200 năm tác phẩm lãng mạn “Kiêu hãnh và định kiến”

Cô gái gặp gỡ chàng trai. Họ ghét nhau từ cái nhìn đầu tiên rồi cuối cùng lại yêu nhau say đắm. Câu chuyện tình lãng mạn pha chút hài hước trong cuốn tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến đã bước sang tuổi 200. Hơn thế, đó là một chuyện tình tạo ra cả một nền công nghiệp.


Năm 2013 đánh dấu tròn 200 năm ngày ra đời của Kiêu hãnh và định kiến (Pride and Prejudice) - cuốn tiểu thuyết để đời của nữ văn sĩ Jane Austen (Anh). Trong suốt cả năm, người Anh sẽ được hòa mình vào một loạt sự kiện: Một cuộc thi quốc tế đọc cuốn tiểu thuyết mang tên “Pride and Prejudice Readathon” tại khu triển lãm Jane Austen ở Bath ngày 28/1; một chuỗi triển lãm và biểu diễn ngoài trời tại Luân Đôn; một hội thảo tại trường Lucy Cavendish thuộc Đại học Cambridge, Bưu chính Hoàng gia Anh cũng sẽ tung ra một bộ tem đặc biệt…. Tất cả nhằm vinh danh cái tên Jane Austen và cuốn tiểu thuyết của bà.


Vụt thành sao


Kiêu hãnh và định kiến tập trung kể về chuyện tình giữa cô gái cá tính Elizabeth Bennet và chàng Fitzwilliam Darcy ngạo mạn, kiêu hãnh. Họ ghét nhau từ cái nhìn đầu tiên rồi cuối cùng lại yêu nhau say đắm. Trải qua nhiều thách thức và biến cố, họ đã đến được với nhau để sống hạnh phúc đến trọn đời.


Hình ảnh một lễ cưới được tổ chức theo chủ đề của cuốn tiểu thuyết Kiêu hãnh và định kiến. Nguồn: shoot-lifestyle


Có thể nói Jane Austen nổi danh chủ yếu chỉ nhờ Kiêu hãnh và định kiến. Với tác phẩm này, bà được người đời lập hẳn một bảo tàng dành riêng ở Chawton, hạt Hampshire (Anh). Dẫu vậy, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Jane Austen được bà ví như “đứa con cưng”, sau khi xuất bản vào ngày 28/1/1813 đã không tạo ra được tiếng vang ngay lập tức. Louise West, người quản lý Bảo tàng Jane Austen nói: “Cuốn tiểu thuyết được rất nhiều độc giả đón nhận. Sau này nó mang lại rất nhiều tiền, nhưng vào thời của Austen thì không phải là một tác phẩm có lượng tiêu thụ lớn”.


Jane Austen

- Nữ tiểu thuyết gia người Anh.

- Sinh ngày 16/12/1775, tại Steventon, Hampshire, trong gia đình có 8 người con, bố là cha sứ. Austen lớn lên cùng với việc viết truyện cho gia đình mình.

- Bà đã viết 6 cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh: “Lý trí và tình cảm” - “Sense and Sensibility” (1811), “Kiêu hãnh và định kiến” - “Pride and Prejudice” (1813), “Trang viên Mansfield” - “Mansfield Park” (1814), “Emma” (1816), “Northanger Abbey” và “Thuyết phục” - “Persuasion” (1818).

- Bà qua đời vào ngày 18/7/1917 ở tuổi 41, bỏ dở tác phẩm “Sanditon”.

Tuy nhiên, không giống như các tác phẩm best seller khác, có thể tạo ra quả bom tấn trong dư luận ngay sau khi xuất bản (như Harry Potter), Kiêu hãnh và định kiến gặt hái thành công một cách từ từ và chỉ đưa Austen lên hàng ngũ ngôi sao sau khi bà qua đời. Ở Anh, Austen chỉ đứng sau Shakespeare và Charles Dickens về sức hút bền bỉ với độc giả trên toàn thế giới trong các tác phẩm của mình.


Giáo sư về ngôn ngữ Janet Todd của trường Đại học Cambridge nhận định: “Độc giả biết nhiều đến bà và đồng thời giới phê bình, phân tích học thuật cũng tán thưởng tác phẩm của bà. Điều này rất hiếm thấy”.


Cả một ngành công nghiệp ăn theo


Thành công của Kiêu hãnh và định kiến đã đưa tên tuổi của Jane Austen vượt ra ngoài biên giới nước Anh và đưa các nhân vật của bà vượt ra ngoài lĩnh vực văn chương. Trải qua hai thế kỉ, từ chỗ là một câu chuyện tình giản đơn, được bán cho nhà xuất bản với giá 110 bảng Anh vào thời điểm đó, nay nó đã trở thành cả một nền công nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỉ USD. Có khi dựa vào toàn bộ câu chuyện, có khi dựa trên nhân vật Elizabeth Bennet, có khi chỉ là một ý tưởng từ nguyên tác, Kiêu hãnh và định kiến xuất hiện trong những bộ phim của Hollywood đến những cuốn sách bán chạy và cả những món đồ lưu niệm.


Đặc biệt, nhiều cặp uyên ương ở Anh ngày nay rất chuộng khai thác cặp tình nhân Bennet-Darcy làm ý tưởng chủ đề cho các lễ cưới của họ: Từ việc sử dụng nhạc nền trong phim, đến việc dựng lại bối cảnh lịch sử và xã hội trong cuốn tiểu thuyết để tổ chức lễ cưới, như tổ chức dưới một cây sồi cổ thụ, tiếp khách ở các lâu đài cổ cho đến việc dùng trà, găng tay, đồng hồ cổ bỏ túi…


Không chỉ ở Anh, làn sóng hâm mộ Kiêu hãnh và định kiến đang nở rộ hơn bao giờ hết ở Mỹ. Họ lập thành các nhóm “fan cuồng” đối với Austen và “đứa con tinh thần” lớn nhất của bà. Chẳng hạn các thành viên nhóm Regency tìm cách ăn vận trang phục và viết tiếp những câu chuyện ăn theo Kiêu hãnh và định kiến, với một sự nhiệt tình và sôi nổi không kém các nhóm fan của Harry Potter hay Star Trek. Các blog và trang cá nhân trên mạng xã hội ăn theo Jane Austen cũng nở rộ trên Internet.


Đằng sau Kiêu hãnh và định kiến…


Vậy điều gì đã làm cho Kiêu hãnh và định kiến nổi danh tới 200 năm sau, khi nhân loại đã bước vào thời kỳ công nghệ chi phối mọi hoạt động trong đời sống xã hội? Câu trả lời dường như nằm trọn vẹn trong hai từ “lãng mạn” - một thế giới mênh mông mà những người yêu quý Jane Austen cảm thấy như được quên đi chính bản thân mình sau khi thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Myretta Robens, người quản lý “The Republic of Pemberley” -trang web ăn theo Jane Austen lớn nhất ở Mỹ - nói: “Mọi người mong được sống trong sự lãng mạn thời đó. Nó giống như một sự giải thoát”.


Vào thời của Austen, phụ nữ rất ít được đọc sách và tiếp cận với văn chương, có chăng chỉ ở tầng lớp quý tộc. Nhưng với sự xuất hiện của Austen và những câu chuyện về tình yêu, về phái nữ được đề cập trong các cuốn tiểu thuyết của bà, xu hướng đọc sách tăng lên ở nữ giới. Austen chỉ ra phụ nữ không cần phải lệ thuộc vào đàn ông mà chính họ có thể tự theo đuổi giấc mơ của mình; cả đàn ông lẫn phụ nữ, thay vì chú trọng vào tiền bạc trong hôn nhân, hãy chú tâm vào chính mối quan hệ tình cảm của họ.


Khi còn sống, Austen không lộ danh tính ngay cả khi tác phẩm của bà đã có một sức hút nhất định. Vì vậy, bà không được biết đến dưới danh nghĩa một tiểu thuyết gia, nhưng mặt khác điều đó lại giúp bà gìn giữ sự riêng tư của mình vào thời điểm mà xã hội Anh vẫn còn chưa cởi mở đón nhận việc phụ nữ tham gia vào nghiệp viết văn cũng như sự kiểm duyệt khắt khe của chính phủ với văn chương.


Kiêu hãnh và định kiến thành công trong việc chuyển tải thông điệp: Mọi vật luôn thay đổi, thế giới ngày càng hiện đại hơn, nhưng đâu đó sâu bên trong chúng ta vẫn luôn mong muốn hai điều: Tình yêu và hạnh phúc. Theo Gurinder Chadha, một đạo diễn điện ảnh của Ấn Độ: “Jane Austen nói mọi phụ nữ đều muốn có Darcy. Họ không muốn thỏa hiệp để được Darcy chấp nhận. Họ muốn là chính mình. Khát khao lãng mạn ấy, tất cả phụ nữ đều có. Câu chuyện tình yêu như thế sẽ là câu chuyện tình đẹp nhất”.


Austen đã từng băn khoăn liệu cuốn tiểu thuyết của bà có “nhẹ nhàng và lung linh quá chăng”. Nhưng với nhiều người thời nay, chính giọng điệu lạc quan đó đã dạy họ cách sống có niềm tin, có hy vọng.


Và, như chính tác giả của Kiêu hãnh và định kiến đã đề cập trong cuốn tiểu thuyết của bà, đó là “một sự thật được cả thế giới công nhận”.



Anh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN