Việt Nam tham gia Hội chợ nguồn hàng quốc tế Australia 2014

Hội chợ quốc tế tìm kiếm các nhà cung cấp "Australia International Sourcing Fair (AISF)" đã được khai mạc ngày 18/11 tại Trung tâm Triển lãm thành phố Melbourne, bang Victoria. Các sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt tại hội chợ quan trọng kéo dài 3 ngày này.


Các đối tác quốc tế hết sức quan tâm tới sản phẩm may mặc của Việt Nam.


Đây là Hội chợ duy nhất của Australia chọn cách tiếp cận theo nguồn hàng nhằm kích thích, tạo cơ hội đẩy mạnh tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn hàng trên phạm vi toàn cầu. Hội chợ cũng giúp đẩy mạnh liên kết, liên doanh, tổ chức sản xuất, gia công hàng hóa ở nước ngoài, giúp tối ưu hóa nguồn hàng, góp phần rút ngắn chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả trong liên kết sản xuất, giao thương, tạo cơ hội phát triển sản phẩm mới.


Đối tượng tham dự Hội chợ AISF là các nhà bán buôn, nhà nhập khẩu, nhà cung ứng, chuỗi bán lẻ, các thương hiệu bán lẻ, các đại lý, các nhà thiết kế thời trang, các nhà sản xuất và các nhà phân phối. Hàng hóa trưng bày tại Hội chợ rất phong phú, đa dạng trong đó có hàng dệt may, thêu, đan, giày dép, thủ công mỹ nghệ và nhiều mặt hàng khác.


Tham gia Hội chợ AISF, Cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại Australia đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hai gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, trong đó có một số công ty lớn như Tổng Công ty may 10, Công ty cổ phần may Hồ Gươm, Công ty Dệt kim Đông Xuân, Phong Phú, Thái Hòa, Thăng Long… Hàng dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và liên tục tăng trưởng với tốc độ cao trong những năm qua. Hàng dệt may Việt Nam đã có mặt tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2013, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Australia mới đạt mức tương đối hạn chế hơn 90 triệu USD. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 97,3 triệu USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước.


Phát biểu với phóng viên TTXVN, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia cho biết đây là cơ hội để tăng cường quảng bá sản phẩm hàng dệt may của Việt Nam, nhất là tại một hội chợ lớn như thế này của Australia. So sánh về chất lượng, hàng dệt may của Việt Nam không hề thua kém so với các nước khác. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển tốt và sản phẩm của Việt Nam có hàm lượng kỹ thuật khá cao.


Ông Trần Bá Phúc cũng bày tỏ mong muốn những ngành nghề khác của Việt Nam tăng cường tham gia các cuộc triển lãm tương tự để quảng bá cho sản phẩm của mình, chứng minh hàng hóa của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới.



Tin, ảnh: Quang Minh(P/v TTXVN tại Sydney)

 

Đầu tư vốn và nhân lực cho ngành dệt may
Đầu tư vốn và nhân lực cho ngành dệt may

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may của thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa công bố, mục tiêu TP Hồ Chí Minh đặt ra là phát triển thành trung tâm cung cấp các dịch vụ về dệt may cho khu vực phía Nam, đồng thời trở thành trung tâm thiết kế thời trang của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN