Bất hợp lý khi thu phí vào di tích tâm linh

Khác với mọi năm, từ đầu năm 2018, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tiến hành thu phí tham quan khu di tích Yên Tử. Điều này khiến nhiều người băn khoăn khi vào chùa phải nộp phí.

Khách ngạc nhiên vì bị thu phí


Sau 10 năm tạm dừng, Quảng Ninh thu phí tham quan trở lại khu di tích Yên Tử với mức giá 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em. Việc thu phí khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí phản ứng vì cho rằng tỉnh Quảng Ninh đang tận thu. Cũng có người đồng thuận nhưng cho rằng chỉ nên thu khoảng 10.000 - 20.000 đồng/người.

Nơi bán vé tham quan di tích Yên Tử (Quảng Ninh). Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN


Vào những ngày cuối tuần, lượng du khách đổ về đi lễ hội Yên Tử rất đông. Do phải xếp hàng mua vé khiến khu vực bán vé có sự ùn ứ. Ông Dương Hồng Hà (35 tuổi, Yên Định, Thanh Hóa) cho biết: “Đầu năm ngoái, tôi cùng gia đình đi lễ hội Yên Tử, năm nay thấy thu phí khiến gia đình bất ngờ. Khi tôi thắc mắc thì nhân viên bán vé giải thích là thu để trùng tu, tôn tạo và mở rộng các hạng mục của di tích. Đã đi vài trăm cây số ra đến Yên Tử chẳng nhẽ không vào lễ Phật vì mấy chục nghìn tiền vé? Cả gia đình gần 20 người nên số tiền bỏ ra không ít".


Còn bà Hà Thị Lý (Ninh Giang, Hải Dương) bức xúc: "Về Yên Tử lâu nay được tuyên truyền là nơi đất Phật. Hơn nữa chùa chiền là chốn tâm linh, linh thiêng cũng bị thu tiền để vào làm lễ như thế này, chúng tôi cảm giác như bị kinh doanh tín ngưỡng. Lễ chùa là quyền tự do của mỗi người. Tiền công đức được dùng để tu bổ chùa, vậy tại sao ở đây lại thu thêm khoản phí thắng cảnh khu di tích chùa chiền vô lý như vậy”.


Nhiều người từ các tỉnh về lễ hội Yên Tử đầu năm đều ngạc nhiên, bức xúc cho rằng việc thu phí tham quan là không hợp lý. Đến Yên Tử, du khách đã mất rất nhiều khoản phí như gửi xe, phí cáp treo, xe điện, phí tham quan... Như vậy là phí chồng phí. Với chủ trương xã hội hóa, từ bao năm qua, nhân dân, khách hành hương, tín đồ Phật giáo đã công đức tiền bạc, công sức để góp phần xây dựng Yên Tử trở thành điểm tham quan như ngày nay. Giờ địa phương lại tiếp tục thu phí tham quan khiến nhiều người thấy bất hợp lý.


Đứng ở góc độ du lịch, ông Nguyễn Hữu Bắc, Giám đốc Công ty du lịch Phuc Group (Nghệ An) cho rằng: Thực tế 10 năm nay, Yên Tử không thu phí nhưng vẫn được đầu tư xây dựng khang trang. Thực tế thì các dịch vụ như cáp treo và dịch vụ du lịch xung quanh khu du lịch này đã mang lại nguồn thu rất lớn cho địa phương. Do đó, việc thu phí tham quan Yên Tử bị nhiều du khách phản ánh chẳng khác nào tận thu và không tính đến việc xây dựng thân thiện hình ảnh với du khách thập phương.


Còn ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtours (Hà Nội) thì cho rằng: Việc thu phí có thể nhìn từ hai góc độ. Ở góc độ thu phí danh thắng nộp ngân sách thì không sai so với quy định hiện hành và đúng quy trình. Tuy nhiên, nếu nhìn góc độ tâm linh thì không nên thu phí vì tất cả du khách đến đây để đi lễ chùa. Việc xây dựng hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường tại Yên Tử trong 10 năm đều thu qua thuế các dịch vụ tại khu vực này. Đây là hình thức thu văn minh, lịch sự. Ai sử dụng dịch vụ gì thì trả tiền dịch vụ đó. Lâu nay, tỉnh Quảng Ninh vẫn tuyên truyền về với Yên Tử là miền đất Phật thì không nên thu phí tham quan.


Dùng tiền phí vào mục đích gì?


Bên cạnh ý kiến phản đối, cũng có nhiều người muốn biết rõ số tiền mua vé tham quan được sử dụng vào mục đích gì và cần công khai minh bạch. Chị Nguyễn Thanh Nga (Nghĩa Đô, Hà Nội) khẳng định: "Chúng tôi không phản đối việc thu phí vì ở chùa Hương họ thu lâu rồi nhưng mức phí thu tại Yên Tử đang ở mức cao. Nếu khách trả tiền mua vé tham quan năm nay mà năm sau thấy di tích có nhiều thay đổi tích cực thì cũng chấp nhận được”.


Còn ông Nguyễn Hữu Bắc lại cho rằng: Nếu tỉnh Quảng Ninh xác định thu phí tham quan Yên Tử thì phải có lộ trình. Tháng 12/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh mới thông qua thu phí tham quan Yên Tử và không tuyên truyền rộng rãi khiến du khách và doanh nghiệp đều bất ngờ. Trong khi đó, để chào bán, quảng bá chương trình đi Yên Tử, các doanh nghiệp lữ hành đã phải bán sản phẩm du lịch trước thời điểm công bố từ 3 đến 6 tháng nên nhiều người bất ngờ. Quan trọng hơn là giờ nhiều người nhìn nhận điểm đến Yên Tử như là một điểm kinh doanh dịch vụ chứ không phải là điểm đến tâm linh.

Dâng hương chùa Đồng tại di tích Yên Tử. Lê Phú


Liên quan đến việc dùng các khoản phí thu được, ông Phạm Văn Dược, Phó Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết: Theo quy định 20% khoản phí để đảm bảo hoạt động của bộ máy ban quản lý; 80% còn lại nộp ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho thành phố Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử. Người dân nói chung có tâm lý muốn được miễn phí vé tham quan. Sau 10 năm không thu phí, người dân quen với việc này nên thấy thu phí thì có ngỡ ngàng. Có tình trạng một số du khách phản ánh về việc thu phí. Có người kêu phí cao. Tuy nhiên, mức phí này đã được các ngành liên quan Quảng Ninh thông qua.


Trong khi đó, Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban trị sự kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Việc thu phí thắng cảnh Khu di tích Yên Tử là quyết định của HĐND tỉnh Quảng Ninh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng có góp ý về vấn đề này nhưng không được tiếp thu. Trong bao năm qua, việc trùng tu tôn tạo chùa đều lấy kinh phí từ quỹ xã hội hóa huy động nguồn từ công đức nhân dân. Người dân dùng dịch vụ gì thì trả phí dịch vụ đó, nếu thu thêm phí thắng cảnh sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí. Người dân đi lễ Phật để bày tỏ niềm tin với Phật nhưng lại yêu cầu họ nộp phí thắng cảnh là bất hợp lý. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng nhưng không được tiếp thu”.


Thực tế việc thu phí vào các khu di tích, cụ thể là lễ chùa đã thực hiện tại một số địa phương như tại chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) với mức vé giá 10.000 đồng/người; chùa Hương (Hà Tĩnh) thu phí 20.000 đồng/người; lễ hội chùa Hương (Hà Nội) mức phí tham quan 80.000 đồng/người, vé đò là 50.000 đồng/người (bao gồm phí bảo hiểm). Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Lễ hội đón 1,5 triệu khách tham quan thu về gần 120 tỷ đồng. Kinh phí thu được tái đầu tư hệ thống hạ tầng tại chùa Hương, vệ sinh môi trường...


Khi hỏi ban tổ chức và ban quản lý di tích tại các chùa đang triển khai thu phí đều nhận được câu trả lời rằng “việc thu phí vào chùa thực hiện theo quyết định, nghị quyết của địa phương và triển khai đúng quy trình”. Số tiền thu được dùng để tái đầu tư tôn tạo, tu bổ di tích. Tuy nhiên, việc thu phí vào lễ chùa khiến nhiều người bức xúc và không thể đúng quy trình thực hành tâm linh bởi trong tín ngưỡng lâu nay, cửa chùa luôn rộng mở cho chúng sinh, đến mong tìm sự thư thái tịnh tâm.


Nhiều người cho rằng, nếu số tiền dần tăng lên thì chẳng lẽ chỉ người có tiền mới được đến cửa chùa. Người nghèo chẳng lẽ chỉ đứng trước cổng chùa mà bái Phật? Không lẽ đến với Phật, tâm không thôi chưa đủ mà phải có tiền? Trong khi đó, số tiền thu được hàng năm từ các di tích, chùa chiền được bao nhiêu, cụ thể dùng vào việc gì, có sự tham gia, giám sát của cộng đồng hay không thì với nhiều nơi vẫn khá mơ hồ. Điều này khiến nhiều người cho rằng thực tế số tiền thu được chỉ đủ nuôi bộ máy quản lý di tích và không thực sự góp phần tu bổ, tôn tạo di tích. Phần lớn số tiền tu bổ các chùa chiền hiện nay vẫn là sự đóng góp của cộng đồng hơn là số tiền thu phí đang triển khai.


Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy cho rằng, việc thu phí di tích tại một số địa phương là căn cứ theo luật phí và lệ phí cũng như các nghị định, thông tư liên quan. Bộ VHTTDL đã rà soát và nhận thấy tất cả địa phương khi có thu phí, lệ phí đều căn cứ các quy định nêu trên, không thu tùy tiện. Việc điều chỉnh tăng, giảm đều có thông qua HĐND với những căn cứ cụ thể.


Cũng theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, thu phí là chủ trương chung của các địa phương để có nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều khu di tích hiện đã khang trang, đẹp đẽ hơn, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách nhờ nguồn thu phí tham quan di tích.v

XC/Báo Tin tức
Vẫn còn bất bình đẳng về giới trên thị trường lao động Việt Nam
Vẫn còn bất bình đẳng về giới trên thị trường lao động Việt Nam

Theo một nghiên cứu về thị trường lao động vừa công bố của Tổ chức lao động thế giới (ILO) nhân ngày quốc tế phụ nữ mùng 8/3, tại Việt Nam, vẫn tồn tại khoảng cách trong cả vấn đề tiếp cận thị trường lao động và chất lượng việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN