Phiên kết nối tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, có sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp Nhật Bản cùng doanh nghiệp Việt Nam đóng trên địa bàn Hải Phòng và một số tỉnh lân cận.
Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Sen Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số là xu thế phổ biến và là quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Nhằm giúp các doanh nghiệp cập nhật, nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố, Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nhật Bản - quốc gia có nhiều sự hợp tác phát triển với thành phố Hải Phòng. Sản phẩm của doanh nghiệp Nhật Bản cũng được doanh nghiệp Việt Nam tin cậy và đánh giá cao.
Tham gia sự kiện, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản sẽ trao đổi thông tin, tìm hiểu công nghệ và nhu cầu đặt hàng của phía đối tác.
Theo bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng chi nhánh thương vụ tại Osaka, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, phát triển tốt đẹp thể hiện ở cấp vĩ mô là các đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi, làm việc và còn thể hiện thông qua kết quả về hợp tác đầu tư, công nghệ, nhân lực.
Về hợp tác thương mại, Nhật Bản là nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhật lớn thứ 4 của Việt Nam. Xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản nhiều năm nay được đánh giá là bổ trợ nhau và khá cân đối.
Bà Quyền Thị Thúy Hà cho biết, bên cạnh cơ hội hợp tác, khi xúc tiến tại thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam gặp một số khó khăn, thách thức như Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển, đi trước Việt Nam nhiều năm nên đối tác yêu cầu khắt khe và áp dụng tiêu chuẩn cao hơn, nhất là các mặt hàng về thực phẩm, nông sản vì đây là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, để xâm nhập vào thị trường Nhật Bản, cần sự nỗ lực, đồng hành từ Chính phủ tới các bộ, ngành của Việt Nam. Các doanh nghiệp cần cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ. Việc thâm nhập vào thị trường Nhật Bản sẽ mở ra cánh cửa thâm nhập vào thị trường quốc tế khác. Chương trình kết nối này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận giải pháp công nghệ mới, hiệu quả của Nhật Bản để trao đổi, tham khảo cũng như áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác thương mại quốc tế.
Tại phiên kết nối, chuyên gia tư vấn của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ cách thức để tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phiên kết nối đánh giá cao hoạt động này.
Ông Nguyễn Hữu Miền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long cho biết, ông thường xuyên tham gia các phiên kết nối cung cầu công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức. Đây là hoạt động rất hữu ích, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh, hiệu quả nhất với các doanh nghiệp cung ứng.
Tại phiên kết nối, Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long quan tâm đến công nghệ ướp lạnh và các phương tiện chuyên dụng phục vụ quá trình vận chuyển thủy sản từ Việt Nam tới thị trường quốc tế. Hiện Nhật Bản là quốc gia hàng đầu về công nghệ này, ông Nguyễn Hữu Miền cho biết.