Ca khúc đang mai một tính nhân văn

Có thể nói, những ca khúc của một số nhạc sĩ sáng tác theo kiểu “mì ăn liền” để bán bản quyền cho ca sĩ hát phục vụ một số ít giới trẻ hiện nay, thực sự là những ca khúc gây sốc, không chỉ thiếu tính định hướng, đạo đức, thẩm mỹ, mà còn dần mất đi tính nhân văn, đi ngược lại thuần phong mỹ tục.


Một số ca sĩ cho rằng: Những ca khúc mình hát phải là ca khúc độc quyền. Bởi thế, ca sĩ đặt hàng, nhạc sĩ sáng tác theo đơn, ca sĩ đăng ký bản quyền và nghiễm nhiên ca khúc đó là của ca sĩ. Những ca khúc “dở hơi, không giống ai” ấy, là do nhạc sĩ sáng tác có một đêm là được … 3 bài. Vậy mà vẫn “chất lượng ISO” thì “tài” quá!? Với công thức: Ca sĩ đặt hàng + nhạc sĩ sáng tác = “những ca khúc sốc”. Mà người chịu sốc nhiều nhất là khán giả yêu nhạc.


Các nhạc sĩ “chuyên sáng tác nhạc sốc” cho rằng: Chất lượng bài hát vẫn hay như thế, song do sự pha trộn nhiều dòng nhạc ngoại quốc và trình độ thưởng thức âm nhạc của giới trẻ, nên một số người không cảm nhận được cái hay. Đó chỉ là sự bao biện cho lối sáng tác thiếu tính nhân văn, thiếu giá trị văn hóa của một số nhạc sĩ mà thôi.


Trách nhiệm của nhạc sĩ không phải sáng tác bài hát để lấy “tiền công”, mà phải định hướng cái hay, cái đẹp, cái chân thiện mỹ cho công chúng, nói đúng hơn là có trách nhiệm với xã hội. Một tác phẩm âm nhạc khi đến với công chúng, có tác động rất sâu sắc đến xã hội. Có thời, ca khúc là vũ khí đấu tranh trên nghị trường chính trị, có lúc nó như lời kêu gọi hiệu triệu đồng bào vùng dậy đánh giặc, như bài hát “Dậy mà đi” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Có ca khúc như một bức tranh tô điểm cho đời thêm tươi thêm đẹp như “ Mùa xuân nho nhỏ”, và có những bản “Tình ca” trở thành bất hủ mỗi “Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa” (Tình ca - cố nhạc sĩ Hoàng Việt)… Sao các nhạc sĩ hiện nay không “soi” vào đó mà sáng tác? Phải chăng, những bài hát “gây sốc”, là “tiêu chí” cho một số nhạc sĩ “kém tài, thiếu đức, háo danh, trọng tiền” thời nay?


Chúng ta đã có công ước Berl về “quyền sở hữu tác giả và chất lượng tác phẩm âm nhạc”. Đã đến lúc các nhà quản lý phải vào cuộc, đưa ra “bàn tròn” xem xét chất lượng tiêu chuẩn tác phẩm âm nhạc trước khi phát hành. Với những tác phẩm “gây sốc”, phải xem xét lại nhân cách nhạc sĩ sáng tác là điều cần thiết. Không nên “thả rồi đuổi” như hiện nay.


M.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN