Giải các bài toán của doanh nghiệp và người dùng Việt
Chia sẻ về các sản phẩm của Make in Việt Nam, ông Hà Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group cho biết: Trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, doanh nghiệp, tôi nhận thấy người Việt còn e ngại với các sản phẩm Make in Việt Nam. Nhiều khách hàng muốn sản phẩm công nghệ chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, giá cả thì mang tính Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng cần chính sách hỗ trợ, truyền thông rộng rãi về các sản phẩm số của người Việt. Chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ, quan trọng là vấn đề nhân lực và văn hóa của tổ chức.
Còn ông Nguyễn Thành Trung, CEO Sky Mavis cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, các startup ít khi gặp vấn đề về công nghệ. Chuyển đổi số liên quan đến doanh nghiệp truyền thống nhiều hơn, quan trọng nhất là thay đổi tư duy, tiếp nhận ứng dụng công nghệ có sẽ phải thay đổi cả quy trình hiện có.
"Do đó, chuyển đổi số cần quyết tâm và bỏ công sức. Như trước dịch COVID-19, chúng ta nói nhiều đến chuyển đổi số, nhưng chưa đi đến cùng thì sau dịch bệnh, điều này dường như là bắt buộc, nhanh hơn, mạnh hơn. Đó là thay đổi về mặt tư duy doanh nghiệp", ông Nguyễn Thành Trung nhận định.
Còn bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA cho rằng, những giải pháp của các doanh nghiệp số giải quyết các vấn đề thực tế trong thực tế cuộc sống. Đơn cử việc lập, phân bổ, quản lý tổng hợp ngân sách Nhà nước trước đây lập đơn lẻ từng đơn vị, qua exel, gửi thủ công qua mail. Đây là một quy trình rất phức tạp và cần có sự tham gia của nhiều cơ quan từ ngành dọc (như trường – phòng – sở) cho đến ngành ngang (huyện – tỉnh – trung ương). Công việc này phải trải qua nhiều khâu rà soát, phê duyệt, chưa tính tới việc việc phải thực hiện lại từ đầu nếu chưa đạt yêu cầu, dẫn tới trường hợp làm đi làm lại nhiều lần.
"Bài toán đặt ra hiện nay là cần phát triển công cụ giúp đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thời gian dự toán, quản lý ngân sách cho các đơn vị hành chính sự nghiệp, đồng thời cập nhật liên tục khi có yêu cầu chỉ đạo điều hành từ các cấp lãnh đạo. Dữ liệu liên thông nên chỉ cần cơ sở nhập thông tin thì các cấp có thẩm quyền sẽ hiện các thông số. Do đó nền tảng giải pháp quản trị ngân sách Nhà nước MISA Bumas giúp các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm tới 70% thời gian lập dự toán và quản lý chi tiêu ngân sách. Khi áp dụng nền tảng thời gian thực hiện tổng hợp dự toán sẽ giảm chỉ còn 10 ngày và ngay lập tức đánh giá được hiệu quả của dự toán", bà Đinh Thị Thúy chia sẻ.
Đứng ở góc độ an toàn thông tin, ông Nguyễn Minh Đức, CEO Công ty CyRadar cho biết: Khảo sát liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt vẫn còn lo ngại các vấn đề như lo sợ dữ liệu bị rò rỉ, không đủ nhân sự, chuyển đổi chi phí đắt đỏ, quy trình phức tạp hơn. Hầu hết các đơn vị chưa hài lòng với công nghệ thông tin hiện nay. Năm nay, các cuộc tấn công mạng tăng 30% so với năm ngoái, 100.000 mật khẩu, các cơ quan tổ chức bị rò rỉ. Trước thực trạng này, vấn đề đặt ra là bảo vệ các công dân số từ các thiết bị: điện thoại, máy tính. Để đảm bảo an toàn thông tin thì cần đảm bảo an toàn dữ liệu từ nền tảng như du lịch, y tế, ngân hàng trước khi vận hành. Trong lĩnh vực an toàn thông tin, một ngày có 400.000 - 500.000 virus xuất hiện. Các giải pháp bảo vệ công dân số cần được ưu tiên. Các công ty về an toàn thông tin cần giải quyết các bài toán về bảo mật được người dân và doanh nghiệp, các cấp chính quyền quan tâm hơn.
Doanh nghiệp số tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số
Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Trước đây, công nghệ thông tin (CNTT) đã phát triển, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã gia công, lắp ráp và làm cho cả đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ số đã cũng giải quyết các bài toán của doanh nghiệp, xã hội nhưng chúng ta thiếu bản sắc, tạo nên thương hiệu doanh nghiệp số Việt Nam.
“Tinh thần Make in Viet Nam giúp chúng ta tự hào vươn lên. Hai năm qua, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã làm chủ được nhiều nền tảng chuyển đổi số. Năm 2020, hơn 30 nền tảng được Bộ TT&TT công bố đều là nền tảng của Việt Nam. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng đã chuyển sang nghiên cứu, làm chủ các công nghệ nghệ mới như 5G, AI, Big data. Đây là điều trước đây chưa có”, ông Phạm Đức Long nhận định.
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã thể hiện vai trò chuyển đổi số. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đều sử dụng nền tảng quản lý văn bản, 38/63 địa phương đã triển khai các trung tâm điều hành thông minh IOC. Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử Voso của Viettel, Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ các hộ sản xuất nông sản rất nhiều trong đại dịch... Tất cả đều là các sản phẩm Make in Viet Nam.
Về xã hội số, Việt Nam có ứng dụng PC-COVID đã có hơn 45 triệu lượt tải. Việc nghẽn lệnh của sàn HOSE đã được FPT vào cuộc và xử lý được trong 100 ngày hay game Axie cũng là game Việt đi ra toàn cầu.
Việt Nam hiện có gần 60.000 doanh nghiệp công nghệ số. Bộ TT&TT đã công bố 34 nền tảng số Make in Viet Nam. “Các tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia… Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ số nhỏ cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo, giải quyết cụ thể những vấn đề của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp lớn hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và cùng với địa phương để cùng triển khai các bài toán địa phương để cả cộng đồng phục hồi phát triển kinh tế”, ông Phạm Đức Long chia sẻ.
Có thể thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số đã tham gia tích cực giải quyết các bài toán, vấn đề xã hội Việt Nam. Do tác động của dịch COVID-19, công cuộc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, là xu thế tất yếu. Để hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số này, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò tiên phong. Năm 2021 Việt Nam có thêm 5.600 doanh nghiệp công nghệ số mới được thành lập, ngành công nghệ thông tin cũng đạt được mức tăng trưởng ấn tượng với 9%. Đây chính là sự lan tỏa của tinh thần Make in Vietnam và sự lan tỏa doanh nghiệp công nghệ số sẽ là hạt nhân chính trong công cuộc chuyển đổi số Việt Nam.