Luật đầu tư, thuế ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp FDI

Tại hội thảo “Tác động của Luật đầu tư sửa đổi và chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” ngày 20/11 tại Hà Nội, các chuyên gia đã làm rõ những thay đổi căn bản trong Luật Đầu tư mới, những đổi mới trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những ưu đãi về thuế và chính sách đầu tư nhằm gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.

Hội thảo do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức với sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).


TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. Ảnh: DDDN.


TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, khu vực FDI là khu vực kinh doanh năng động, ổn định và hiệu quả, trong đó đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 21 - 30% trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN FDI đóng góp gần 20% GDP cả nước. Đáng chú ý là từ năm 2013 đến nay, ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn được đầu tư tại Việt Nam. Các DN lớn đầu tư vào nước ta, kéo theo sau chuỗi các DN nhỏ và vừa, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết: “Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2005 đã xuất hiện nhiều bất cập, không còn phù hợp và phần nào ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là những quy định còn nhiều vướng mắc và không thống nhất với các văn bản có liên quan đi kèm sau này. Đây là điều khó tránh khỏi với một quốc gia đang phát triển, trong tiến trình hội nhập”. Ông Lộc cho biết thêm, tại kì họp Quốc hội tháng 11 này, các đại biểu đang bàn thảo về việc ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi).

Theo đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã làm rõ những lĩnh vực, những khu vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích để phát triển đầu tư; đồng thời điều chỉnh những bất cập liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện; nhằm hướng tới việc xây dựng một môi trường đầu tư công khai, minh bạch. Đây là một việc làm hết sức cần thiết trước yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

“Nếu được Quốc hội thông qua, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ góp phần tạo thêm điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn. Chính phủ thể hiện sự quan tâm đến khối DN FDI bằng những chính sách ưu đãi mới về thuế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: DDDN


Tại hội thảo, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình bày những điểm mới căn bản trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo ông Tuấn, nội dung quan trọng mang tính đột phá của Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này chính là thông tin về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Quy định thống nhất ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có thể áp dụng chung cho tất cả các nhà đầu tư theo nguyên tắc Danh mục được ban hành kèm theo Luật. Nhà đầu tư không bị hạn chế đầu tư kinh doanh nếu ngành, nghề ấy không được quy định trong Danh mục.

Cụ thể, theo dự thảo luật trình Quốc hội, có 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; 272 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên cơ sở kết quả rà soát từ 51 ngành, nghề, hàng hóa cấm đầu tư kinh doanh, 386 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Một trong những nội dung quan trọng khác của Dự thảo luật là quy định rõ việc áp dụng pháp luật đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Luật này có thể áp dụng điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp thành lập mới DN, góp vốn, mua cổ phần, thực hiện dự án đầu tư đối với các tổ chức kinh tế như: Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ hoặc công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài; Có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nêu trên nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Các trường hợp còn lại áp dụng như nhà đầu tư trong nước.

Dự thảo cũng bổ sung đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư bao gồm: Dự án sử dụng nhiều lao động đặt tại vùng nông thôn; Các dự án lớn được giải ngân trong thời gian ngắn thay vì chỉ áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư như hiện nay. Ngoài ra, dự thảo còn quy định cụ thể danh mục ngành, nghề ưu đãi tại Luật; bổ sung, cập nhật vào danh mục ưu đãi đầu tư đối với công nghệ cao, nông nghiệp và một số hoạt động khác nhằm khuyến khích đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực...

Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Thái Nguyên. Samsung hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN.


Bàn về tác động của các chính sách mới liên quan đến Luật Đầu tư, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, cộng đồng các nhà đầu tư, DN đều phản ứng tích cực với các chính sách sửa đổi này. “Đây không phải là lần đầu tiên nước ta sửa đổi Luật Đầu tư. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung dường như các nhà đầu tư đã có niềm tin với môi trường kinh doanh tại Việt Nam hơn. Trong lần sửa đổi Luật Đầu tư, thuế lần này, tình hình đầu tư có vẻ tích cực hơn” – ông Quang cho biết.

Qua khảo sát, hầu hết các nhà đầu tư đều muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bằng chứng là xu hướng gia tăng các dự án quy mô lớn của các tập đoàn lớn trên thế giới đến Việt Nam như: Samsung, LG, Microsoft… “Rõ ràng, đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế Việt Nam”, ông Quang khẳng định.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho biết, xây dựng thể chế là quan trọng nhưng thực thi thể chế còn quan trọng hơn. Hiện, khoảng 15.000 DN đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt với đội ngũ công chức không được như mong muốn. Đề nghị Chính phủ sau khi có thể chế tốt thì quan tâm đến bộ máy công chức để giảm phiền hà, nhũng nhiễu.

Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới, ông Đặng Xuân Quang cho rằng, Việt Nam cần thu hút có chọn lọc dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, trong các lĩnh vực: CNTT, phục vụ nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao…; thu hút dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các TNCs, đồng thời chú trọng dự án quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhau và với doanh nghiệp trong nước; quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế từng vùng, từng ngành và quy hoạch chung.

Hoàng Dương
FDI 10 tháng đầu năm 2014 vào Việt Nam
FDI 10 tháng đầu năm 2014 vào Việt Nam

10 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và cấp mới tại Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD, giảm 30%;

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN