Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Công Thương hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với các dự án cấp điện cho Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) nhằm đưa các dự án của Tập đoàn Samsung vào vận hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư. Ở miền Bắc, dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động và giai đoạn 2 vừa được cấp phép đầu tư tại Thái Nguyên có tổng vốn đăng ký hơn 3,2 tỷ USD là những dự án đang được kỳ vọng tạo động lực đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất trong những năm tới.
Những dự án này cũng chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới. Một trong những giải pháp quan trọng khiến các nhà đầu tư quan tâm chính là cần nguồn điện cung cấp ổn định với tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo, đặc biệt đối với các dự án công nghệ cao.
Nằm ở vị trí thuận lợi, giai đoạn 1, Khu Công nghệ cao TPHCM hiện đã lấp đầy gần 80% diện tích với 40 dự án đang hoạt động; trong đó hút nhiều nhà đầu tư lớn như Intel, JABIL, Nidec, Microsoft, Datalogic, FPT… với tổng vốn 4,1 tỷ USD. Riêng Samsung là 1,4 tỷ USD đầu năm 2015 sẽ bắt tay vào xây dựng để quý 1/2016 đi vào sản xuất. Ngoài Sam Sung còn có một số doanh nghiệp sản xuất vi mạch đã được cấp phép đầu tư và đang chuẩn bị khởi động tại Khu.
Lắp ráp sản phẩm tại công ty Samsung ở KCN Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN |
Ông Lê Thành Đại, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ này cho biết: Mục tiêu không phải là lấp đầy Khu mà quan trọng là chọn lựa được nhà đầu tư các lĩnh vực nguồn để đưa công nghệ hàng đầu trên thế giới vào nghiên cứu và chuyển giao cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đánh giá về tình hình cung cấp điện tại đây, ông Đại cho rằng Khu Công nghệ cao là khách hàng đặc biệt và khó tính của ngành điện bởi lẽ luôn cần nguồn điện chất lượng và ổn định. Trong số đó có Samsung là khách hàng lớn và cực kỳ quan trọng. Các nhà đầu tư tại đây luôn lo lắng về việc cung cấp điện có đảm bảo hay không.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty (TCT) Điện lực TP HCM cũng khẳng định: Đặc thù của sản xuất điện tử không phải là sản lượng điện mà là tiêu chuẩn kỹ thuật cao từ những giao động điện áp trên đường dây ảnh hưởng đến sản xuất của nhà đầu tư, cao hơn quy định từ Thông tư 32 của Bộ Công Thương quy định các tiêu chuẩn vận hành, đầu tư phát triển lưới điện phân phối. Trong đó, Intel là khách hàng khó tính nhất do chất lượng điện phải thực sự tuân thủ theo yêu cầu sản xuất của họ nên TCT phải thành lập một Tổ công tác hàng tháng họp với Intel để giải quyết nhanh nhất những yêu cầu cấp điện của nhà đầu tư này. Đồng thời sẽ xây dựng một trạm 110kV đưa điện từ Cát Lát về cấp điện cho Intel và Sam Sung để nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm sản xuất tại đây.
“Bên cạnh nguồn điện được truyền tải về Khu rất chất lượng và ổn định, cùng với thường xuyên có những hội nghị giữa khách hàng và TCT Điện lực TP, chúng tôi hoàn toàn yên tâm cam kết với nhà đầu tư trong việc cung cấp điện. Ngành điện coi DN là yếu tố quan trọng và cũng phát triển nhờ DN, đó là nhân quả”, ông Đại nhận xét.
Bắt đầu sản xuất từ năm 2007, Công ty JABIL của Mỹ chuyên lắp các linh kiện điện tử như máy quét thẻ từ, đồng hồ điện tử và những bo mạch của hệ thống telecom…, thu hút 2.500 lao động vào làm việc tại Khu. Hiện JABIL cũng có ý tưởng đầu tư mở rộng ở TP HCM và một vài khu vực lân cận. Ông Bùi Tấn Đạt, Trưởng Phòng Bảo trì Công ty đánh giá, việc cung cấp điện của Công ty Điện lực Thủ Thiêm (TCT Điện lực TP HCM) ngày càng được cải thiện do chủ động tiếp xúc với khách hàng và tư vấn để cung cấp điện ổn định. Với sản lượng điện bình quân 1 triệu kWh/tháng, ông Đạt luôn mong muốn có nguồn cấp điện đảm bảo cho DN duy trì sản xuất.
Trong Khu Công nghệ cao này hiện có 5 công ty Nidec, thu hút hơn 10.000 lao động. Riêng Công ty Nidec Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm quạt giải nhiệt cho máy tính, mô tơ điện một chiều và toàn bộ sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật, Singapore, Hong Kong. Đề cập đến vấn đề tiết kiệm điện ở đây, ông Lưu Kim Hồng, Trưởng Phòng Bảo trì Công ty này cho biết: Với sản lượng điện bình quân 1,2 triệu kWh/tháng, gía điện chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất của Công ty. Để góp phần tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho DN, Công ty đã tiến hành kiểm toán năng lượng, thay toàn bộ hệ thống đèn huỳnh quang, nghiên cứu và cải tiến các thiết bị tiết kiệm điện.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm, ông Võ Hồng Minh Danh cho biết, giai đoạn 1 của Khu Công nghệ cao được cấp bằng hai nguồn điện từ 2 trạm 110kV Tăng Nhơn Phú và Intel, công suất mỗi trạm 126MVA, hoàn toàn đáp ứng đủ điện cho nhà đầu tư và đang “dư dả” với nguồn dự phòng từ trạm 110kV Thủ Đức Đông, bởi công suất sử dụng tại đây mới là 17MVA. Sang giai đoạn 2, về cơ bản công suất nguồn điện hiện tại đủ cung cấp cho cả Khu đến năm 2020 nhưng với nhu cầu phụ tải dự kiến khoảng 120-150MW thì hệ số dự phòng chưa cao.
Vì vậy, TCT Điện lực TP đang triển khai đầu tư trạm 220/110kV Công nghệ cao, tổng công suất 620MVA và các đường dây liên kết với tổng vốn đầu tư khoảng 230 tỷ đồng để đảm bảo cung cấp điện cho các nhà đầu tư trong Khu Công nghệ cao từ cuối năm 2015. Đồng thời đầu tư dự án mini SCADA (tự động hóa lưới điện) cung cấp một phần cho Khu để tăng cường độ tin cậy cung cấp điện. Do đó, giai đoạn 2 của Khu Công nghệ cao này và cho riêng nhà máy Sam Sung là hoàn toàn đáp ứng nguồn dự phòng và chất lượng điện cho nhà đầu tư.
Tại Thái Nguyên, đầu năm 2013, Công ty Samsung Electronics Vietnam đã cam kết xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện điện tử với tổng số vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD. Trước đó, Samsung đã đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng khu Tổ hợp Công nghệ cao tại đây. Như vậy, với tổng vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ USD vào Thái Nguyên, Tổ hợp nhà máy của Tập đoàn Samsung sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thái Nguyên nói riêng và vùng trung du miền núi Bắc Bộ nói chung.
Trước nhu cầu cấp điện cho Samsung Electronics Vietnam và các nhà đầu tư vệ tinh tại Thái Nguyên, TCT Điện lực miền Bắc đã đầu tư gần 837,3 tỷ đồng cấp điện cho các phụ tải quan trọng này; trong đó đã hoàn thành đóng điện 5 công trình, còn một công trình sẽ đóng điện vào đầu năm 2015. Đồng thời TCT cũng đang gấp rút triển khai đầu tư hai trạm 110kV Yên Phong 2, 3 và đường dây đấu nối nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho Tổ hợp công nghệ cao Samsung Display Yên Phong (Bắc Ninh) từ tháng 6 năm tới. Đây là những dự án trọng điểm mà Chính phủ giao cho EVN thực hiện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định, chất lượng cho các phụ tải công nghệ cao. Hiện năng lực cung cấp điện cho Samsung ở khu vực phía Bắc là hoàn toàn đáp ứng. Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc TCT cho biết.
Với tình hình hiện nay, nhằm thu hút FDI, nhất là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao thì việc đầu tư nguồn và lưới điện đón đầu là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra theo các chuyên gia năng lượng là nếu bỏ vài trăm tỷ đồng đầu tư điện trước thì sẽ rất lãng phí. Trong khi đó, do bí mật kinh doanh và cạnh tranh trong các hãng điện tử nên phía nhà đầu tư thường không đưa ra sớm nhu cầu sử dụng điện. Từ khi họ yêu cầu đến khi ngành điện phải thực hiện rất nhanh, kể cả lập dự án, triển khai các thủ tục đầu tư, rồi thi công và lắp đặt, chỉ trong vòng 3-4 tháng. Điều này gây áp lực lớn đối với các đơn vị ngành điện về thời gian khi đầu tư các công trình quan trọng này.
Mai Phương