng Lân Hổ thời Trần, rồi tiếp tục được rước xung quanh làng. Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn vẫn tiếp tục thực hiện tại miếu Trò để tạo không khí lễ hội. Lễ cúng thập bái thực hiện cuối cùng tại miếu Trò để kết thúc lễ hội.

Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết: Lễ hội Trò Trám là hoạt động văn hóa tinh thần của người Việt cổ. Đây là lễ hội dân gian mang đậm tính phồn thực của vùng trung du, đồng bằng châu thổ sông Hồng, phản ánh ước nguyện sinh tồn, cầu mong con người cùng muôn vàn cỏ cây được sinh sôi, phát triển, xã hội phồn thịnh, đời sống no ấm, hạnh phúc… Trước kia, lễ hội Trò Trám đã có lúc bị gián đoạn vì chiến tranh nhưng được người dân nơi đây khôi phục từ năm 1993, trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Phú Thọ, thu hút hàng nghìn khách tham dự.

Hưng Yên: Hội đền Phù Ủng

Ngày 2/2 (tức 11 tháng Giêng Nhâm Thìn) tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) đã diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm 737 năm ngày Tướng quân Phạm Ngũ Lão (1255-1320) là người con của làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên), ra quân đánh giặc giữ nước. Lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức đến hết ngày 13 tháng Giêng âm lịch, với các hoạt động dâng hương tưởng niệm, lễ rước cung phi Tĩnh Huệ (là con gái Phạm Ngũ Lão) về trình cha, cầu chúc thiên thời địa lợi nhân hòa... Ngoài ra còn có các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian như múa rối, hát trống quân, hát quan họ, chơi chọi gà, cờ tướng, đấu vật...

Sơn La: Sôi nổi Lễ hội đua thuyền trên sông Đà

Trong hai ngày 1-2/2 (tức mùng 10-11 tháng Giêng), tại bến Pá Uôn, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, đã diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống vượt sông Đà lần thứ 2 và các môn thể thao dân tộc. Tham gia thi đấu và đua thuyền có 11 đội (trên 527 vận động viên) của các xã trong huyện Quỳnh Nhai và huyện Thuận Châu.

Hội đua thuyền trên sông Đà.

Lễ hội đua thuyền diễn ra sôi nổi ngay bên cầu Pá Uôn (QL 279), cầu vượt hồ sông Đà có trụ cao nhất Việt Nam (cao 98m, dài 923m), thu hút hàng ngàn đồng bào các dân tộc trong huyện, bà con các bản tái định cư trong tỉnh và đông đảo nhân dân ở các huyện giáp ranh như Tuần Giáo, Tủa Chùa (huyện Điện Biên), Tân Uyên, Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Khi tiếng súng báo hiệu xuất phát của trọng tài vang lên, những chiếc thuyền vun vút lao về phía trước, trên thuyền các vận động viên khua nhanh mái chèo theo tiếng hô nhịp nhàng của người đội trưởng. Trên bờ hàng nghìn khán giả reo hò cổ vũ vang dội cả một khúc sông. Bên cạnh lễ hội đua thuyền, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc như ném còn, thi bắn nỏ, kéo co đã thực sự thu hút người dân.

Không chỉ là nơi để bà con vui chơi trong dịp đầu xuân, lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2012 tại huyện Quỳnh Nhai còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhân dân các dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó. Đồng thời cổ vũ nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao và quảng bá những nét đặc sắc trong văn hóa của người dân nơi đây.

Hội Lim 2012: Sẽ xác lập kỷ lục “Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát quan họ...”

Hôm nay (ngày 13 tháng Giêng) là chính hội Lim. Cũng trong ngày hôm nay, kỷ lục nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ được xác lập.

Hội Lim là lễ hội văn hóa truyền thống vùng Lim (thuộc 3 xã Nội Duệ, thị trấn Lim và xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo và tiêu biểu của xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 12-13 tháng Giêng âm lịch. Ngay từ ngày 3/2 (tức ngày 12 tháng Giêng âm lịch), những giai điệu mượt mà của các làn điệu quan họ đã vang lên từ các lán hát được dựng trên đồi Lim. Hàng ngàn du khách khắp nơi đã đổ về đây để nghe các liền anh, liền chị hát quan họ.

Năm nay, hội Lim vẫn được tổ chức theo nghi thức truyền thống, bên cạnh phần tế lễ tại khu vực lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn, chùa Hồng Ân, trong 2 ngày diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi dân gian như nhảy bao bố, đập niêu, tổ tôm điếm, đu tiên, các hoạt động hát quan họ trên thuyền, dưới hồ, cửa đình, trong các lán quan họ, trong nhà nghệ nhân… Được biết, năm nay, BTC đã tăng thêm 3 lán hát so với năm trước (thành 7 lán hát) và tăng số gia đình nghệ nhân hát từ 5 gia đình lên 12 gia đình.

Đặc biệt, trong Lễ hội Lim năm nay sẽ xác lập kỷ lục lễ hội có nhiều nhất số người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Theo kịch bản, sáng 4/2, ngày chính Hội Lim, các liền anh, liền chị mặc trang phục quan họ tập trung tại trường PTTH Nguyễn Đăng Đạo, thị trấn Lim, huyện Tiên Du và diễu hành lên đồi Lim để cùng hát bài dân ca quan họ “Mời nước, mời trầu”. Tham dự buổi xác lập kỷ lục sẽ có sự hiện diện của Hội đồng Xác lập kỷ lục Quốc gia, các quan khách đến chứng kiến và công nhận kỷ lục. Đây cũng là nội dung mới, đặc biệt thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN